Căng thẳng Mỹ - Triều: Ngòi nổ chưa tháo
Zing.vn có cuộc trao đổi bàn tròn với các chuyên gia về tình thế bế tắc trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, giải pháp tháo gỡ cũng như nguy cơ xảy ra xung đột giữa các bên.
Sau những màn khẩu chiến dữ dội và đe dọa hủy diệt từ cả hai phía, căng thẳng Mỹ - Triều có dấu hiệu hạ nhiệt khi lãnh đạo Kim Jong Un hoãn kế hoạch bắn tên lửa về phía đảo Guam còn Tổng thống Trump thì khen ngợi đó là quyết định khôn ngoan.
Mặc dù vậy, ngòi nổ chiến tranh và xung đột tại khu vực vẫn chưa được tháo gỡ khi vẫn tồn tại những nhân tố cốt lõi làm căng thẳng tình hình như sự phát triển năng lực tấn công hạt nhân của Triều Tiên hay chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ đối với Bình Nhưỡng.
Trước diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Zing.vn có cuộc trao đổi bàn tròn với 4 chuyên gia hàng đầu là tiến sĩ Ralph Cossa, chủ tịch Diễn dàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS); giáo sư Michael Mandelbaum, giám đốc chương trình Chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Johns Hopkins; tiến sĩ Carl Baker giám đốc dự án của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc CSIS và giáo sư Siegfried Hecker tại Đại học Stanford.
- Triều Tiên hai lần thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong tháng 7. Có phải nước này đã sở hữu trong tay công nghệ ICBM?
- Siegfried Hecker: Tôi nghĩ là chưa, nhưng hai vụ thử cho thấy sự tiến bộ vượt bậc (của Triều Tiên) và gần như chắc chắn họ sẽ hoàn thành công nghệ này trong một hoặc hai năm tới.
Triều Tiên đã kết hợp rất khéo léo các giai đoạn và động cơ tên lửa khác nhau để tiến xa được như hiện nay. Nhưng để sở hữu một ICBM vận hành chính xác, Bình Nhưỡng cần tiến hành thêm các vụ thử.
Thêm vào đó, để hoàn thành phương tiện tái nhập khí quyển cải tiến và kỹ thuật đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa, Triều Tiên vẫn cần 5 năm hoặc lâu hơn nữa. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đang làm tất cả những gì cần thiết để đạt được mục tiêu này.
- Triều Tiên đã thực sự sở hữu đầu đạn hạt nhân thu nhỏ đủ để gắn lên ICBM chưa? Với năng lực hiện có, Bình Nhưỡng cách bao xa mục tiêu phát triển tên lửa hạt nhân có tầm bắn tới Mỹ?
- Siegfried Hecker: Chúng ta biết rằng họ có vũ khí hạt nhân có thể hoạt động, bởi vì họ đã tiến hành 5 vụ thử trong vòng 10 năm qua. Kinh nghiệm đó hầu như cho phép họ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đặt lên tên lửa tầm ngắn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đầu đạn vẫn là phần kém phát triển nhất trong chương trình chế tạo ICBM hạt nhân của Triều Tiên. Đầu đạn này cần phải tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt như áp suất và nhiệt độ cao, không thể vô tình phát nổ trong quá trình phóng hoặc tái nhập khí quyển.
Qua hai vụ thử ICBM tháng 7, Triều Tiên đã thực hiện một số phép đo quan trọng cần thiết để xác định những điều kiện khắc nghiệt đó. Nhưng tôi không cho rằng Triều Tiên đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ, nhẹ và đủ mạnh để tồn tại. Bình Nhưỡng cần thêm thời gian, đặc biệt là chế tạo đầu đạn hạt nhân cần những vật liệu như plutonium, uranium được làm giàu cao... Đây không phải là các vật liệu công nghiệp thông thường sẵn có.
Nhìn chung, để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên vẫn cần thêm thời gian và các cuộc thử nghiệm.
