Căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đà hồi phục của giá vàng, USD lại lên giá
Giá vàng thế giới và trong nước diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày hôm nay.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,35 - 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với phiên trước đó. Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 11 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày hôm nay nhờ sự suy giảm của đồng USD trước những sóng gió, hỗn loạn tại Nga. Cùng với đó, giới đầu tư cũng đang tìm kiếm thông tin về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,24% lên 1.928,69 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,23% lên 1.938,2 USD/ounce.
Trước những biến động của nền kinh tế và hỗn loạn địa chính trị, giới chuyên gia dự đoán giá vàng nhiều khả năng sẽ giảm khoảng 47 USD/ounce và sẽ là tháng giao dịch tồi tệ nhất của vàng kể từ tháng 2/2023. Lúc này, vàng đang chịu tác động rất lớn từ việc các ngân hàng trung ương duy trì quan điểm diều hâu và phớt lờ tình trạng hỗn loạn tại Nga. Một số chuyên gia cho rằng, biến động địa chính trị có thể là tác nhân chính thúc đẩy sự hồi phục của giá vàng.
Ngày 24/6 vừa qua, Nga đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua, khi lực lượng Wagner do Yevgeny Prigozhin đứng đầu kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam và điều quân tiến gần thủ đô Moskva. Căng thẳng chỉ hạ nhiệt khi Prigozhin chấp nhận rút quân theo thỏa thuận với Điện Kremlin, đổi lại Chủ tịch Wagner sẽ được miễn tố và rời Nga tới Belarus.
Hỗn loạn ở Nga diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi Ukraine đang thúc đẩy chiến dịch phản công quy mô lớn.
Wagner đã rút các khí tài hạng nặng như xe tăng, thiết giáp khỏi tỉnh Rostov ở miền nam Nga, nhưng chưa rõ họ có được tái bố trí đến chiến trường Ukraine hay không, trong bối cảnh người đứng đầu sẽ phải đến Belarus.
Giới quan sát cho rằng những rối loạn với Wagner có thể phần nào ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu của quân đội chính quy Nga ở chiến trường, tạo điều kiện tiến công cho Ukraine.
Giới quan sát nhận định cuộc nổi loạn của Wagner vẫn có thể tác động tới thông điệp của Tổng thống Putin rằng mọi việc luôn trong tầm kiểm soát. Sergei Markov, nhà tư vấn chính trị ủng hộ Điện Kremlin, cho hay nước Nga vẫn tranh luận về những gì đang diễn ra với cuộc nổi loạn và hậu quả của nó.
Cuộc khủng hoảng ở Nga đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 15 tháng so với đồng rúp.
Sau một ngày cuối tuần đầy biến động với cuộc binh biến ở Nga, vàng chỉ giao dịch tăng hơn 5 USD trong ngày.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,12% lên 102,62 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 27/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.761 đồng/USD; tăng 29 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.573 - 24.949 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.370 đồng/USD (mua vào) và 23.710 đồng/USD (bán ra), tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua và bán.