Khi nhậm chức, ông Trump có thể xem lại việc cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công Nga

Tổng thống Mỹ kế nhiệm, ông Donald Trump, có thể xem xét lại quyết định của người tiền nhiệm về việc cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu bên trong Liên bang Nga.

Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland, Mỹ, ngày 24/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland, Mỹ, ngày 24/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn TASS của Nga ngày 17/11, một thành viên giấu tên trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump đã đưa ra bình luận trên.

Cụ thể, khi được hỏi liệu quyết định của Tổng thống Joe Biden có thể bị ông Trump xem xét lại sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025 hay không, nguồn tin này trả lời: “Tôi cho rằng hầu hết mọi thứ sẽ được xem xét lại. Mỹ chỉ có một tổng thống tại một thời điểm nhất định. Cho đến chiều ngày 20/1/2025, tổng thống đó là ông Joe Biden. Việc cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa đó là quyết định của ông ấy, nhưng điều đó sẽ không kéo dài lâu”.

Trước đó cùng ngày, tờ New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Tên lửa tầm xa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine là Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS).

Lầu Năm Góc từ chối bình luận về các thông tin này.

Sau thông tin trên tờ New York Times, tờ Le Figaro của Pháp cũng đưa tin rằng Pháp và Anh đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow với mục đích tương tự.

Như vậy, Lực lượng Vũ trang Ukraine hiện có thể tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không chỉ bằng tên lửa ATACMS của Mỹ mà còn bằng SCALP và Storm Shadow.

Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã đề nghị Mỹ cho phép điều này nhưng Mỹ luôn giữ lập trường thận trọng về vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ hai tháng trước khi ông Trump nhậm chức, Tổng thống Biden đã quyết định ủng hộ yêu cầu của Ukraine.

Trong tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Hai bên đã thảo luận về vấn đề phê duyệt các cuộc tấn công tầm xa. Sau cuộc gặp, ông Sybiha nói rằng ông “lạc quan thận trọng” liên quan đến quyết định này.

Ukraine có thể tấn công các mục tiêu Nga bằng tên lửa ATACMS trong những ngày tới.

Bình luận về động thái của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh rằng Tổng thống Vladimir Putin đã nêu ý kiến của mình về vấn đề này.

Vào tháng 9, ông Putin cho rằng lực lượng Ukraine không đủ khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp nếu không có hỗ trợ từ bên ngoài. Ông nói: “Vấn đề không phải là có cho phép Ukraine tấn công Nga bằng những vũ khí này hay không. Mà vấn đề này sẽ quyết định liệu các quốc gia NATO có trực tiếp tham gia vào xung đột quân sự hay không”.

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng nếu phương Tây cho phép các cuộc tấn công này, Nga sẽ đưa ra những quyết định phù hợp để đối phó với các mối đe dọa.

Còn theo đài RT, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống Biden. Trong bài phát biểu vào tối 17/11, Tổng thống Zelensky nói: “Kế hoạch tăng cường sức mạnh cho Ukraine chính là Kế hoạch Chiến thắng mà tôi đã trình bày với các đối tác. Một trong những điểm then chốt của kế hoạch này là khả năng tấn công tầm xa cho quân đội”.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/khi-nham-chuc-ong-trump-co-the-xem-lai-viec-cho-ukraine-dung-vu-khi-tam-xa-tan-cong-nga-20241118085236518.htm