Căng thẳng Nhật - Hàn tiếp tục leo thang
Nằm giữa Nga, Trung Quốc và Triều Tiên sở hữu hạt nhân, người dân Hàn Quốc thực sự đang sống trong khu vực nguy hiểm. Mục tiêu đầu tiên của chính phủ Hàn Quốc nên là giảm bớt các rủi ro mà họ đối mặt. Tuy nhiên, với việc rút khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo được ký năm 2016 với Nhật Bản, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang làm điều ngược lại.
Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo an ninh Nhật-Hàn (GSOMIA) cho phép hai đồng minh Mỹ chia sẻ các thông tin tình báo nhạy cảm một cách nhanh chóng và trực tiếp, mà không cần thông qua Washington. Việc để mất kênh thông tin này sẽ khiến quân đội hai bên khó khăn hơn trong việc giám sát chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên - và điều không kém phần quan trọng đó là gây khó khăn cho Mỹ khi phối hợp phản ứng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Quyết định của Hàn Quốc dường như khiến các quan chức Mỹ bất ngờ và tức giận.
Mối hận thù mới đây giữa hai nước bắt đầu sau khi một tòa án Hàn Quốc tuyên phạt Cty Nhật Bản bồi thường cho lao động Hàn Quốc bị cưỡng bức trong thời Chiến tranh thế giới thứ II - vấn đề mà Nhật Bản cho là đã được giải quyết khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1965. Tức giận trước việc Seoul bác bỏ kháng cáo, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu nhạy cảm sang Hàn Quốc. Việc đưa vũ khí thương mại vào tranh cãi chính trị là điều sai lầm về nguyên tắc và vô cùng dại dột trên thực tế. Nó kích động làn sóng tức giận ở Hàn Quốc và khiến căng thẳng leo thang.
Ngày 15-8, ông Moon Jae-in đã nhận được nhiều lời tán dương khi nói rằng Hàn Quốc để ngỏ khả năng đàm phán. Tuy nhiên, với việc rút khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo một tuần sau đó, ông khiến khả năng này trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, Hàn Quốc là người thua cuộc lớn nhất hiện nay. Nhật Bản có các vệ tinh quân sự và hệ thống chống tàu ngầm mà Hàn Quốc không có, và điều này rất quan trọng bởi Triều Tiên đang phát triển kho vũ khí gồm các tên lửa đạn đạo được phóng từ dưới biển.
Trong một khu vực mà Seoul cần tới các nước bạn hữu, ông Moon Jae-in lại khiến hợp tác quân sự với Tokyo trở nên khó khăn hơn. Ông cũng làm tổn hại tới mối quan hệ quan trọng nhất của Hàn Quốc: liên minh với Mỹ. Động thái này của Hàn Quốc rõ ràng phớt lờ lời khuyên của Washington và gây nguy hiểm cho 80.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đông Bắc Á. Căng thẳng mới này giúp củng cố Trung Quốc và Nga, vốn đang thúc đẩy các hoạt động quân sự chung trong khu vực. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự do sự về việc điều động lực lượng Mỹ đồn trú trên bán đảo Triều Tiên. Và rõ ràng ông Moon Jae-in không hề giúp ích điều này.
Theo giới phân tích, Hàn Quốc cần thay đổi quyết định này trước khi hiệp ước GSOMIA hết hạn trong vòng 3 tháng tới. Nhật Bản có thể giúp đỡ bằng cách khởi động các cuộc đàm phán để giải quyết tranh cãi về việc hạn chế xuất khẩu. Nếu các quan ngại này tách biệt với vấn đề lao động bị cưỡng bức, như các quan chức Nhật Bản nói, thì chúng có thể được giải quyết. Tuy nhiên, các bước đi hướng tới việc giải quyết các mâu thuẫn lịch sử cũng rất cần thiết.
Mỹ lẽ ra nên can thiệp một cách quyết liệt hơn. Mặc dù việc dàn xếp từ bên ngoài khó có thể kéo dài, nhưng sức ép ngoại giao từ Washington ít nhất sẽ giúp hai bên đối thoại. Nếu mối hận thù nguy hiểm và dại dột này kéo dài, nó sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang đe dọa sẽ làm suy yếu bộ ba liên minh quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn. Một quan chức Chính phủ Nhật Bản đã mô tả động thái của Hàn Quốc là sự “liều lĩnh” và “điên rồ”. Các quan chức Chính phủ Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố rằng việc đình chỉ GSOMIA sẽ làm suy yếu liên minh Mỹ-Nhật-Hàn trong khu vực, dẫn đến sự suy giảm ổn định và khuyến khích Triều Tiên, vốn đang cố gắng thúc đẩy sự chia rẽ trong liên minh.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết “quyết định của Chính phủ Hàn Quốc đưa ra hoàn toàn đánh giá sai môi trường an ninh khu vực hiện tại, và do đó, thật đáng tiếc.” Ông Kono tiếp tục nhấn mạnh: “Chính phủ Hàn Quốc liên kết quyết định không kéo dài thỏa thuận của họ với việc Nhật Bản muốn kiểm soát hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc trong bối cảnh an ninh, tuy nhiên, hai vấn đề hoàn toàn không liên quan đến nhau. Do đó, lập luận của Chính phủ Hàn Quốc là hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng tôi kiên quyết phản đối Chính phủ Hàn Quốc.”
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc trước đây đã có những cuộc tranh cãi và mâu thuẫn trong vấn đề “phụ nữ mua vui” và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, họ chỉ thể hiện sự “hờn dỗi” của mình dưới hình thức tranh cãi tại các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoặc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), hoặc từ chối xuất hiện cùng nhau trong một vài khoảnh khắc – chứ không hề đề cập đến thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quan trọng.
Điều ngày càng rõ ràng hơn đó là đòn bẩy của Mỹ trong những thời điểm nhức nhối này đang giảm dần, và thực tế về sự thu hẹp chiến lược của Mỹ trên thế giới đồng nghĩa với việc vùng đệm giữa các quốc gia có sự bất bình với nhau đang nhanh chóng bị xói mòn. Sự bảo vệ an ninh - vốn cho phép các nhà lãnh đạo này rút lại những lời lẽ liều lĩnh, mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc và nguy hiểm cho khu vực mà không phải giả trá - không còn nữa.
Bây giờ, lời nói và hành động sẽ ngày càng quan trọng hơn và mang theo mối đe dọa của một cuộc xung đột thực sự ở châu Á. Lịch sử đã quay trở lại, các nhà lãnh đạo và công dân của họ có lẽ phải được nhắc nhở về phí tổn cao cho một cuộc xung đột trước khi nhận ra việc từ bỏ các liên minh và sự ổn định trong các thỏa thuận an ninh sẽ tốn kém như thế nào.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cang-thang-nhat-han-tiep-tuc-leo-thang-160838.html