Căng thẳng Mỹ-EU với Trung Quốc: Khi các hình phạt 'mắt đền mắt' có nguy cơ đẩy quan hệ tới gần 'điểm sôi'
Những động thái ăn miếng trả miếng giữa Mỹ-EU với Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc bất kỳ tranh chấp nào trong số này cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng và đưa các mối quan hệ đến gần 'điểm sôi'.
Các lợi ích thương mại và đầu tư của phương Tây ở Trung Quốc đang đối mặt với những mối đe dọa mới, giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt kích hoạt trả đũa xuất hiện liên tiếp, làm gia tăng căng thẳng về nhân quyền, an ninh quốc gia và kiểm soát lãnh thổ.
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 20/1, đã có một số trao đổi về các biện pháp trừng phạt mới được Mỹ, các đồng minh của Mỹ và Trung Quốc công bố.
Trong vòng vài giờ sau khi ông Biden nhậm chức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại 28 cựu quan chức của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Cố vấn thương mại Peter Navarro.
Bắc Kinh cáo buộc rằng họ đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc" bằng cách can thiệp vào "công việc nội bộ" của nước này.
Là những người lên tiếng chỉ trích các chính sách thương mại của Trung Quốc, các cựu quan chức đã bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Trung Quốc và các giao dịch kinh doanh, cùng với gia đình, công ty và tổ chức trực thuộc của họ.
Để đáp lại, ngày 17/3, một ngày trước cuộc họp song phương cấp cao ở Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken công bố các biện pháp trừng phạt đối với 24 quan chức Trung Quốc vì nỗ lực "đơn phương phá hoại hệ thống bầu cử của Hong Kong (Trung Quốc)".
Nhận định về những đòn “ăn miếng trả miếng” này, các chuyên gia cho rằng mặc dù các hình phạt chủ yếu nhằm vào một số quan chức chính phủ và đảng, nhưng các biện pháp trừng phạt tài chính có thể có những tác động sâu rộng.
"Về mặt ngoại giao, thời điểm của hành động đã được xác định rõ ràng và có chủ đích, tiếp tục khởi đầu khó khăn cho mối quan hệ giữa chính quyền ông Biden và Trung Quốc sau 4 năm đầy biến động dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump", tờ New York Times cho biết.
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Các biện pháp trừng phạt không phải là động thái duy nhất chống lại Bắc Kinh trong vài giờ trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho hay: “Việc Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt trước thềm cuộc đối thoại với phía Trung Quốc không phải là một cách tiếp đón thông thường".
Vào ngày 17/3, Bộ Thương mại Mỹ đã tống đạt trát đòi hầu tòa đối với nhiều công ty công nghệ thông tin và truyền thông Trung Quốc như một phần của quá trình đánh giá rủi ro bảo mật. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo lưu ý: “Bắc Kinh đã có những hành vi làm mờ lợi thế công nghệ và đe dọa các liên minh của chúng tôi”.
Trong khi đó, Trung Quốc thừa nhận sự khó khăn về lập trường của mình trước các động thái của Mỹ. Một bài xã luận trên tờ Global Times cho biết: "Mỹ tuyên bố rằng họ đang tham dự cuộc đối thoại ở Alaska với nhiều thế mạnh. Nhưng miễn là Trung Quốc quyết định đối thoại, thì phép lịch sự sẽ được ưu tiên".
Vào ngày 22/3, đã xuất hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với quan chức Trung Quốc sau các động thái phối hợp của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada, với lý do "vi phạm nhân quyền”.
Trong đó, sự thay đổi chính sách của EU là đáng chú ý nhất vì động thái này đe dọa sẽ làm chệch hướng hiệp ước đầu tư song phương giữa châu Âu với Trung Quốc, vốn đã mất 7 năm và 15 vòng đàm phán để đi đến thống nhất.
