Căng thẳng cuộc chiến chống rác thải nhựa
Góc nhìn từ một quốc gia châu Á phát triển trong cuộc chiến chống rác thải nhựa mở ra những hướng đi tiềm năng cho các quốc gia Đông Nam Á.
Từ ví dụ một quốc gia “nghiện nhựa”...
Chỉ trong suất cơm hộp (bento) mà phóng viên của thời báo The Guardian của Anh ghi nhận trên đường tới hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần trước ở Osaka, Nhật Bản, có không dưới chín vật phẩm bằng nhựa, từ túi nước sốt cho đến những đồ trang trí đơn giản. Hội nghị G20 quy tụ hàng trăm nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cũng là nơi mà Nhật Bản chọn để cam kết dẫn đầu các nỗ lực quốc tế trong xử lý rác thải nhựa.
Nhật Bản là quốc gia tạo ra lượng rác thải nhựa lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Ước tính mỗi năm người tiêu dùng Nhật Bản tiêu thụ 30 tỷ chiếc túi nilon do hoạt động mua sắm. Theo một nghiên cứu của Đại học Thương mại Osaka, trích dẫn bởi Bloomberg, Vịnh Osaka gần địa điểm tổ chức Hội nghị G20 năm nay chứa khoảng 3 triệu túi nilon và 6 triệu mảnh nhựa.
Trong khi Quốc hội châu Âu hồi tháng 3 đã thông qua luật cấm nhựa sử dụng một lần ở tất cả các quốc gia thành viên cho tới năm 2021, Nhật Bản, cùng với Mỹ, đã không ký “thỏa thuận nhựa” tại Hội nghị G-7 năm 2018.
Theo đó, hai cường quốc từ chối cam kết tái sử dụng, tái chế và thu thập tất cả các sản phẩm nhựa vào năm 2030. Thay vào đó, Tokyo và Washington chỉ “rón rén” đảm bảo một mục tiêu ít tham vọng hơn - đó là giảm 25% đối với nhựa sử dụng một lần cho tới năm 2030.
Tại Nhật Bản, văn hóa tặng quà với bao bì kỳ công cũng là một trong những lý do khiến đồ nhựa và các sản phẩm liên quan được người tiêu dùng ưa thích.
Họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm được gói bọc cẩn thận. Tính thẩm mỹ được đề cao ngay cả trên bao bì những hàng hóa thiết yếu cũng khiến Nhật Bản phải vật lộn để đối phó với nạn “nghiện nhựa”.
… đến tình trạng “đổ rác xuyên quốc gia”
Nhật Bản đã từng chuyển 1,5 triệu tấn chất thải nhựa cho Trung Quốc mỗi năm cho đến khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu mặt hàng “đặc biệt” này vào năm 2017. Trung Quốc từ nơi từng là “bến đỗ” của rác thải xuất khẩu đã bắt đầu cấm hầu hết lô hàng rác thải nhựa.
Nhưng như một phản ứng dây chuyền, Trung Quốc cũng nhanh chóng tìm ra bãi phế thải thay thế - đó là các nước Đông Nam Á. Khi những quốc gia này – với khả năng quản lý và xử lý rác thải còn hạn chế, một khi không đủ khả năng tái chế toàn bộ lại quyết định đổ rác thải ra biển.
Đây trở thành điểm nóng tại Hội nghị G20 vừa qua tại Osaka, bên cạnh những vấn đề địa chính trị đã chiếm gần như trọn bàn nghị sự. Giảm thiểu rác thải nhựa xả ra biển là một đề xuất quan trọng của Thủ tướng Shinzo Abe khi Nhật Bản đăng cai tổ chức G20.
Chai lọ và dao dĩa nhựa dùng một lần bị cấm tại trung tâm truyền thông quốc tế và các phóng viên đều nhận được các set quà tặng gồm một chiếc cốc làm từ nhựa tái chế, in hình vẽ một chú rùa đang khóc bơi giữa những chai nhựa, ống hút và túi nylon nổi lềnh bềnh với chú thích “Hãy bảo vệ đại dương khỏi rác thải nhựa”.
Malaysia hồi tháng 5 vừa qua tuyên bố sẽ trả lại phế liệu không thể tái chế cho các nước phát triển, bao gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản và Australia. Trước đó không thể quên vụ việc căng thẳng do Philippines làm rắn với 69 container rác từ Canada.
Các container trên được chở sang Philippines trong giai đoạn năm 2013 - 2014 và được dán nhãn là nhựa tái chế. Tuy nhiên, đây chỉ là mánh qua mắt cơ quan chức năng. Bên trong các container là giấy, túi nhựa, đồ điện tử, rác thải gia đình, rác thải nhà bếp và tã trẻ em.
Theo luật, Philippines cấm nhập rác nhựa lẫn với rác sinh hoạt. Một số container đã được xử lý ở Philippines nhưng số còn lại - 69 container nằm tại cảng trong nhiều năm, đã trở thành vấn đề ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ ngoại giao hai nước.
