Căng mình chuẩn bị mùa sản xuất cuối năm
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi những biến động của thị trường, nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, thậm chí là tăng tốc để chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cuối năm.
Lo nhất vẫn là thiếu vốn
Trải qua thời gian dài ứng phó dịch bệnh Covid-19, nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp là rất lớn. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong giai đoạn này lại hết sức khó khăn.
Ông Đặng Trần Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thiên Triều An (Đồng Nai) chia sẻ, doanh nghiệp làm hồ sơ tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng rất khó khăn. Doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ giấy tờ, phương án kinh doanh rõ ràng, khả thi, tài chính minh bạch thì mới có thể tiếp cận được vốn.
“Thiên Triều An là doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống, nên những tài sản thế chấp để lập hồ sơ tiếp cận vốn ngân hàng chỉ là những sản phẩm của doanh nghiệp. Chưa kể, công ty vẫn còn các khoản nợ cũ chưa trả hết, nên hồ sơ vay vốn cho những đơn hàng tháng cuối năm chưa được xét duyệt”, ông Thụy cho hay.
Vượt qua nỗi lo thiếu vốn, để tận dụng mùa cao điểm mua sắm dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị xong nguyên liệu, bắt tay vào sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Quý Mão 2023.
Không riêng gì doanh nghiệp đơn lẻ, ngay cả các doanh nghiệp thuộc hiệp hội ngành hàng, nếu muốn tiếp cận vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thời điểm những tháng cuối năm 2022 cũng không hề dễ dàng, khi các ngân hàng đồng loạt siết tín dụng cho vay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đối mặt với những thách thức khác đến từ việc chi phí đầu vào tăng, thị trường của các đối tác bị ảnh hưởng.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, doanh nghiệp ông chủ yếu là các khoản vay lưu động ngắn hạn thay vì trung và dài hạn, nên thời gian này không gặp khó khăn khi tiếp cận vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều đối tác khách hàng như hệ thống phân phối lại gặp khó khăn khi thanh toán với doanh nghiệp, cụ thể là chậm tiến độ. Một số công ty cho biết, đang có tình trạng vay vốn từ ngân hàng nhưng tới thời gian đáo hạn thì không được giải ngân lại. Điều này khiến thời gian thanh toán kéo dài từ 30 lên 45 ngày.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cũng chia sẻ, giá cả đầu vào đồng loạt tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20 - 30%. Điều này tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị hàng Tết của doanh nghiệp khi nguồn vốn cần sử dụng tăng cao hơn so với các năm trước.
Sẵn sàng cho mùa cao điểm
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng trước mùa cao điểm mua sắm dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị xong nguyên liệu, bắt tay vào sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Quý Mão 2023. Đơn cử, tại nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), một số dây chuyền đã chạy sản lượng cho mùa Tết.
Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt heo), tăng 30% so với mức thực hiện Tết Nhâm Dần 2022, cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%. Vissan cam kết đủ hàng trước và sau Tết với giá ổn định. Để bán được hàng, từ nay đến cuối năm, Vissan sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên được giảm giá đến 25%, thực phẩm tươi sống cũng sẽ luân phiên giảm giá nhưng ở mức thấp hơn...
Tương tự, đối với một số mặt hàng như thủy, hải sản chế biến, bánh kẹo, nước giải khát... các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đặt mục tiêu sản lượng, doanh số cao. Các công ty sản xuất, kinh doanh thịt, trứng gia cầm cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị tại trại chăn nuôi và trại liên kết để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ nay đến Tết.
Tại Công ty Vĩnh Thành Đạt, ông Thiện cho biết, sản lượng trứng gia cầm đang rất dồi dào, doanh nghiệp đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng 50% trong tháng Chạp. Dự đoán từ nay đến Tết, giá trứng gia cầm sẽ không biến động.
“TP.HCM vừa điều chỉnh giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường, trong khi giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm… là những yếu tố giữ ổn định giá trứng gia cầm trong thời gian tới”, ông Thiện nói.
Tương tự, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân thông tin, công ty tăng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ thị trường dịp Tết Quý Mão 2023. “Tuy chưa dự kiến được giá bán lẻ, nhưng Công ty Ba Huân tham gia chương trình bình ổn thị trường nên phải chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và cố gắng kìm giữ giá bán, góp phần ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá cả ổn định”, bà Phạm Thị Huân chia sẻ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cang-minh-chuan-bi-mua-san-xuat-cuoi-nam-d175762.html