Căng thẳng leo thang sau quyết định công nhận nền độc lập với hai vùng ly khai Ukraine của ông Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội vào hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine sau khi tuyên bố vào tối thứ Hai (21/2) rằng ông sẽ công nhận nền độc lập với hai vùng ly khai này.
Đây là một diễn biến có thể làm suy yếu hy vọng của phương Tây về một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Trong bài phát biểu trên truyền hình kéo dài một giờ, Tổng thống Putin đã bày tỏ những bất bình lịch sử chống lại NATO và Mỹ, đồng thời cáo buộc các chính phủ phương Tây có các hoạt động thù địch đe dọa an ninh của Nga.
“Tôi cho rằng cần phải đưa ra một quyết định mà lẽ ra phải được đưa ra từ lâu và công nhận ngay lập tức độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk”, Tổng thống Putin cho biết.
Trước bài phát biểu của Tổng thống Putin, Điện Kremlin nói rằng Tổng thống Nga đã thảo luận về quyết định của mình với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ sự thất vọng với quyết định của Tổng thống Putin nhưng cho biết họ sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán ngoại giao.
Trong phiên họp, các quan chức hàng đầu của Nga đã thảo luận công khai về việc công nhận sự độc lập của hai vùng đất, nơi các lực lượng Ukraine và phiến quân do Nga hậu thuẫn đã tham gia vào một cuộc chiến vũ trang kéo dài. Xung đột ở các khu vực ly khai bắt đầu vào năm 2014, ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Các đồng minh của Mỹ và châu Âu đã cảnh báo rằng, việc Tổng thống Putin công nhận các khu vực ly khai ở Ukraine có thể là bước dạo đầu cho một cuộc xâm lược của Nga.
“Liên minh châu Âu sẽ phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến hành động bất hợp pháp này. Liên minh nhắc lại sự ủng hộ vững chắc của mình đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trong một tuyên bố chung.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo rằng, việc công nhận Donetsk và Luhansk sẽ kích hoạt “phản ứng nhanh chóng và chắc chắn từ Mỹ với sự phối hợp đầy đủ với các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.
Jen Psaki, Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết tối Chủ nhật (20/2) rằng, hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Cuộc họp đó được lên kế hoạch vào cuối tuần này.
Các quan chức Nhà Trắng xác nhận với NBC News rằng, Mỹ đã thảo luận về kế hoạch với Chính phủ Ukraine để sơ tán Tổng thống Ukraine Zelensky khỏi Kiev nếu lực lượng Nga tiến hành một cuộc tấn công.
Cuộc họp hôm thứ Hai (21/2) tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng diễn ra sau những ngày gần đây về những cảnh báo gay gắt từ Mỹ và các đồng minh châu Âu. Hôm 18/2, Tổng thống Biden cho biết, Tổng thống Putin sẽ thực hiện một cuộc tấn công vào Ukraine “trong những ngày tới”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Biden cho biết hôm 20/2 rằng vẫn còn thời gian để Tổng thống Putin lựa chọn ngoại giao.
“Cho đến khi xe tăng lăn bánh và máy bay bay trong không trung, chúng tôi sẽ thử mọi cách có thể để khiến Tổng thống Putin đảo ngược quyết định mà chúng tôi tin rằng ông ấy đã đưa ra”, Ngoại trưởng Blinken cho biết.
Hôm thứ Hai (21/2), Đại sứ Mỹ Michael Carpenter tại Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cảnh báo rằng, thế giới không thể bỏ qua “một cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine”.
Tuần trước, trong một lần xuất hiện tại Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Blinken đã chia sẻ đánh giá gay gắt về những gì lực lượng Nga có thể gây ra đối với Ukraine nếu Điện Kremlin bất ngờ tiến hành một cuộc tấn công.
“Tên lửa và bom của Nga sẽ thả xuống khắp Ukraine. Thông tin liên lạc sẽ bị nhiễu, các cuộc tấn công mạng sẽ đóng cửa các cơ quan chủ chốt của Ukraine. Sau đó, xe tăng và binh sĩ Nga sẽ tiến vào các mục tiêu quan trọng đã được xác định và vạch ra trong kế hoạch chi tiết”, ông Blinken nói với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng và Tướng quân đội Mỹ Mark Milley đã vẽ một bức tranh không kém phần nghiệt ngã về những gì có thể xảy ra trước mắt đối với Ukraine, nói với các phóng viên Nhà Trắng rằng, việc điều động quân đội của Nga không giống như bất cứ điều gì ông đã thấy trong suốt bốn thập kỷ binh nghiệp của mình.
Căng thẳng đã gây xáo trộn thị trường toàn cầu trong năm nay và xóa sổ hàng chục tỷ USD khỏi giá trị tài sản của Nga và Ukraine, nhưng sự leo thang hôm thứ Hai (21/2) dự kiến sẽ gây ra nhiều điều tồi tệ hơn.
"Những người tham gia thị trường tài chính hiện đang chờ phản hồi từ Mỹ và châu Âu", Viktor Szabo, nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi tại công ty đầu tư Abrdn ở London cho biết và nói thêm, phản ứng đó dự kiến sẽ đi kèm với các biện pháp trừng phạt mới cứng rắn.