Philippines đã có các động thái phản hồi không hề mềm dẻo, bao gồm chỉ đạo các quan chức nước này không phê duyệt các chuyến đi chính thức tới Canada. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thậm chí dọa sẽ mang rác đến đổ ở vùng lãnh hải của Canada. Philippines thậm chí đã ra hạn chót cho Canada để nhận lại 69 container rác, theo đó Canada đã phải chịu chi hàng tỷ USD để nhận lại những mặt hàng “đặc biệt” này.
Quyết tâm - quyết liệt
Trước quyết tâm không trở thành bãi rác nhựa của châu Á của các quốc gia như Malaysia và Philippines, các nhà kho và trung tâm xử lý rác thải của các nước phát triển đã quay trở lại hoạt động hết công suất. Bên cạnh đó, họ cũng phải tìm đến những biện pháp để ngăn rác, đặc biệt là rác nhựa ngày càng xâm nhập vào đời sống người dân. Phòng tránh trước khi xử lý hậu quả vẫn là chủ trương cần thiết.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các siêu thị và các cửa hàng khác tính phí cho túi dùng một lần từ tháng 4/2020, tuy nhiên giới phê bình cho rằng, động thái này không đủ hiệu quả bởi nhiều quốc gia khác đã từng đưa ra chính sách tương tự.
Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada thừa nhận việc giao nhiệm vụ tăng giá cho túi nilon sử dụng một lần vào tay các nhà bán lẻ sẽ chẳng tác động mấy để giảm thiểu số lượng rác thải nhựa sử dụng một lần.
Đồng thời, các nước đang phát triển lại gia tăng sử dụng nhựa như một phần của chương trình cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm bởi ngay lập tức cắt giảm sử dụng nhựa có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe của người dân ở các nước nghèo do thức ăn và đồ dùng bị nhiễm bẩn. Các chuyên gia đồng tình với mục tiêu giảm thiểu sử dụng nhựa nhưng điều này phải được thực hiện từng bước và khoa học.
Cuộc họp của các bộ trưởng môi trường G20 tại Nhật Bản hồi đầu tháng này đã thống nhất một khuôn khổ quốc tế kêu gọi các nước thực hiện các bước tự nguyện để giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, nhưng đã dừng việc đặt ra các mục tiêu cụ thể về số lượng.
Trong khi đó, chính quyền và các công ty địa phương cũng đang có hành động quyết liệt hơn. Thị trấn Kameoka, gần Kyoto, sẽ cấm gần 800 nhà bán lẻ phát túi nhựa từ năm tới - với những đối tượng vi phạm có khả năng phải đối mặt với án phạt - trong khi ngôi làng Kamikatsu đang đặt mục tiêu hoàn toàn không có chất thải nhựa trong năm tới.
Seven-Eleven - tập đoàn bán lẻ Nhật Bản cho biết trong tuần này sẽ bắt đầu bán cơm nắm (onigiri) trong giấy gói từ thực vật. 21.000 cửa hàng của công ty trên toàn quốc bán ra 2,2 tỷ miếng cơm nắm mỗi năm. Họ cho biết cũng sẽ thay thế tất cả các túi mua sắm bằng nhựa vào năm 2030 và tất cả các bao bì nhựa bằng giấy, phân hủy sinh học hoặc các vật liệu tái sử dụng khác.
Trong khi đó, nhà điều hành cửa hàng tiện lợi Family Mart hiện sử dụng nhựa tái chế cho dòng mì lạnh, còn chuỗi nhà hàng Trung Quốc Ohsho cho biết sẽ loại bỏ ống hút và thìa nhựa sử dụng một lần tại tất cả 700 nhà hàng của mình vào tháng tới.
Chuyên gia Hiroaki Odachi của Greenpeace Japan nhận định, nếu cộng đồng DN thực sự có hành động - đó là chuyển sang các mặt hàng nhựa và giấy gói có thể sử dụng nhiều lần, thay vì những thứ gây xao nhãng như đồ tái chế và phân hủy sinh học, sẽ tạo tác động thực sự trong cuộc chiến chống rác nhựa.
Cuộc họp của các bộ trưởng môi trường G20 tại Nhật Bản hồi đầu tháng này đã thống nhất một khuôn khổ quốc tế kêu gọi các nước thực hiện các bước tự nguyện để giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần, nhưng đã dừng việc đặt ra các mục tiêu cụ thể về số lượng.
Rác biển, đặc biệt là rác nhựa biển và vi nhựa, là một vấn đề đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp vì những tác động bất lợi của nó đối với hệ sinh thái biển, sinh kế và các ngành công nghiệp bao gồm thủy sản, du lịch và vận chuyển, và có khả năng đối với sức khỏe con người.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cang-thang-cuoc-chien-chong-rac-thai-nhua-347226.html