Căng thẳng Nga - Ấn - Trung leo thang: Chia rẽ Tam giác chiến lược RIC?
Có sự căng thẳng gia tăng về sự tham gia của New Delhi trong cấu trúc này và các cấu trúc liên kết khác, theo tờ The Diplomat.
Một bài viết của Rajeswari Pillai Rajagopalan đăng trên The Diplomat ngày 17/3 đang lí giải những căng thẳng trong quan hệ của Ấn Độ với Nga và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar sẽ tới Nga vào cuối tháng này để tham gia một cuộc họp ba bên cấp bộ trưởng giữa ba cường quốc Á - Âu của nhóm RIC: Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (RIC). Cuộc họp, được tổ chức tại Sochi vào ngày 22 - 24/3, nhằm mục đích nắm bắt những phát triển địa chính trị lớn ảnh hưởng đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo các bản tin, cuộc họp có thể sẽ thảo luận về thỏa thuận hòa bình Afghanistan vừa được ký kết, sự trở lại của Quad (đối thoại an ninh tứ giác liên quan đến Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ), khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương và việc Hiệp ước INF (Lực lượng hạt nhân tầm trung) chấm dứt sẽ ảnh hưởng ra sao đến khu vực. Cuộc họp các nhà lãnh đạo RIC lần gần đây nhất đã diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka vào tháng 7 năm 2019, ngay sau một cuộc họp ba bên khác giữa ba cường quốc - Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ (JAI).
RIC đã cùng nhau trở thành một tam giác chiến lược vào cuối những năm 1990 dưới sự dẫn dắt của Yevgeny Primakov với tư cách là một đối trọng với liên minh phương Tây. Mục tiêu của Nga là chấm dứt việc chính sách đối ngoại của họ bị Mỹ điều hướng và xây dựng lại quan hệ đối tác cũ với các nước như Ấn Độ nuôi dưỡng mối quan hệ bạn bè tương đối mới hơn như với Trung Quốc.
Sự hỗ trợ của Mỹ là quan trọng
Mặc dù điều này có thể phù hợp, ít nhất một phần nào đó, với các mục tiêu của Ấn Độ trong những năm đó, nhưng không rõ liệu điều này có phù hợp với các mục tiêu của Ấn Độ hiện tại hay không khi New Delhi tăng cường các cam kết chiến lược với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ. Trên thực tế, mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng tăng giữa Ấn Độ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia không giống với các mục tiêu và đối tượng của RIC, nhằm tìm cách làm suy yếu vai trò của Washington tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Sự hỗ trợ của Washington cho Ấn Độ về một số vấn đề chủ chốt, được chứng minh gần đây nhất khi Trung Quốc cố gắng nêu vấn đề Kashmir tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là rất quan trọng. Trên thực tế, chính sự trỗi dậy của Trung Quốc là vấn đề đang được chú ý và là trung tâm của nhiều cam kết chiến lược của Ấn Độ.
Ấn Độ có truyền thống tránh đứng về một phía trong chính trị quốc tế, đặc biệt là giữa các cường quốc, và thường giữ sự không liên kết truyền thống. Nhưng thái độ cạnh tranh của Trung Quốc đối với Ấn Độ trong những năm gần đây đang ngày càng buộc các nhà hoạch định Ấn Độ phải xem xét sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và hệ lụy của điều đó với Ấn Độ. Cuộc khủng hoảng Doklam kéo dài 72 ngày, hành động lặp đi lặp lại của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn khác cho thấy Trung Quốc không mềm dẻo với Ấn Độ. Điều này gây khó khăn khi nhìn nhận các nền tảng như RIC, Brazil-Nga-Ấn Độ-Trung Quốc-Nam Phi (BRICS) hoặc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ thay đổi bản chất cạnh tranh cơ bản của quan hệ Ấn – Trung ra sao?
Mặc dù Nga vẫn là một người bạn cũ của Ấn Độ, New Delhi dường như nhận ra rằng Moscow đang ngày càng miễn cưỡng gây căng thẳng với Trung Quốc. Vào tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đã công khai phản đối khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương tại Đối thoại Raisina, một hội nghị địa chính trị lớn do Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (ORF) tổ chức.
Nga nghiêng hơn về Trung Quốc?
Trả lời câu hỏi về quan điểm và vai trò của Nga ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông nói rằng đó không phải là một sáng kiến mà có thể bao gồm cả Trung Quốc và có tính chất gây chia rẽ. Ông tiếp tục đặt ra câu hỏi: Tại sao lại cần gọi châu Á-Thái Bình Dương là Ấn Độ-Thái Bình Dương? Câu trả lời là hiển nhiên để loại trừ Trung Quốc. Thuật ngữ nên được thống nhất, không gây chia rẽ".
Ngay cả đối với các vấn đề như Jammu và Kashmir, điều Trung Quốc nêu ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga vẫn thích giữ vị trí trung gian, không ủng hộ Ấn Độ hoàn toàn vì lo ngại sẽ gây bất đồng với Trung Quốc. Có vẻ như trong khi quan hệ với Ấn Độ là quan trọng nhưng đối với Moscow, mối quan hệ của họ với Bắc Kinh quan trọng hơn nhiều và được ưu tiên hơn mọi mối quan hệ khác.
Lập trường của Nga tại phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã được tiết lộ. Sau cuộc họp, đại diện Nga tại Liên Hợp Quốc cho biết, Nga tiếp tục thúc đẩy nhất quán bình thường hóa quan hệ Ấn Độ - Pakistan. Chúng tôi hy vọng rằng sự khác biệt hiện tại về Kashmir sẽ được giải quyết song phương chỉ bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao trên cơ sở Thỏa thuận Simla năm 1972 và tuyên bố Lahore năm 1999, theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và các hiệp định song phương giữa Ấn Độ và Pakistan. Việc nhấn mạnh các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về giải quyết các tranh chấp song phương giữa Ấn Độ và Pakistan đánh dấu một sự khác biệt lớn từ lập trường truyền thống của Nga về Kashmir. Hai tweet của Đại diện Nga tại New York đã được đăng tải lại bởi tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao Nga, nhằm phục vụ cho việc xác nhận lập trường của Nga về vấn đề Jammu và Kashmir.
Nhìn chung, các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ dường như ngày càng không phù hợp với mục tiêu của Nga và Trung Quốc. Như trong một trường hợp khác, ngay cả khi ba ngoại trưởng sẽ họp để thảo luận về thỏa thuận hòa bình Afghanistan, Moscow đã không mời Ấn Độ tới cuộc họp gần đây mà họ tổ chức ở Afghanistan. Đối với tất cả những lời hoa mỹ về việc tìm kiếm một giải pháp khu vực cho Afghanistan, Ấn Độ bị đẩy ra xa các cuộc thảo luận như vậy có thể là do ý muốn của Trung Quốc và Pakistan. Mặc dù vẫn đang có sự liên kết giữa Ấn Độ với Nga và Trung Quốc, nhưng điều đó không thể che dấu sự thật rằng có những căng thẳng đang gia tăng trong nhóm RIC.