Đáp lại, Trung Quốc đã trả đũa các hình phạt của phương Tây vào ngày 22/3 và một lần nữa vào ngày 26/3, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 10 thành viên Nghị viện châu Âu, các cá nhân và nhóm nhân quyền khác, cũng như 9 nhà lập pháp Vương quốc Anh và 4 thực thể liên quan đến quyền của người Duy Ngô Nhĩ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ định các thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ, nhà lập pháp Canada Michael Chong và tiểu ban Đối ngoại Hạ viện về nhân quyền liên quan đến các lệnh trừng phạt tài chính và thị thực trả đũa liên quan đến Tân Cương.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Những động thái liên tiếp này đã tạo ra những quan ngại về các hình phạt "mắt đền mắt" và có thể đã mở ra một giai đoạn căng thẳng mới của Mỹ và đồng minh đối với Trung Quốc, đe dọa một sự leo thang có thể không dễ dàng đảo ngược.
Ngày 8/4, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo đã tuyên bố cấm 7 nhà phát triển siêu máy tính Trung Quốc, thêm họ vào Danh sách thực thể (danh sách đen) của Mỹ vì "các hoạt động trái với lợi ích an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Mỹ".
Bà Raimondo đã trích dẫn những hoạt động của các nhà sản xuất máy tính trong việc "làm mất ổn định các nỗ lực hiện đại hóa quân đội".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 9/4 nói rằng "Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc".
Xung đột thương mại và kinh tế cũng xảy ra sau các quyết định trước đó của các nhà bán lẻ quần áo phương Tây bao gồm H&M của Thụy Điển và Nike của Mỹ về việc ngừng bán các sản phẩm làm bằng bông từ Tân Cương.
Trung Quốc đã phản ứng bằng việc tẩy chay các cửa hàng mang thương hiệu nước ngoài mà họ cho rằng đó là kết quả của các phong trào tiêu dùng tự phát chứ không phải do chính phủ đưa vào danh sách đen.
Việc liên tiếp đưa ra các lệnh trừng phạt đã đặt ra câu hỏi về tác động đối với thương mại và đầu tư ở Trung Quốc sau nhiều năm liên tục tăng trưởng.
William Reinsch, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại và hiện là chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng: "Hầu hết các biện pháp trừng phạt là đối với các công ty và tổ chức riêng lẻ, vì vậy, ảnh hưởng tổng thể có thể là nhỏ. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp là rất đáng kể".
Những xung đột mới nhất giữa các bên đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho các quyết định đầu tư nước ngoài, tìm nguồn cung ứng và chuỗi cung ứng.
Theo ông Reinsch, ví dụ điển hình nhất là ngành may mặc, nơi các công ty bị kẹt giữa việc cố gắng tách mình khỏi các thành phần Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của họ, như bông từ Tân Cương, do áp lực của người tiêu dùng và chính phủ từ các nước phương Tây và phải chịu sự trả đũa của Trung Quốc nếu họ làm như vậy.
"Phản ứng của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt sẽ khiến các công ty mất thị phần và doanh số bán hàng ở Trung Quốc, trong một số trường hợp, đây là một thị trường khổng lồ đối với họ. Tuy nhiên, nếu họ không làm gì, họ có nguy cơ chọc giận các nhà hoạt động ở Mỹ và châu Âu", ông Reinsch nói.
Do đó, các nhà bán lẻ quốc tế đang phải đối mặt với sự tức giận cho dù họ có rẽ theo hướng nào đi nữa.
"Các thương hiệu toàn cầu có thể bảo vệ doanh số bán hàng của họ ở Bắc Mỹ và châu Âu, hoặc duy trì thị trường của họ ở Trung Quốc, song ngày càng khó để xem họ có thể làm được cả hai điều này như thế nào", tờ New York Times cho biết, trong một bài báo khác.
Ông Reinsch cho rằng: Điều này sẽ thúc đẩy xu hướng rút ngắn chuỗi cung ứng đã bắt đầu cách đây một thời gian. Các công ty đang ngày càng tìm kiếm các đối tác uy tín, đáng tin cậy khác.
Phạm vi rộng lớn của các tranh chấp chính sách của phương Tây với Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc bất kỳ tranh chấp nào trong số này cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng và đưa các mối quan hệ đến gần “điểm sôi”, kêu gọi sự chú ý nhiều hơn đến các quyết định đầu tư và tìm nguồn cung ứng.