- Như vậy việc Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có khả năng bắn tới Mỹ chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến cân bằng chiến lược trong khu vực?
- Carl W. Baker: Việc sở hữu vũ khí hạt nhân có khả năng gắn vào ICBM cũng có nghĩa rằng Triều Tiên lần đầu tiên có thể đe dọa tấn công đại lục của nước Mỹ bằng vũ khí của họ.
Điều này rất quan trọng đối với cân bằng chiến lược tại Đông Bắc Á bởi nay mọi quốc gia phải xem xét lại tính toán chiến lược của họ trong trường hợp xung đột vũ trang tại khu vực.
Năng lực hạt nhân này sẽ thúc đẩy Triều Tiên có những động thái hung hăng hơn nhắm vào Hàn Quốc, với tính toán rằng Mỹ sẽ ngần ngại hỗ trợ Seoul do lo ngại bị Triều Tiên trả đũa hạt nhân vào chính lãnh thổ Mỹ.
Việc Triều Tiên sở hữu năng lực hạt nhân như hiện nay sẽ thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển năng lực hạt nhân của chính họ để đảm bảo cân bằng chiến lược trong trường hợp Mỹ ngần ngại thực hiện các cam kết an ninh của nước này.
Về phần Trung Quốc, tính toán chiến lược của nước này cũng thay đổi bởi các nỗ lực phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc nhằm chống lại ICBM của Triều Tiên cũng đồng thời dẫn đến khả năng các nước này có thể chống lại ICBM của Trung Quốc.
Vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 105 ngày sinh lãnh đạo lập quốc Kim Nhật Thành. Ảnh: Reuters.
- Liệu Mỹ có tấn công phủ đầu để ngăn chặn chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên hay không?
- Michael Mandelbaum: Mỹ có thể tiến hành tấn công phủ đầu nhằm vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng sẽ có 2 vấn đề mà họ phải đối mặt.
Thứ nhất, chương trình hạt nhân của Triều Tiên quá lớn, một cuộc tấn công phủ đầu sẽ không thể lập tức hoàn toàn chấm dứt nó. Thứ hai, quan trọng hơn, sau đòn phủ đầu của Mỹ, Triều Tiên sẽ tấn công Hàn Quốc bằng hàng nghìn khẩu pháo hiện được triển khai dọc khu phi quân sự.
Thủ đô Seoul và khu vực đông dân cư của Hàn Quốc nằm trong tầm hỏa lực của pháo binh Triều Tiên, một cuộc tấn công như vậy sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Hàn Quốc. Lo ngại cho an ninh của Hàn Quốc là rào cản chính đối với mọi nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên bằng vũ lực từ Mỹ.
- Chuyên gia đánh giá như thế nào về khả năng xảy ra xung đột nóng giữa các bên?
- Carl Baker: Tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu cho một cuộc xung đột vũ trang giữa Triều Tiên và Mỹ là do hiểu nhầm hoặc tính toán sai lầm.
Lý do chính khiến xung đột vũ trang khó xảy ra là cả hai bên đều đủ khôn ngoan và hiểu hậu quả thảm khốc mà một cuộc đối đầu quân sự có thể gây ra. Triều Tiên hiểu nếu họ gây chiến, hậu quả sẽ là sự sụp đổ của Bình Nhưỡng. Nếu Mỹ khai chiến, họ hiểu rằng dù cho đại lục nước Mỹ không bị tấn công, hàng triệu người ở Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn có thể thiệt mạng và sẽ là thảm họa cho nền kinh tế thế giới.
- Ralph Cossa: Hiểu nhầm và tính toán sai lầm có thể là nguyên nhân khơi mào xung đột quân sự, nhưng tôi không nghĩ mọi việc sẽ diễn biến như vậy. Tôi tin Bình Nhưỡng Hiểu rằng đe dọa của Mỹ về các biện pháp quân sự chỉ dừng ở mức đe dọa.
