Căng thẳng gia tăng, sinh viên Mỹ gần như 'sạch bóng' tại Trung Quốc
Nhiều thanh niên Mỹ đã không còn mặn mà với việc theo học tại Trung Quốc do mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, kéo theo những cơ hội kinh tế giảm dần.
Stephen Garrett (27 tuổi), một sinh viên Mỹ từng dự định sẽ theo học tại Trung Quốc nhưng kế hoạch đã bị gián đoạn do chính sách hạn chế để phòng dịch Covid-19 của chính phủ nước này. Tuy nhiên, ngay cả khi quốc gia Đông Bắc Á đã mở cửa trở lại thì sự quan tâm của các sinh viên và giới nghiên cứu Mỹ lại có xu hướng giảm dần, phần lớn lo ngại những hạn chế về tự do học thuật và nguy cơ bị mắc kẹt ở lại.
Hiện tại ước tính chỉ có khoảng 700 sinh viên Mỹ đang theo học tại các trường đại học Trung Quốc, giảm rất sâu so với mức đỉnh điểm gần 25.000 cách đây một thập niên. Con số này cũng chênh lệch khá lớn so với gần 300.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường ở Mỹ.
Nhiều thanh niên Mỹ đã không còn mặn mà với việc theo học tại Trung Quốc do mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, kéo theo những cơ hội kinh tế giảm dần.
Các quan chức và học giả Mỹ lo ngại, xu hướng này có thể khiến giới trẻ nước này mất đi cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở Trung Quốc và hiểu rõ hơn về một đối thủ đáng gờm của Washington.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell nhận định: "Tôi không tin rằng môi trường còn thân thiện cho việc trao đổi giáo dục như thời điểm trước đây, hai bên cần phải có những bước đi để cải thiện".
Trên thực tế, bối cảnh đã khác biệt khá nhiều so với thời điểm năm 2009 khi Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi động Sáng kiến 100.000 Strong nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Mỹ muốn học tiếng Trung và nghiên cứu tại Trung Quốc.
“Chúng tôi cần những người Mỹ trẻ tuổi học tiếng Quan Thoại, có trải nghiệm về Trung Quốc".
(Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns)
Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, đến năm 2012, có tới 24.583 sinh viên Mỹ tại quốc gia châu Á này. Báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế, chuyên theo dõi các sinh viên đăng ký học tại các trường ở Mỹ và học ở Trung Quốc để lấy tín chỉ, cho thấy con số này đã đạt đỉnh điểm là 14.887 trong năm học 2011-2012, nhưng 10 năm sau giảm xuống chỉ còn 211 sinh viên.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết, con số 700 sinh viên nước này (tính đến cuối năm 2023) theo học tại Trung Quốc là quá ít ở một quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt đối với Washington. Ông nói: “Chúng tôi cần những người Mỹ trẻ tuổi học tiếng Quan Thoại, có trải nghiệm về Trung Quốc".
Nhà ngôn ngữ học David Moser, người từng có thời gian sinh sống tại Trung Quốc vào những năm 1980 cảnh báo: “Nếu không có những sinh viên Mỹ trở về từ Trung Quốc, trong thập niên tới, chúng ta sẽ không thể thực hiện tốt các chính sách ngoại giao với Bắc Kinh”.
Ông cho rằng, thời kỳ của những giao dịch thương mại nhộn nhịp đã không còn nữa, trong khi nhiều gia đình Mỹ đang chứng kiến hai quốc gia đang rời xa nhau.
"Nhiều người nghĩ rằng lựa chọn Trung Quốc để học tập và phát triển sự nghiệp có thể là một ý tưởng ngu ngốc”, nhà ngôn ngữ học nói.
Giám đốc điều hành Sáng kiến Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) Amy Gadsden cũng cho rằng, sự quan tâm giảm sút là do nhiều doanh nghiệp nước ngoài đóng cửa văn phòng tại Trung Quốc.
Để thu hút thêm sinh viên, học sinh nước ngoài đến với Trung Quốc, nước này đang xây dựng lại nhiều chương trình ưu đãi dành cho sinh viên quốc tế. Tháng 11/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gửi lời mời tới hàng chục nghìn học sinh trung học Mỹ đến thăm quốc gia tỷ dân, hướng tới thu hút 50.000 học sinh trong 5 năm tới.
Tháng 1/2024, một nhóm gồm 24 học sinh đến từ Trường Trung học Muscatine, bang Iowa (Mỹ) đã được mời tham gia trải nghiệm tại quốc gia Đông Bắc Á. Trong chuyến dã ngoại 9 ngày hoàn toàn do Chính phủ Trung Quốc chi trả, các em học sinh Mỹ được tham quan nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, Bảo tàng Thượng Hải... Phản hồi sau chuyến đi là khá tốt khi có nhiều học sinh Mỹ bày tỏ mong muốn quay trở lại Bắc Kinh để theo học bậc đại học và sau đại học.
Andrew Mertha, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp (SAIS), cho biết, nhiều sinh viên Mỹ vẫn cam kết học tập tại Trung Quốc. Ông nói: "Có những người quan tâm đến Trung Quốc vì lợi ích của Trung Quốc. Tôi không nghĩ những con số đó thực sự gây ảnh hưởng".
Đồng Giám đốc Trung tâm Hopkins tại TP. Nam Kinh Adam Webb cho hay, hiện đang có khoảng 40 sinh viên Mỹ đang theo học tại Trung tâm và con số này dự kiến sẽ gia tăng vào mùa Thu năm nay.
Chris Hankin (28 tuổi), nghiên cứu sinh tại Khoa Năng lượng và Môi trường của Trung tâm, chia sẻ, khoảng thời gian ở Trung Quốc là không thể thay thế được vì anh có thể giao tiếp với người dân bản địa và nằm ngoài tầm ảnh hưởng của truyền thông quốc tế.
Còn Jonathan Zhang, một sinh viên người Mỹ gốc Hoa đang theo học Chương trình học giả Schwarzman danh tiếng tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định, việc có mặt ở Trung Quốc vào thời điểm quan hệ song phương đang căng thẳng là "quan trọng hơn bao giờ hết".
Zhang chia sẻ: "Thật khó để nói về Trung Quốc mà không có mặt ở Trung Quốc. Tôi nghĩ thật đáng tiếc khi có quá nhiều người chưa bao giờ đặt chân đến nước này".
Trong khi đó, bà Amy Gadsden cũng cho rằng, các trường đại học Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hút sinh viên quan tâm đến Trung Quốc: “Chúng ta cần chú ý hơn trong việc tạo cơ hội và khuyến khích sinh viên nghiên cứu sâu hơn về Trung Quốc bởi điều này rất có giá trị đối với mối quan hệ giữa hai siêu cường và với thế giới".