Căng thẳng câu chuyện giao hàng trên sàn thương mại điện tử
Trong khi Hiệp hội Bưu chính và Vietnam Post cho rằng, việc chỉ định đơn vị giao hàng trên các sàn thương mại điện tử có dấu hiệu độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh, đại diện các sàn cho biết, nhu cầu khách hàng mới là quan trọng.
Ngày 27/11, tại TP.HCM, Bộ TT&TT đã tổ chức diễn đàn doanh nghiệp bưu chính năm 2023 với chủ đề “cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững thị trường bưu chính”.
Phát biểu khai mạc, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT cho biết, trong 5 năm qua, thị trường bưu chính tại Việt Nam phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng cao, gấp 2 lần so với tăng trưởng GDP.
Số lượng doanh nghiệp bưu chính gia nhập thị trường mỗi năm tăng 10-15%, hiện cả nước có hơn 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực và ước tính doanh thu năm 2023 khoảng 59 nghìn tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lã Hoàng Trung, hiện nay vẫn còn có các tranh luận liên quan đến vấn đề cạnh tranh không lành mạnh về giá cước dịch vụ Bưu chính, các chương trình khuyến mãi, cũng như việc lựa chọn đơn vị vận chuyển của các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Vì thế, việc Bộ TT&TT tổ chức diễn đàn là để lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp về vấn đề này, từ đó cơ quan chức năng có các điều chỉnh để thúc đẩy các doanh nghiệp cùng nhau phát triển.
Sàn TMĐT tự chỉ định đơn vị vận chuyển là cạnh tranh không lành mạnh
Theo bà Hà Thị Hòa, Trưởng ban Dịch vụ Bưu chính của Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam (Vietnam Post), hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực Bưu chính có thể kể đến việc tác động của các sàn TMĐT trong việc chỉ định đơn vị vận chuyển. Cụ thể, một số sàn như Shopee, Lazada… không cho phép người bán, người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển mà tự chủ động phân phối hoạt động vận chuyển cho các đơn hàng trên sàn mình. Đồng thời thành lập các đơn vị chuyển phát riêng trực thuộc sàn, qua đó đẩy hầu hết sản lượng qua các đơn vị chuyển phát này.
Ông Nguyễn Đắc Luân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính cũng cho rằng, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, một số sàn TMĐT hiện nay đang hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng hoặc giao kết hợp đồng trái ý muốn của người tiêu dùng, đồng thời thành lập các đơn vị chuyển phát riêng trực thuộc sàn.
Qua đó, đẩy hầu hết sản lượng qua các đơn vị chuyển phát này bằng hành vi chỉ định đơn vị vận chuyển, hạn chế các đơn vị vận chuyển khác được cung cấp dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Đắc Luân, dưới góc độ người tiêu dùng, khi giao kết hợp đồng trên sàn TMĐT, người tiêu dùng có quyền tự do lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, do đó, hành vi của một số sàn điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada… không cho phép người bán và người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển là xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Lê Thanh Hoài, Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành SuperShip cũng cho rằng, với việc sàn TMĐT tự quyết định đơn vị vận chuyển sẽ rơi vào tình trạng độc quyền nhóm, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Bởi ở đây sàn vừa bán hàng, vừa chỉ định đơn vị vận chuyển và thậm chí là tự lập đơn vị vận chuyển luôn.
Cạnh tranh lành mạnh ở đây là phải do người tiêu dùng hay người bán hàng lựa chọn đơn vị vận chuyển và mở ra cho các đơn vị vận chuyển cùng vào để người dùng lựa chọn.
Không có chuyện độc quyền, tất cả là vì nhu cầu khách hàng
Theo bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX Express (đơn vị vận chuyển thuộc Shopee), cạnh tranh lành mạnh là dựa trên việc phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng, đưa nhu cầu của khách hàng lên làm tôn chỉ trong tất cả các hoạt động của mỗi doanh nghiệp.
Sau nhiều năm hoạt động, Shopee nhận ra rằng khách hàng trông đợi ở sàn và các đơn vị vận chuyển nhiều hơn là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nghĩ.
Các khách hàng như là người bán, họ cần các sàn TMĐT phục vụ đầy đủ các dịch vụ, trong đó có dịch vụ hậu mãi, các dịch vụ trả hàng hoàn tiền.
Các dịch vụ này không đơn giản là nhà bán hàng bán một đơn thì người vận chuyển vào lấy hàng đi giao, mà bao gồm cả việc làm sao để nhà bán có thể gửi được đầy đủ số lượng hàng trong ngày thường lẫn ngày diễn ra sự kiện số lượng tăng lên gấp mười lần. Khi khách hàng trả hàng hoặc cảm thấy không hài lòng, ai sẽ là đơn vị đứng ra xử lý.
Về bản thân người mua họ cũng nghĩ rằng nếu được chọn đơn vị vận chuyển thì sẽ tốt nhất, nhưng đồng thời họ cũng sẽ có nhu cầu ẩn phía sau đó, chẳng hạn họ cũng muốn phải có dịch vụ vận chuyển tốt và được miễn phí; khi có vấn đề xảy ra với gói hàng hay dịch vụ vận chuyển họ không phải suy nghĩ đến việc liên hệ đến người bán, sàn hay làm việc trực tiếp với đơn vị vận chuyển.
