Căng thẳng biên giới Trung- Ấn hạ nhiệt
Trung Quốc và Ấn Độ hoàn tất việc rút toàn bộ binh lính và khí tài quân sự hạng nặng khỏi một 'điểm nóng' tranh cãi ở khu vực Đông Ladakh trên dãy Himalaya, bước đi được kỳ vọng có thể xoa dịu thế đối đầu căng thẳng trên tuyến biên giới giữa hai cường quốc châu Á.
Reuters ngày 22/2 dẫn thông cáo chung của quân đội Trung Quốc và Ấn Độ cho biết, toàn bộ binh sĩ và khí tài quân sự hạng nặng của cả hai bên đã được rút ra xa khỏi Đường kiểm soát thực tế (LAC) đoạn chạy qua bờ Bắc và bờ Nam của hồ Tso Pangong thuộc khu vực Đông Ladakh trên dãy Himalaya, qua đó khôi phục nguyên trạng tại đây như trước khi căng thẳng bùng nổ hồi năm ngoái.
Thông cáo chung Trung-Ấn cũng xác nhận, tại vòng đàm phán cấp tư lệnh quân đoàn lần thứ 10 diễn ra cuối tuần trước, lực lượng hai nước đánh giá cao việc rút quân đã diễn ra suôn sẻ và khẳng định đây là một “bước tiến quan trọng” mang đến khởi đầu tốt đẹp cho giải pháp giải quyết những tranh chấp khác ở khu vực phía Tây của LAC, vốn được xem là biên giới thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
“Hai bên cũng nhất trí tiếp tục giao thiệp và đối thoại, ổn định và kiểm soát tình hình trên thực địa, đồng thời thúc đẩy một giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận được đối với những vấn đề còn tồn đọng”, thông cáo chung nêu.
Việc rút quân là thành quả của hàng chục cuộc đàm phán được tiến hành trong suốt 9 tháng liên tiếp ở nhiều cấp độ, gồm cuộc gặp quan trọng hôm 10/2 của chỉ huy lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc ở bờ Bắc và bờ Nam hồ Tso Pangong để thảo luận về các bước rút quân cụ thể.
Ngay trong ngày 10/2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo các binh sĩ của Ấn Độ và Trung Quốc đóng tại biên giới giữa hai nước tại các vị trí trên đã bắt đầu rời đi “một cách đồng bộ và có tổ chức”, phù hợp với thỏa thuận đạt được giữa các tư lệnh quân đoàn khi họ gặp nhau tại vòng đàm phán thứ 9 hôm 24/1.
Theo Reuters, hình ảnh vệ tinh được công bố một tuần sau đó cho thấy Trung Quốc đã tháo dỡ hàng chục công trình được xây dựng gần đây dọc theo biên giới. Từ Ấn Độ, một quan chức quân sự của nước này cũng xác nhận New Delhi đã lập tức có các động thái tương tự.
Truyền thông Ấn Độ còn đăng tải đoạn video đầy biểu tượng ghi lại cảnh xe tăng Trung Quốc và Ấn Độ cùng quay đầu di chuyển vào sâu trong lãnh thổ nước mình, đồng thời ca ngợi đây là chỉ dấu cho thấy thế đối đầu căng thẳng ở biên giới đã hạ nhiệt.
Theo Indian Express, sau cuộc xung đột biên giới đẫm máu năm 1962, LAC trở thành đường phân chia phần lãnh thổ mà hai bên kiểm soát trên thực địa, kéo dài gần 3.500km theo quan điểm của Ấn Độ hoặc khoảng 2.000km, theo quan điểm của Trung Quốc. Các vụ đụng độ, đối mặt giữa binh sĩ hai bên thường xuyên diễn ra xung quanh LAC, trong đó hai nước đều cáo buộc bên còn lại gây hấn trước.
Tình hình leo thang đáng kể từ hồi tháng 4 năm ngoái, khi Ấn Độ cáo buộc binh sĩ Trung Quốc vượt qua LAC, xâm nhập sâu vào khu vực mà Ấn Độ kiểm soát. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc. Một vụ đụng độ sau đó đã xảy ra tại thung lũng Galwan vào tháng 6/2020, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc ban đầu không thông báo thương vong, nhưng cách đây vài ngày xác nhận mất 4 binh sĩ trong vụ việc.
Sau đợt đụng độ, hai nước liên tiếp tăng cường đáng kể hiện diện quân sự ở biên giới. The Hindu thông tin, có thời điểm, mỗi bên triển khai tới 50.000 binh sĩ và khí tài hạng nặng sát LAC. Xe tăng hai bên thậm chí từng chĩa nòng vào nhau trong trạng thái sẵn sàng khai hỏa ở khoảng cách vài trăm mét, kéo theo nguy cơ đụng độ trực diện giữa hai cường quốc quân sự.
Ngoài bờ Bắc và bờ Nam hồ Tso Pangong, các địa điểm còn xung đột khác giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Ladakh gồm khu vực được định danh là Điểm tuần tra 15 ở khu Hot Springs, Điểm tuần tra 17A ở khu Gogra Post, Điểm tuần tra 14 ở Thung lũng Galwan và một loạt điểm tuần tra ở Charding-Ninglung Nallah và Đồng bằng Depsang, không xa Bottleneck (Nút thắt cổ chai), nơi Ấn Độ tố quân đội Trung Quốc chặn binh lính của nước này tiếp cận các điểm tuần tra truyền thống.
Một số chuyên gia Ấn Độ lo ngại việc rút quân vừa rồi sẽ làm xao nhãng các cuộc đối thoại về tình hình ở Hot Springs, Gogra Post và cả Đồng bằng Depsang, khu vực tiếp giáp ngã ba biên giới thực tế giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan – một đối thủ khác của New Delhi ở khu vực. Các cuộc đối thoại về các “điểm nóng” trên khởi động từ tháng 7 năm ngoái, nhưng chưa có tiến triển đáng kể.
Tuy nhiên, theo SCMP, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã bác bỏ những lo lắng này và khẳng định các cuộc đàm phán kế tiếp sẽ sớm được tiến hành.
Trong bài đăng sáng 22/2, tờ Indian Express cũng tiết lộ, tại vòng đàm phán thứ 10 hồi tuần trước, hai bên đã nêu lên khả năng sớm xử lý căng thẳng tại Hot Springs và Gogra Post. Tới đây, mỗi bên sẽ đưa ra đề xuất riêng rồi cùng ngồi lại để thảo luận các bước đi mà cả hai có thể chấp nhận.
“Chúng ta sẽ thấy thành quả nhanh chóng tại Hot Springs và Gogra Post”, nguồn tin của Indian Express nói, cho biết thêm nỗ lực thành công ở hồ Tso Pangong là tiền đề quan trọng giúp xử lý các mâu thuẫn khác.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/cang-thang-bien-gioi-trung-an-ha-nhiet-631622/