Căng thẳng quanh cuộc điều tra về Covid-19

Căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc leo thang xung quanh cáo buộc về vấn đề nguồn gốc Covid-19, sau khi Bắc Kinh tuyên bố có khả năng tẩy chay thịt bò, rượu, du lịch và các trường đại học của Australia để đáp trả việc Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về đại dịch Covid-19.

Căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc leo thang xung quanh cáo buộc về vấn đề nguồn gốc Covid-19, sau khi Bắc Kinh tuyên bố có khả năng tẩy chay thịt bò, rượu, du lịch và các trường đại học của Australia để đáp trả việc Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về đại dịch Covid-19.

Du khách xếp hàng cách xa 2m, chờ mua vé vào Tử Cấm Thành, Trung Quốc hôm 1-5. Ảnh: AP

Du khách xếp hàng cách xa 2m, chờ mua vé vào Tử Cấm Thành, Trung Quốc hôm 1-5. Ảnh: AP

Không nên gây sức ép kinh tế

Mọi việc lại được đẩy lên cao trong ngày 1-5 khi phát biểu trên kênh truyền hình ABC, Ngoại trưởng Australia Marise Payne khẳng định, hợp tác toàn cầu không gây sức ép kinh tế là cách thích hợp để giải quyết mâu thuẫn xung quanh cuộc điều tra quốc tế độc lập đối với đại dịch Covid-19.

Theo Ngoại trưởng Payne, bà không đồng tình với cách tiếp cận của Đại sứ Thành Cạnh Nghiệp, quan chức đã tuyên bố người tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ tẩy chay sản phẩm nông nghiệp, giáo dục và du lịch quan trọng của Australia để đáp trả việc Canberra gần đây kêu gọi tiến hành cuộc điều tra quốc tế về đại dịch Covid-19.

Ngoại trưởng Payne cho rằng, gây sức ép kinh tế không phải là phản ứng đúng đắn đối với lời kêu gọi đánh giá độc lập và minh bạch về tình hình đại dịch. Điều cần thiết nhất hiện này là hợp tác toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới thực sự đang phải đối mặt với những thách thức trong cách đối phó với làn sóng đầu tiên của đại dịch. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp nhất để tiến hành một đánh giá độc lập, minh bạch về virus SARS-CoV-2 và các phản ứng xung quanh chúng. Đây cũng là quan điểm được nhiều quốc gia khác trên thế giới tán đồng.

Cựu Ngoại trưởng Julie Bishop - một trong những nhà ngoại giao được đánh giá là thành công nhất của Australia - đã kêu gọi áp dụng biện pháp “ngoại giao thầm lặng” để giải quyết mâu thuẫn xung quanh cuộc điều tra quốc tế đối với đại dịch. Bà Bishop cho hay, những “điều qua tiếng lại” cần được giảm bớt. Australia và Trung Quốc nên sử dụng biện pháp ngoại giao bình tĩnh và bớt nóng nảy hơn, để tập trung phân tích chính xác nhằm hiểu rõ hơn về virus SARS-CoV-2, làm cách nào mà chúng có thể xâm nhập vào cơ thể con người và liệu các quyết định đã được đưa ra có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của virus hay không.

Cần một cuộc điều tra toàn cầu độc lập

Tuy nhiên, theo bà Bishop, Trung Quốc cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ một cuộc điều tra toàn cầu độc lập nếu Bắc Kinh không có ý định thực hiện một hoạt động điều tra riêng, để giúp phần còn lại của thế giới tìm hiểu những gì đã xảy ra. Bà Bishop nhấn mạnh, Trung Quốc nên thực hiện nghĩa vụ với tư cách là thành viên của HĐBA LHQ.

Mâu thuẫn giữa hai nước bùng nổ sau khi Đại sứ Thành Cạnh Nghiệp giải thích cái gọi là mối đe dọa "sức ép kinh tế" để đáp trả việc Canberra hối thúc tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc và sự lây lan của SARS-CoV-2. Phát biểu với một tờ báo địa phương ngày 27-4, Đại sứ Thành Cạnh Nghiệp cho hay, các nhà tiêu dùng Trung Quốc có khả năng tẩy chay thịt bò, rượu, du lịch và các trường đại học của Australia để đáp trả việc Canberra gần đây kêu gọi điều tra quốc tế về đại dịch Covid-19, vốn chọc giận Bắc Kinh - đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Ngày 28-4, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết, Đại sứ Thành Cạnh Nghiệp đã được Bộ trưởng Ngoại giao nước này triệu đến để làm sáng tỏ phát biểu trên. Trên đài ABC, Bộ trưởng Birmingham nói: "Australia sẽ không thay đổi quan điểm chính sách của chúng tôi về các vấn đề sức khỏe cộng đồng chủ chốt do sức ép kinh tế hay đe dọa gây sức ép kinh tế, giống như chúng tôi không thay đổi quan điểm chính sách trong vấn đề an ninh quốc gia".

Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc đã công bố phần tóm tắt cuộc hội thoại trên trang mạng của phái bộ này, theo đó ông Thành Cạnh Nghiệp đã "bác bỏ những lo ngại của phía Australia". Theo thông báo này, ông Thành Cạnh Nghiệp cũng nhấn mạnh, thực tế rõ ràng rằng đề xuất trên là "một thủ đoạn chính trị".

Trung Quốc phản đối điều tra về Covid-19

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình NBC của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cũng cho biết, Bắc Kinh kiên quyết phản đối mọi cuộc điều tra quốc tế “mang tính chính trị” về Covid-19. “Chúng tôi thẳng thắn, cởi mở và ủng hộ trao đổi chuyên nghiệp giữa các nhà khoa học nhằm đánh giá và tóm tắt kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều chúng tôi phản đối là những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Trung Quốc”, ông này nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trung Quốc bác bỏ quan điểm cho rằng, nước này ban đầu che giấu Covid-19 hay Bắc Kinh nên chịu trách nhiệm tài chính vì hậu quả của đại dịch. Ông gọi đây là “thảm họa tự nhiên”, đồng thời kêu gọi hợp tác sâu rộng hơn và chấm dứt những cáo buộc. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát gay gắt ở nhiều nơi, nhiều nước phương Tây cáo buộc nhằm vào Trung Quốc, cho rằng, nước này che giấu dịch bằng cách kiểm soát chặt chẽ thông tin về Covid-19, khiển trách những người định cảnh báo về dịch bệnh như trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng. Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc này.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_224191_cang-thang-quanh-cuoc-dieu-tra-ve-covid-19.aspx