Triều Tiên đồng thời cũng hiểu nếu họ thực sự khơi mào chiến tranh, đặc biệt nếu sử dụng vũ khí hạt nhân, điều đó sẽ đặt dấu chấm hết cho chế độ Bình Nhưỡng. Họ đủ khôn ngoan để không tự sát như vậy.
- Mỹ và Triều Tiên có thể làm gì để nối lại đàm phán?
- Carl Baker: Vấn đề cốt lõi là cả hai đều ở tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Điều này có nghĩa là cả hai đều không thể đưa ra những nhượng bộ mà bên kia chấp nhận được, trong khi mối đe dọa hiện hữu không đủ lớn để làm xoay chuyển mức độ nhượng bộ của các bên.
Cho tới khi nhận thức đó thay đổi, họ sẽ không thể làm gì để thuyết phục đối phương ngồi vào bàn đàm phán. Trong bối cảnh cả hai bên đều ở thế rắn hơn trước đây (Mỹ ra điều kiện đàm phán là Triều Tiên phi hạt nhân hóa, còn Triều Tiên yêu cầu Mỹ chấm dứt chính sách thù địch), cả Washington và Bình Nhưỡng dường như ngày càng dựa vào “đe dọa” hơn là "nhượng bộ” để nối lại đàm phán. Trong tình huống này, mọi chuyện sẽ khó có chuyển biển cho tới khi các bên liên quan (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) thay đổi được lập trường của Mỹ, Triều Tiên.
- Tổng thống Trump chỉ trích rất gay gắt Trung Quốc vì "không làm gì" để ngăn chặn chương trình hạt nhân tên lửa của Triều Tiên. Liệu có khả thi khi cho rằng Bắc Kinh có thể kiềm chế Bình Nhưỡng? Theo chuyên gia, Trung Quốc có thể đóng vai trò gì trong việc giải quyết khủng hoảng hiện nay?
- Ralph Cossa: Về lý thuyết, Trung Quốc có thể làm nhiều hơn, nhưng sẽ là không thực tế khi cho rằng họ sẽ thực sự gây sức ép lên Triều Tiên ở mức mà Mỹ mong muốn, bởi Bắc Kinh không muốn Triều Tiên sụp đổ. Thiếu đi sự phối hợp từ Trung Quốc, sẽ rất khó để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
- Michael Mandelbaum: Trung Quốc chắc chắn có thể gây sức ép lên Triều Tiên nhiều hơn so với những gì họ đã và đang làm. Nếu mục tiêu chính trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh là một Đông Á hòa bình và hợp tác, họ đã dành nhiều nỗ lực hơn để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Nhưng rõ ràng đó không phải là mục tiêu chủ chốt của Trung Quốc. Cái họ muốn là mở rộng quyền lực và ảnh hưởng bất chấp gây tổn hại tới các nước khác, trong đó có Mỹ.
- Carl Baker: Về phía Mỹ, họ coi Trung Quốc là nhân tố then chốt có thể thay đổi tính toán của Triều Tiên, bởi Bắc Kinh là đối tác kinh tế chính và nhà bảo trợ an ninh quan trọng nhất cho Bình Nhưỡng.
Từ góc nhìn của Bắc Kinh, vai trò phù hợp của họ là tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tiếng nói chủ đạo trong việc kêu gọi các bên thận trọng. Vai trò đó tạo cho Trung Quốc lợi thế khi được xem là nước không can dự vào xung đột và thúc đẩy giải pháp hòa bình.
Mặt khác, với tình hình khu vực hiện nay, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ tiếp tục lựa chọn duy trì nguyên trạng.
- Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có xu hướng tiếp cận mềm mỏng và cởi mở với Triều Tiên khi mong muốn khôi phục "Chính sách Ánh Dương" trước đây, chủ trương đàm phán với Bình Nhưỡng. Liệu điều này có mang lại hy vọng phá vỡ bế tắc trên bán đảo Triều Tiên?
