Căng thẳng Iran-EU sau vụ tử hình một nhà báo

Các Đại sứ của Pháp và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tại Iran đã từ chối tham dự Diễn đàn doanh nghiệp châu Âu-Iran do Bộ Ngoại giao Iran tổ chức tại thủ đô Tehran ngày 14-12 khiến hội nghị này bị hủy bỏ ngay sau đó.

Động thái trên được cho là nhằm phản đối việc Iran tử hình nhà báo bất đồng chính kiến Ruhollah Zam hôm 12-12 vừa qua.

Ông Zam, 47 tuổi, công dân Iran từng làm việc tại Paris (Pháp) trước khi bị bắt tại Iraq và được đưa về nước sau đó. Ông này bị kết án tội kích động bạo lực trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2017. Trang truyền thông xã hội Amadnews của ông Zam có hơn 1 triệu người theo dõi. Ngày 12-12, ông Zam đã bị treo cổ sau khi bị Tòa án Tối cao Iran tuyên án tử hình.

EU, trong đó có Pháp và Đức đã lên án vụ xử tử hình trên, gọi đây là một “hành động man rợ và không thể chấp nhận được”. Iran đã phản ứng lại bằng cách triệu tập Đại sứ Pháp và Đại sứ Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, để phản đối những nước này can thiệp vào công việc nội bộ của Tehran. Trong một thông báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh, nước này phản đối mạnh mẽ trước những tuyên bố của EU nói chung cũng như Đức và Pháp nói riêng “về việc ủng hộ một phần tử khủng bố khét tiếng”. Tehran cũng cáo buộc một số quốc gia châu Âu đã hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các nhóm và phần tử khủng bố để làm việc cho các cơ quan tình báo phương Tây và Israel nhằm chống lại Iran.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh phản đối EU can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Ảnh: Tehrantimes.com

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh phản đối EU can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Ảnh: Tehrantimes.com

Căng thẳng tiếp tục leo thang khi sáng 14-12, Đại sứ các nước Pháp, Đức, Áo và Italy cũng như nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell tại Iran đồng loạt tuyên bố rút khỏi Diễn đàn doanh nghiệp châu Âu-Iran khiến hội nghị này bị hủy bỏ chỉ vài giờ trước khi diễn ra lễ khai mạc. Trong thông báo trên Twitter, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Đức cho biết, “do những diễn biến hiện tại ở Iran”, Đức và các nước thành viên EU khác sẽ không tham gia vào diễn đàn này.

Trong khi đó, thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh: “Sức mạnh của ngoại giao kinh tế nằm ở khả năng cung cấp khuôn khổ cho các mối quan hệ mang tính xây dựng, đồng thời thúc đẩy cơ hội hợp tác kinh tế và lợi ích kinh tế cho người dân. Diễn đàn doanh nghiệp châu Âu-Iran được tổ chức với những mục tiêu này”. Pháp cũng bày tỏ Iran sớm tổ chức lại hội nghị này. Tuy nhiên, thông báo của Paris không đề cập đến vụ tử hình nhà báo.

Căng thẳng bất ngờ leo thang giữa Iran và EU vừa qua được giới phân tích nhận định là không có lợi cho cả hai bên, nhất là trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với các cường quốc, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đang đứng trước bờ vực sụp đổ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA vào tháng 5-2018 và thực hiện chiến dịch “gây áp lực tối đa” chống lại Iran với một loạt lệnh trừng phạt.

Đáp trả lại, từ nhiều tháng trước, Iran đã tuyên bố giảm một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tăng giới hạn làm giàu urani. Gần đây nhất, ngày 2-12, Tehran cho biết, nước này dự định lắp đặt các máy ly tâm hiện đại tại nhà máy làm giàu urani ở Natanz. Thông tin trên khiến Pháp, Đức và Anh vô cùng quan ngại và cho rằng các kế hoạch của Tehran đang đi ngược với JCPOA. Ba nước trên nhấn mạnh, JCPOA vẫn là biện pháp tốt nhất để giám sát và kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.

Nhằm trấn an những quan ngại trên, ngày 9-12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước này sẵn sàng trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân ngay sau khi các bên tham gia thỏa thuận JCPOA thực hiện tất cả các trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, ông cũng nhắc lại quyết tâm nắm bắt “cơ hội” trong bối cảnh thay đổi tổng thống Mỹ vào tháng 1-2021, bất chấp những lời chỉ trích từ phe bảo thủ.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/cang-thang-iran-eu-sau-vu-tu-hinh-mot-nha-bao-646557