Căng thẳng leo thang trong nội bộ NATO

Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hành động khiêu khích bằng cách cho thuyền chở người di cư đi vào vùng biển Hy Lạp.

Hy Lạp hôm 2-4 cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang hành động khiêu khích bằng cách cho thuyền chở người di cư đi vào vùng biển của Hy Lạp, theo hãng tin Reuters.

Bộ trưởng Bộ Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi cho biết lực lượng tuần duyên Hy Lạp đã nhiều lần báo cáo việc lực lượng tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ và hải quân đã tháp tùng các thuyền di cư tới biên giới châu Âu, "khiến căng thẳng leo thang”.

Trong các vụ việc, các thuyền chở đoàn người di cư cùng với tàu tuần duyên của Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng đi vào lãnh hải Hy Lạp.

Đám đông người di cư tại thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9-2015. Ảnh: REUTERS

Đám đông người di cư tại thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9-2015. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, ở ngoài khơi đảo Lesbos hôm 2-4, một tàu tuần duyên của Thổ Nhĩ Kỳ đã đi vào lãnh hải của Hy Lạp và quấy rối một tàu tuần tra của nước này.

Ông Mitarachi nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, những người di cư này đến từ các bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ, và thực tế là họ đã được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ nên không gặp bất kỳ trở ngại nào. Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hành động khiêu khích không chính đáng này”.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc trên.

Trên mạng xã hội Twitter, Thứ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Catakli nói rằng ông Mitarachi đang "bóp méo sự thật".

Ông Catakli cáo buộc Hy Lạp đã đẩy lùi 231 người di cư khỏi lãnh hải, đồng thời nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã giải cứu họ.

“Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã cứu những người mà Hy Lạp đã bỏ rơi. Sẽ là tội ác nếu ông vu khống chúng tôi" - ông Catakli viết.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bất đồng trong nhiều vấn đề: nguồn năng lượng ở Địa Trung Hải, người di cư...

Vào năm 2015, khi bắt đầu cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu, gần một triệu người xin tị nạn - chủ yếu là người Syria, Iraq và Afghanistan - đã vượt từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Hy Lạp bằng đường biển.

Năm 2016, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận với Ankara để ngăn chặn dòng chảy di cư, khiến số người xin tị nạn giảm xuống đáng kể.

Căng thẳng gia tăng trở lại khi hàng nghìn người xin tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng xông vào biên giới trên đất liền của Hy Lạp vào năm 2020.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên của khối an ninh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

THÙY DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/cang-thang-leo-thang-trong-noi-bo-nato-976653.html