- Ralph Cossa: Tổng thống Moon có vẻ theo đuổi chính sách mềm dẻo hơn với Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng sẽ gây cho ông ấy rất nhiều khó khăn. Triều Tiên muốn trao đổi trực tiếp với Mỹ chứ không phải Hàn Quốc, đặc biệt trong vấn đề hạt nhân.
- Siegfried Hecker: Cuối cùng thì vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng phải được giải quyết phù hợp với nguyện vọng của người dân trên bán đảo.
Tôi nghĩ vào thời điểm này, điều cấp bách là Seoul và Washington cần thống nhất về chiến lược và phát ngôn đối với Triều Tiên. Chiến lược đó cần phản ánh quan điểm mới của tổng thống Hàn Quốc về việc hướng đến giải pháp ngoại giao. Nhưng nó chỉ có tác dụng khi Bình Nhưỡng không hủy hoại nỗ lực ngoại giao bằng một cuộc thử hạt nhân hay tên lửa ICBM.
- Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện nay sẽ diễn biến theo chiều hướng như thế nào?
- Ralph Cossa: Hai bên đã dịu giọng hơn nhưng căng thẳng sẽ tiếp tục tiếp diễn ở một mức độ nhất định. Triều Tiên muốn duy trì căng thẳng ở mức cao để đạt được vị thế tốt hơn khi ngồi vào bàn đàm phán.
Tôi cho rằng họ sẽ chấp nhận ngừng thử nghiệm sau khi thực hiện vòng thử nghiệm cuối cùng. Bình Nhưỡng có thể tiến hành một cuộc thử hạt nhân nữa trước khi chấp nhận đóng băng chương trình vũ khí để đổi lấy viện trợ. Họ chơi chiêu này rất cao tay trước đây, và lần này cũng sẽ tương tự.
- Carl Baker: Cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục diễn ra thêm một thời gian nữa, trừ khi bên nào tính toán sai lầm. Sẽ đến lúc Mỹ buộc phải chấp nhận chung sống với một Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, ít nhất là trong tương lai gần. Chìa khóa để hạ nhiệt căng thẳng là tăng cường đối thoại giữa Trung, Mỹ, Hàn Quốc để tìm ra giải pháp phù hợp với lợi ích của tất cả các bên.
- Michael Mandelbaum: Khủng hoảng sẽ không leo thang thêm. Mặc dù vậy, Triều Tiên sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân và điều đó có thể dẫn tới hệ quả là một cuộc chạy đua hạt nhân tại Đông Á.
Ralph Cossa là chuyên gia kỳ cựu về đối ngoại an ninh, quân sự với hơn 40 năm kinh nghiệm về chính sách an ninh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông hiện là đồng chủ tịch Hội đồng đa quốc gia về hợp tác an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP), đồng thời là chủ tịch Diễn dàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Michael Mandelbaum là chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về chính trị châu Á. Ông từng làm việc tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại quốc tế - Bộ Ngoại giao Mỹ, cố vấn cho cựu Tổng thống Bill Clinton. Hiện ông giữ chức giám đốc chương trình Chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Johns Hopkins.
Carl Baker là giám đốc dự án tại Diễn dàn Thái Bình Dương của CSIS. Ông có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc tại Ủy ban Đình chiến Quân sự Liên Hợp Quốc ở Hàn Quốc và là chuyên gia phân tích tình báo cho Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.
Siegfried Hecker, giáo sư tại Đại học Stanford, là chuyên gia hàng đầu về khoa học hạt nhân của Mỹ và từng 7 lần tới thăm các cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên. Ông từng là giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ, đồng giám đốc Trung tâm An ninh và Hợp tác quốc tế CISAC tại Đại học Stanford.
Ngụy An - Duy Anh
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cang-thang-my-trieu-ngoi-no-chua-thao-post772465.html