Căng thẳng Nhật - Hàn leo thang
Tờ Nikkei của Nhật Bản ngày 5-7 đưa tin, Chính phủ nước này đang cân nhắc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia xây dựng được sự tin cậy và đảm bảo an ninh, còn gọi là White Countries.
Thông tin này xuất hiện chỉ một ngày sau khi biện pháp áp đặt các qui định xuất khẩu chặt chẽ hơn của Nhật Bản đối với 3 vật liệu công nghệ cao trong ngành sản xuất của Hàn Quốc đã chính thức có hiệu lực. Điều này làm gia tăng nguy cơ 2 nền kinh tế lớn khu vực Đông Bắc Á rơi vào vòng xoáy xung đột thương mại.
Hiện có 27 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp... nằm trong danh sách White Countries. Đối với những quốc gia này, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng, mà chỉ cần một giấy phép chung. Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào danh sách White Countries từ năm 2004.
Nếu quyết định được đưa ra, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bị Nhật Bản loại khỏi danh sách. Báo trên cho biết việc cập nhật danh sách sẽ diễn ra vào cuối tháng tám. Việc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách White Countries đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm các thủ tục kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc như hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc...
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ đưa ra các yêu cầu kiểm tra dựa trên những phán đoán liên quan tới vấn đề như an ninh, dự kiến việc cấp phép sẽ mất tới 90 ngày. Ngoài sự kiểm soát từ METI, Bộ Tài chính Nhật Bản cũng thông báo sẽ kiểm tra về mặt thuế quan, dù đã được METI cấp phép.
Trước đó, Nhật Bản đã quyết định siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chip điện tử và màn hình điện thoại thông minh - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF) được sử dụng làm khí ăn mòn trong sản xuất chất bán dẫn. SK Hynix Inc., LG Display...
Phía Nhật Bản khẳng định đây chỉ là một bước đi “đơn thuần” để kiểm soát hệ thống quản lý xuất khẩu của nước này một cách thích hợp, không phải là biện pháp đối phó với Hàn Quốc. Quyết định trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4-7 và được cho là sẽ ảnh hưởng đến một số “đại gia” công nghệ hàng đầu Hàn Quốc như Samsung Electronics Co. Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.
Truyền thông Nhật Bản cho rằng sẽ rất khó khăn cho các nhà sản xuất Hàn Quốc tìm các nguồn cung thay thế. Các công ty Hàn Quốc cũng đang đưa ra các bước đi để giảm tác động do những giới hạn xuất khẩu của Nhật Bản. Samsung cho biết đang xem xét các biện pháp đối phó, trong khi Tập đoàn SK Hynix thông báo chỉ có thể đối phó với việc thiếu nguồn cung trong ngắn hạn nhưng sẽ là vấn đề lớn nếu lệnh cấm giới hạn của Nhật Bản kéo dài.
Tuy nhiên, không chỉ các doanh nghiệp Hàn Quốc, mà cả các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang phải tìm cách nhanh chóng thích ứng với các biện pháp kiểm soát nhập khẩu nói trên.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ lo ngại hành động của chính phủ có thể ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh doanh. STELL CHEMIFA - một tập đoàn sản xuất hóa chất công nghệ cao tập trung vào các hợp chất FLO đang xem xét chuyển hoạt động xuất khẩu sang nhà máy đặt tại Singapore.
Trong khi TOKYO OHKA KOGYO, một doanh nghiệp hóa chất khác, cho biết hồ sơ xin cấp phép xuất khẩu sẽ phức tạp hơn và doanh nghiệp phải đảm bảo không để xảy ra sai sót. Các doanh nghiệp cũng lo ngại nguy cơ các biện pháp kiểm soát có thể lan rộng sang các lĩnh vực công nghiệp khác, không chỉ vật liệu bán dẫn.
Phản ứng trước quyết định của Nhật Bản, lãnh đạo Đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc Lee Hae-chan khẳng định, cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki coi đây là một biện pháp trả đũa kinh tế. Hôm 4-7 ông tuyên bố không bác bỏ các biện pháp trả đũa Nhật Bản, đồng thời cảnh báo nếu Tokyo và Seoul leo thang cuộc đối đầu, thiệt hại không may sẽ xảy ra đối với nền kinh tế của cả hai nước vốn thuộc top đầu châu Á.
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee cùng ngày cũng cho rằng, bước đi của Nhật Bản đặt ra “mối đe dọa lớn” đối với nền kinh tế thế giới và gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông, quyết định này đi ngược lại với các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt một môi trường thương mại tự do, công bằng và có thể đoán trước, đúng như đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản tuần trước, và vi phạm các thỏa thuận toàn cầu, như Thỏa thuận Wassenaar, Thỏa thuận Thuế quan và thương mại chung (GATT)...
Bộ trưởng Yoo Myung-hee nêu rõ Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản rút lại các biện pháp này, đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán song phương nhằm thảo luận vấn đề kiểm soát xuất khẩu nói chung.
Theo trang Bloomberg, nỗi lo lúc này là căng thẳng giữa 2 đồng minh của Mỹ nói trên có thể vượt tầm kiểm soát và bùng phát thành chiến tranh kinh tế. Mỹ lâu nay vẫn can thiệp mỗi khi quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên căng thẳng bởi cả 3 nước đều chia sẻ nỗi lo an ninh về CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc.
Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi vào thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà lãnh đạo này không đưa ra tuyên bố công khai nào để xoa dịu tranh cãi khi đến Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần rồi. Ông Daniel Sneider, chuyên gia tại Trường Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng sự phớt lờ trên không khác gì hành động bật đèn xanh để hai bên tiếp tục cuộc đối đầu.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cang-thang-nhat-han-leo-thang-552151/