Càng khó khăn, càng nỗ lực

Những tháng đầu năm 2024, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng huyện Sơn Tây vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.Dấu ấn phát triển công nghiệp

Nhiều năm qua, lĩnh vực công nghiệp ở huyện Sơn Tây đã phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu trong việc nộp ngân sách so với các địa phương nông thôn, miền núi trong tỉnh. Trong 5 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đã đạt 254/527 tỷ đồng giá trị sản xuất toàn huyện, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (58%), thương mại - dịch vụ (26%).

Cụm Nhà máy Thủy điện Đakđrinh và Thủy điện Sơn Tây, ở xã Sơn Tân (Sơn Tây).

Cụm Nhà máy Thủy điện Đakđrinh và Thủy điện Sơn Tây, ở xã Sơn Tân (Sơn Tây).

Hiện nay, Sơn Tây là huyện đứng đầu tỉnh trong sản xuất điện với nhiều dự án thủy điện lớn hoạt động hiệu quả, bao gồm Thủy điện Đakđrinh, Sơn Trà 1, ĐakBa, Thượng Sơn Tây, Sơn Tây, Huy Măng. Mỗi năm, ngoài việc tạo ra nguồn năng lượng lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các thủy điện có hồ chứa còn góp phần ngăn lũ, chống hạn cho vùng hạ du; đồng thời, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Việc phát triển lĩnh vực này cũng đặt ra cho chính quyền những yêu cầu mới trong quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp thủy điện. Đó là tận dụng địa thế tự nhiên, khai mở hướng đi mới trong phát triển công nghiệp điện thông qua thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Khi công trình đi vào hoạt động, chính quyền lại sát cánh trong việc kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn hồ chứa, phát điện; đặc biệt là quản lý giao thông đường thủy qua lòng hồ Thủy điện Đakđrinh. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư ổn định sản xuất, giảm thiểu các tác động tiêu cực của thủy điện đến đời sống dân cư trên địa bàn.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng những tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện Sơn Tây vẫn thuộc tốp đầu của tỉnh. Tính đến cuối tháng 5/2024, thu ngân sách của huyện đạt gần 880 tỷ đồng (đạt hơn 251% chỉ tiêu tỉnh và huyện giao).
Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Trên địa bàn huyện Sơn Tây hiện có khoảng 1.750ha cây trồng các loại. Dự báo tình trạng nắng hạn năm 2024 sẽ rất khắc nghiệt, UBND huyện đã tập trung định hướng người dân lựa chọn cây trồng thích hợp để ứng phó với nắng hạn, bảo vệ cây trồng. Do đó, diện tích trồng lúa sẽ được cắt giảm, chỉ gieo sạ tại những vùng có điều kiện nước tưới đảm bảo.

Các diện tích còn lại sẽ chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn tốt hơn như bắp, các loại rau màu khác, cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Đơn cử như, 5,4ha đất ở 2 xã Sơn Liên và Sơn Tinh không thể gieo sạ, người dân đã chuyển sang trồng bắp; gần 1ha đất ở xã Sơn Tân do bị sạt lở, không thể tiếp tục canh tác lúa, đã chuyển sang trồng mì và keo.

Người dân xã Sơn Liên (Sơn Tây) thu hoạch bưởi bán ra thị trường.

Người dân xã Sơn Liên (Sơn Tây) thu hoạch bưởi bán ra thị trường.

Trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân bảo vệ cây trồng, huyện Sơn Tây đã có những sáng tạo phù hợp với điều kiện vùng cao. Ngành nông nghiệp huyện đã kết hợp với các xã tuyên truyền, giải thích cho người dân, nhất là đồng bào Ca Dong trực tiếp canh tác, tận dụng nước tưới từ các đập bổi để tưới tiêu cho cây trồng. Từ đó, người dân chủ động nạo vét kênh mương nội đồng, bảo vệ và phát huy năng lực tưới của hệ thống thủy lợi, khai thông khe suối để dẫn nước về đập. Như người dân ở xã Sơn Liên đã xử lý các điểm gây tắc nghẽn dòng chảy về đập; cùng nhau cam kết không chăn thả trâu bò ở gần đập và nơi có hệ thống ống dẫn nước, để không làm hỏng công trình.

Ngoài ra, huyện Sơn Tây còn tập trung theo dõi và phát triển các mô hình khuyến nông; hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng và vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng. Đặc biệt là, tiếp tục thực hiện mô hình cải tạo, thâm canh 10ha măng vót tại xã Sơn Liên; triển khai mô hình cải tạo đàn dê theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng tại 2 xã Sơn Mùa và Sơn Tân... Đồng thời, huyện tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ để khai thác và phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập, tìm đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng kè sông Đakđrinh chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư trung tâm huyện Sơn Tây.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng kè sông Đakđrinh chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư trung tâm huyện Sơn Tây.

Năm 2024, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Sơn Tây tăng đáng kể so với các năm trước nhờ người dân được hỗ trợ con giống từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đàn gia súc hiện có hơn 20 nghìn con (trâu gần 2.000 con, bò hơn 8.000 con, đàn heo hơn 7.000 con...); đàn gia cầm gần 23 nghìn con. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, giúp người dân yên tâm hơn trong chăn nuôi. Hiện tại, huyện đang tích cực tuyên truyền người dân tập trung xử lý môi trường chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm; kết hợp giữa chăn nuôi với giết mổ và mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Đảm bảo an sinh xã hội

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, duy trì ổn định nhịp độ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, huyện Sơn Tây còn chú trọng đến các hoạt động an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo. Thực hiện chu đáo chính sách đền ơn đáp nghĩa, nhất là trợ cấp hằng tháng đầy đủ, kịp thời cho người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo kết quả tổng rà soát, huyện Sơn Tây có gần 6.000 hộ, hơn 22 nghìn nhân khẩu; trong đó, có 2.027 hộ nghèo (hơn 34%); 582 hộ cận nghèo (gần 9,8%). Huyện đã phân tích nguyên nhân dẫn đến đời sống khó khăn của từng nhóm hộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Đối với các hộ nghèo do thiếu việc làm, việc làm không ổn định, huyện tập trung phối hợp giới thiệu việc làm, tạo thu nhập ổn định.

Trong 5 tháng qua, đã có hơn 300 người trong độ tuổi lao động ở huyện Sơn Tây tìm được việc làm thông qua các sàn giao dịch và hoạt động xúc tiến giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp tại địa phương, như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và các công ty trong KCN VSIP Quảng Ngãi. Hiện nay, huyện đang tiếp tục hướng dẫn các xã rà soát, xây dựng kế hoạch tìm việc làm cho các đối tượng trong độ tuổi lao động...

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-son-tay/202406/cang-kho-khan-cang-no-luc-b7a1aed/