Thực tế theo kinh nghiệm của Shopee, từ trước đến nay, khi xảy ra sự cố người mua chọn liên hệ với sàn nhiều nhất, chính vì vậy sàn TMĐT nên là đơn vị có trách nhiệm cao nhất trong việc đảm bảo cho người dùng đầu cuối.
Với nhu cầu khách hàng như trên, theo bà Nguyễn Kim Anh, Shopee mới dần chuyển sang mô hình tự lựa chọn một số đơn vị vận chuyển lớn và uy tín trong ngành để đưa vào danh sách đơn vị vận chuyển trên sàn.
Thông qua việc hỗ trợ dịch vụ vận chuyển cho khách hàng, Shopee có thể điều tiết được một số hành vi không lành mạnh ở trong môi trường TMĐT hay môi trường bưu chính.
Chẳng hạn như trước đây sàn cho phép người dùng lựa chọn đơn vị vận chuyển có rất nhiều vấn đề gian lận xảy ra, nhiều khi đến từ khách hàng hoặc người bán hoặc người mua có móc nối với một số đối tượng xấu đang là đối tác giao nhận, thậm chí là nhân viên các đơn vị vận chuyển để trục lợi.
Sau một thời thực hiện mô hình này, theo thống kê của Shopee, đã đem đến cho khách hàng 3 lợi ích như: Thời gian chờ đợi của khách hàng giảm 30%, đơn hàng được trao cho đơn vị vận chuyển có tốc độ cao nhất; Chi phí người bán và người mua bỏ cho dịch vụ vận chuyển giảm 10-20%; Các vụ liên quan đến gian lận, gửi hàng không đúng sự thật, hàng ảo, giảm 60-70%.
Với các lợi ích này, Shopee vẫn đang đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và trong tương lai hướng đến việc cạnh tranh là khách hàng có đang vui hay thỏa mãn với điều đó hay không.
Theo bà Nguyễn Kim Anh, Shopee không muốn xảy ra việc độc quyền, vì thế các đơn vị vận chuyển sẽ cạnh tranh với nhau bằng năng lực cũng như khả năng tối ưu chi phí.
Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Logistics, Lazada Việt Nam cũng cho biết, việc Lazada lập đơn vị vận chuyển riêng là vì thời điểm đơn vị này vào thị trường (2012), các đơn vị vận chuyển trong nước đang hoạt động quá truyền thống và không đáp ứng được nhu cầu.
Về vận hành sàn TMĐT, ông Vũ Đức Thịnh cho biết, khách hàng mua hàng không biết sàn là ai, họ gặp đơn vị vận chuyển duy nhất là shipper và trải nghiệm luôn được đánh giá đầu tiên là thời gian nhận hàng, thái độ bưu tá đóng vai trò quyết định và rất nhiều yếu tố khác, bắt buộc các sàn TMĐT phải đầu tư hình ảnh cho cả đơn vị vận chuyển và sàn.
Chính vì thế, khi Lazada chọn đơn vị vận chuyển đầu tiên sẽ là chất lượng dịch vụ, thái độ của nhân viên, hệ thống công nghệ phân loại hàng hóa… để người mua khi mua hàng sẽ biết gói hàng nằm ở đâu.
Thực tế, khách hàng Việt Nam có nhu cầu cực cao, họ luôn muốn miễn phí ship nhưng giao hàng phải nhanh, chính vì thế đơn vị vận chuyển phải đáp ứng được việc này.
Bên cạnh đó, năng lực vận hành trong ngày cao điểm, các kỳ khuyến mãi đơn vị vận chuyển cũng phải đáp ứng được nhu cầu, bởi những ngày này sản lượng gấp ba, các đơn vị không có phương án cho những ngày này, bắt buộc sàn phải tự vận hành.
Theo ông Vũ Đức Thịnh, việc cho rằng sàn TMĐT tự chỉ định đơn vị vận chuyển là không khách quan, bên cạnh đó thực tế sản lượng đi qua các sàn TMĐT chỉ chiếm 40-45% thị phần, còn lại 50-60% thị phần nằm ở bên ngoài, chẳng hạn như bán hàng online trên mạng xã hội. Theo ông, thị phần vẫn còn để các đơn vị cạnh tranh và chỉ cần chiếm 30% ở đây đã là rất lớn.
Với việc thị phần vẫn đang còn phát triển, theo ông Vũ Đức Thịnh, việc cạnh tranh trong lĩnh vực sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới, chính vì thế các doanh nghiệp cần đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng, tự động hóa và tối ưu được hệ thống đáp ứng được nhu cầu, lúc đó mới là cạnh tranh lành mạnh.
Hai đơn vị đang được chọn vận chuyển trên sàn Shopee và Lazada là Giao Hàng Nhanh và J&T Express cũng cho rằng, ở đây không có sự cạnh tranh không lành mạnh, khi họ được chọn là đáp ứng được yêu cầu của sàn chứ không phải có sự chỉ định.
Đồng thời, để đáp ứng được yêu cầu của sàn TMĐT họ đã không ngừng cải tiến về công nghệ, lẫn đào tạo đội ngũ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.
Trước trao đổi của các đơn vị, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết, trước mắt Bộ TT&TT sẽ trao đổi với Bộ Công thương đề nghị các sàn công khai các tiêu chí khi lựa chọn đơn vị vận chuyển, đồng thời từ các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, sẽ tiến hành nghiên cứu để đưa vào các quy định.