Căng thẳng gia tăng tại biên giới Ba Lan-Belarus

Trước đó, Ba Lan và các nước Baltic đã cáo buộc chính phủ Belarus đẩy người di cư từ Trung Đông nhằm gây bất ổn cho cả các nước láng giềng và Liên minh châu Âu (EU).

Chính phủ Ba Lan đang tiến hành thảo luận để gia hạn tình trạng khẩn cấp dọc theo biên giới với Belarus trong bối cảnh hàng trăm người di cư đang tìm cách vượt biên vào Ba Lan cũng như chính quyền Warsaw cáo buộc Belarus có các hành động khiêu khích ở khu vực biên giới và một số người di cư bị giam giữ được cho là có quan hệ với các nhóm khủng bố.

Hàng rào dây thép gai dọc biên giới Ba Lan - Belarus. (Ảnh: Reuters)

Hàng rào dây thép gai dọc biên giới Ba Lan - Belarus. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, Ba Lan và các nước Baltic đã cáo buộc chính phủ Belarus đẩy người di cư từ Trung Đông nhằm gây bất ổn cho cả các nước láng giềng và Liên minh châu Âu (EU).

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski cho biết từ tháng 8, nước này đã ghi nhận khoảng 9.400 trường hợp vượt biên trái phép từ Belarus, trong đó đã có khoảng 8.200 trường hợp bị ngăn chặn. Ông cũng nhấn mạnh trong quá trình điều tra đã phát hiện trong điện thoại của một số cá nhân bị giam giữ có bằng chứng cho thấy những người này đã phạm tội trong quá khứ bao gồm cả mối quan hệ liên quan tới các tổ chức khủng bố. Bộ trưởng Nội vụ khuyến nghị chính phủ kéo dài tình trạng khẩn cấp dọc biên giới Belarus thêm 60 ngày.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cáo buộc lực lượng Belarus có các hành động khiêu khích, bao gồm cả việc nã súng lên trời và nhắm vào binh sĩ Ba Lan. Ông cho rằng những động thái này sẽ đẩy tình hình ngày càng trở nên căng thẳng.

Ba Lan, Lítva và Latvia, các thành viên Liên minh châu Âu ở biên giới phía đông của khối với Belarus trước đó cũng cáo buộc Moscow hậu thuẫn Belarus đẩy người di cư bất hợp pháp vào các quốc gia này nhằm để gây chia rẽ và tạo nên hỗn loạn trong EU. Tình trạng khẩn cấp ở khu vực biên giới và các biện pháp cứng rắn của chính phủ ba quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cũng khiến cho các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng đây là hành vi vô nhân đạo. Các báo cáo của các tổ chức nhân quyền ghi nhận nhiều trường hợp người di cư đã thiệt mạng hoặc bị mắc kẹt nhiều tuần tại khu vực biên giới trong tình trạng cực kỳ khó khăn, đói khát./.

Hải Đăng/VOV-Praha

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cang-thang-gia-tang-tai-bien-gioi-ba-lan-belarus-893934.vov