Cảng hàng không quốc tế Long Thành cất cánh cùng Đông Nam bộ

Những năm gần đây, Đông Nam bộ đã vươn lên trở thành vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Vùng Đông Nam bộ có 6 tỉnh, thành phố; trong đó, có những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Hiện nay, vùng Đông Nam bộ có 86 khu công nghiệp đang hoạt động cung cấp hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, đây cũng là vùng phát triển mạnh về du lịch, với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, như Vũng Tàu, núi Bà Đen, vườn quốc gia Cát Tiên…

Lãnh đạo các cơ quan báo Đảng địa phương tham quan Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Lãnh đạo các cơ quan báo Đảng địa phương tham quan Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Đông Nam bộ hiện đang là vùng thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, chiếm 41,1% tổng vốn FDI toàn quốc, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đã giúp Đông Nam bộ trở thành trung tâm công nghiệp, xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư gần 11 nghìn dự án, tổng vốn đạt trên 78 tỷ USD; tiếp theo là tỉnh Bình Dương, với 40 tỷ USD; các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cũng là những địa phương trọng điểm về công nghiệp và hút vốn đầu tư FDI.

Để tạo đột phá trong kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ với cả nước và quốc tế, ngày 14/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch dự án sân bay Long Thành, nằm trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ngày 25/6/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành. Ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 95/2019/QH14 về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ngày 11/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Ngày 5/1/2021, Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chính thức khởi công xây dựng, với tổng vốn đầu tư trên 16 tỷ USD, do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Phối cảnh nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phối cảnh nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung,có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng.

Theo quy hoạch tổng thể, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích 5.000 ha. Gồm 4 đường cất, hạ cánh; 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ, công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.Sân bay Long Thành được xây dựng theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4F (mức cao nhất) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đây là dự án đầu tư hạ tầng có tổng vốn lớn nhất của Việt Nam được triển khai thực hiện từ trước đến nay.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay dân dụng lớn nhất. Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, khi đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các đường bay trong nước và quốc tế, tạo nền tảng phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy kết nối với thị trường ASEAN, khu vực châu Á và toàn cầu. Từ sân bay Long Thành, chỉ với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Do đó, trong quy hoạch phát triển, đến sau năm 2030, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Thi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết: Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2035. Đầu năm 2021, dự án chính thức được khởi công xây dựng. Hơn 2 năm qua, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai quyết liệt, ngày 25/8/2023, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao toàn bộ mặt bằng 5.000 ha phục vụ dự án xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ngày 31/8, chủ đầu tư đã chính thức khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành.

Giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng đường cất, hạ cánh số 1 dài 4.000 m, rộng 75 m, hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối; 1 nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, diện tích sàn 275.000 m2, đài kiểm soát không lưu cao 123m và các hạng mục phụ trợ phục vụ phát triển lâu dài, nhà để xe công suất 4.200 xe ô tô, các nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn mỗi năm; trạm cung cấp nhiên liệu, xử lý nước thải; xây dựng các không gian phục vụ công tác hải quan, công an cửa khẩu, công an địa phương, kiểm dịch y tế, cảng vụ hàng không, đơn vị quản lý, khai thác cảng, điều hành bay, các hãng hàng không, các đơn vị cung ứng dịch vụ, phục vụ 40.000 suất ăn mỗi ngày…

Đặc biệt, nhà ga hành khách - điểm nhấn của Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thiết kế tinh tế, thẩm mỹ mang đậm nét văn hóa Việt thân thiện môi trường. Sảnh làm thủ tục được lắp đặt các thiết bị hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục hàng không, tự làm thủ tục ký gửi hành lý, áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, công nghệ sinh trắc học, hộ chiếu điện tử mang lại tiện nghi cho hành khách; khu vực kiểm tra an ninh, hải quan, thiết bị soi chiếu hiện đại; khu vực xuất nhập cảnh lắp đặt giám sát an ninh tự động.

Thi công các hạng mục Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thi công các hạng mục Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Giai đoạn 1 khi hoàn thiện sẽ được kết nối với hệ thống giao thông chính, như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc Bến Lức - Long Thành, kết nối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tầu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết kết nối với khu vực Nam Trung bộ, đường vành đai 4 kết nối với tỉnh Lâm Đồng; kết nối với tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam và một tuyến đường sắt trong khu vực…

Sau khi hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ đóng vai trò quan trọng trên lĩnh vực giao thông - vận tải, mà còn góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với vùng Đông Nam bộ và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam; là cửa ngõ đón khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam và khách du lịch Việt Nam tới quốc tế. Đồng thời, mở ra cơ hội cạnh tranh với các sân bay trong khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế; góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, tạo động lực tăng trưởng mới và hội nhập quốc tế.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/cang-hang-khong-quoc-te-long-thanh-cat-canh-cung-dong-nam-bo-rllyV5iIR.html