Căng thẳng độc hại gây ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ
Khi trẻ nhỏ gặp căng thẳng kéo dài, hệ miễn dịch của bé sẽ hoạt động kém hiệu quả. Do đó, trẻ dễ mắc các chứng cúm, viêm đường hô hấp và bệnh tự miễn hơn.

Trẻ nhỏ chịu căng thẳng kéo dài, khiến hệ miễn dịch yếu hơn, dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Ảnh minh họa: L.C.
Đến tận hôm nay, miễn dịch học vẫn là lớp học đau khổ nhất của tôi tại trường y, thật là mỉa mai vì hệ miễn dịch nên là bạn tốt của bác sĩ. Vấn đề chính là sự rắc rối của nó. Hệ miễn dịch rất quyền năng; nó chịu trách nhiệm giám sát mối quan hệ giữa thế giới bên trong và bên ngoài, đồng thời bảo vệ cơ thể khỏi những đe dọa ngoại lai. Kiểu như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Vì cơ thể có quá nhiều địch thủ cũng như quá nhiều đồng minh khác nhau, đôi khi rất khó phân biệt ai là bạn và ai là thù. Hệ miễn dịch phải là chuyên gia của tất cả, ví dụ như, phải biết rằng protein bên ngoài một vi khuẩn hay virus là có hại và vi trùng cần bị đánh bại, nhưng nó cũng phải biết rằng protein trong phổi, dây thần kinh và tế bào máu là có lợi và nên được để yên.
Khi bộ trưởng của cơ thể hài lòng với các mối quan hệ ngoại giao, nó rất lặng lẽ. Nó âm thầm hoạt động để duy trì trật tự bằng cách liên tục quét cơ thể tìm kiếm các tế bào bị viêm nhiễm, bị thương hay bị ung thư, và khi tìm ra, nó tiêu diệt chúng.
Nhưng khi kẻ xấu bằng cách nào đó xâm nhập được vào hệ thống phòng ngự và gây bệnh, Bộ trưởng Quốc phòng lập tức báo động, sắp đặt quân đội và mở các cuộc tấn công chiến lược. Hệ miễn dịch sử dụng các tín hiệu hóa học gọi là cytokine để kích hoạt phản ứng của cơ thể đối với thương tích hay bệnh tật. Từ cytokine nguyên văn là “người vận chuyển tế bào”.
Chúng thúc đẩy cơ thể sản xuất ra nhiều bạch cầu, bạch cầu chiến đấu với viêm nhiễm và kích hoạt nhiều loại tế bào khác để làm những việc như tạo ra kháng thể và ăn vi khuẩn. Hệ miễn dịch cũng kích hoạt chứng sưng viêm (như khi bị côn trùng cắn gây ra sưng đỏ). Như mọi thứ khác trong cơ thể, điều quan trọng là hệ thống miễn dịch phải được cân bằng.
Rối loạn trong phản ứng với căng thẳng có ảnh hưởng sâu sắc đến phản ứng miễn dịch và phản ứng sưng viêm bởi vì gần như mọi thành phần của hệ miễn dịch đều bị ảnh hưởng bởi hormone căng thẳng. Việc liên tục đối diện với hormone căng thẳng có thể ức chế hệ miễn dịch theo một số cách và kích hoạt nó theo một số cách khác.
Không may là chẳng có gì tốt đẹp ở những trường hợp này. Căng thẳng có thể dẫn đến sự thiếu hụt trong bộ phận miễn dịch chiến đấu chống lại bệnh cúm thông thường, lao và một vài loại ung bướu. Ở Thụy Điển, nhà nghiên cứu Jerker Karlén và đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ phải chịu từ ba căng thẳng đầu đời trở lên có mức cortisol tăng cao và dễ mắc các vấn đề sức khỏe của trẻ con như viêm đường hô hấp (cảm), viêm ruột dạ dày (cúm dạ dày) và những bệnh nhiễm virus khác.
Chúng tôi cũng biết là rối loạn của phản ứng với căng thẳng có thể dẫn đến sự gia tăng các chứng sưng viêm, siêu kích ứng (dị ứng, eczema và hen suyễn), và thậm chí các bệnh tự miễn (khi hệ miễn dịch tấn công chính cơ thể) như bệnh Graves của Trinity.
Những năm sau khi Nghiên cứu ACE [1] được công bố, các nhà khoa học đã quan sát cẩn thận mối quan hệ giữa ACE và bệnh tự miễn. Các phát hiện chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa căng thẳng tuổi thơ và bệnh tự miễn ở cả trẻ em và người lớn.
Hợp tác với bác sĩ Felitti và bác sĩ Anda, nhà nghiên cứu Shanta Dube đã phân tích dữ liệu của hơn 15.000 người tham gia Nghiên cứu ACE, xem xét điểm ACE và mức độ họ thường xuyên nhập viện do các bệnh tự miễn như viêm khớp mạn tính, lupus ban đỏ, đái tháo đường tip I, celiac (không dung nạp gluten), và xơ hóa phổi vô căn.
Điều mà Dube phát hiện ra thật chấn động: Một người có điểm ACE từ 2 trở lên có nguy cơ nhập viện do các bệnh tự miễn cao gấp hai lần những người không gặp ACE.
[1] Viết tắc của Adverse childhood experiences - (ACE) là những sự kiện có khả năng gây tổn thương xảy ra ở tuổi vị thành niên (0-17 tuổi). Nếu không được chữa lành, những chấn thương này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.