Căng thẳng Nga-Ukraine có khiến Phần Lan xích lại gần NATO?
Phần Lan - một quốc gia vốn theo đuổi chính sách hòa nhã với Nga và không gia nhập NATO - giờ đây có thể đang hướng đến một lối đi khác tiến về phía NATO.
Việc Nga có hành động quân sự tại Ukraine đang khiến thêm nhiều người Phần Lan ủng hộ quốc gia này gia nhập NATO - một dấu hiệu cho thấy chính sách cân bằng giữa Nga và NATO của Phần Lan có thể sẽ kết thúc.
Tỉ lệ người Phần Lan muốn gia nhập NATO chỉ rơi vào khoảng 20% trong nhiều năm, tuy có tăng lên một chút sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Thế nhưng, sau sự kiện tại Ukraine ngày 24/2 vừa qua, thái độ của Phần Lan đối với NATO có vẻ đang thay đổi mạnh mẽ. Mirja Uosukainen, một người Phần Lan, nói với Reuters: “Không may là những sự kiện gần đây đã cho thấy rằng chúng tôi không thể tiếp tục cho rằng thế giới là một nơi tốt đẹp, rằng chúng tôi không có gì phải sợ cả”.
Trước đó, bà Uosukainen không nghĩ rằng NATO là cần thiết, nhưng giờ thì bà đã bắt đầu thấy rằng Phần Lan nên nhanh chóng xem xét gia nhập NATO.
Thái độ sẵn sàng trở thành viên NATO của dư luận Phần Lan đã tăng vọt chỉ trong vòng một tháng. Cuộc thăm dò của báo Helsingin Sanomat cho thấy tỷ lệ người ủng hộ gia nhập NATO là 28% vào cuối tháng 1/2022, nhưng con số này đã đạt mức 53% theo khảo sát của tổ chức truyền thông Yle trong giai đoạn 23-25/2.
Timo Hoikka, một doanh nhân được phỏng vấn trên đường đi họp cho biết: "Tất nhiên là việc làm thế nào [để gia nhập NATO] cần được xem xét cẩn thận, nhưng chúng tôi chắc chắn cần đi theo hướng đó.” Ông Hoikka cho biết thêm ông từ lâu đã có quan điểm ủng hộ NATO, và giờ cảm thấy hiệp ước này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chỉ trong một tuần, hai sáng kiến công dân chính thức tại Phần Lan đã thu thập đủ 50.000 chữ ký để đề xuất gia nhập NATO được đưa vào chương trình nghị sự của nghị viện.
Để làm dịu đi tâm lý thúc ép gia nhập NATO của dư luận, Chính phủ Phần Lan đã phải nói rằng vấn đề này cần được nghị viện bàn thảo trước khi đi đến kết luận.
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết: “Hiện giờ, chính sách không liên kết nhưng hợp tác chặt chẽ với NATO đang có hiệu quả… và rồi chúng tôi cần xem xét quyết định của mình sau cuộc khủng hoảng này là gì.”
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto thì nói rằng ông hiểu được mong muốn thay đổi nhanh chóng của người Phần Lan, nhưng kêu gọi xem xét kỹ càng vấn đề. Ông Niinisto gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào ngày 4/3.
Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo tại Phần Lan sẽ được tổ chức vào tháng 4/2022. Đảng Liên hiệp Dân tộc - đảng đang dẫn đầu trong kết quả thăm dò dư luận - cho rằng Phần Lan nên gia nhập NATO. Chủ tịch đảng Petteri Orpo cho rằng mục tiêu của đảng là đưa Phần Lan vào hiệp ước phòng thủ này, nhưng sẽ cần thêm các đảng phái khác cùng hợp tác.
Chính sách đối ngoại của Phần Lan kể từ sau Thế chiến thứ hai chủ yếu duy trì quan hệ hòa nhã với Liên Xô và Nga, đồng thời không gia nhập NATO để tránh xung đột.
Bên cạnh Phần Lan, Thụy Điển cũng là một quốc gia lâu nay không muốn gia nhập NATO. Tỷ lệ người Thụy Điển cũng đã tăng trong thời gian gần đây, tuy không mạnh mẽ như tại Phần Lan.
Tùng Phong (theo Reuters)