Căng thẳng thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Phụ huynh 'đội nắng' đưa đón con đi học hơn chục lượt/ngày
Áp lực của kỳ thi vào lớp 10 đang đè nặng lên những đứa trẻ tuổi 15, lên những phụ huynh kỳ vọng vào tương lai của con. Có con chuẩn bị thi vào lớp 10, chị Hoàng Trà My (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết, có những hôm vợ chồng chị phải thay nhau đứa đón con đi học 16 lượt/ngày.
Chia sẻ về những ngày cậu con trai phải "chạy nước rút" khi kỳ thi vào lớp 10 đang đến gần, chị Trà My cho biết: "Thời điểm này, câu chuyện trong gia đình tôi chủ yếu xoay quanh những vấn đề học tập của con. Như sắp tới, con sẽ vượt qua các kỳ thi như thế nào, bố mẹ đồng hành, hỗ trợ con ra sao trong thời điểm quan trọng này, làm thế nào để bố mẹ sắp xếp được công việc của mình để có thể đưa đón con đi học. Bởi, có những hôm, vợ chồng tôi phải thay nhau đưa đón con đi học ở trường, đi học thêm tới hơn chục lượt/ngày. Hay làm thế nào để con có đủ sức khỏe về mặt thể chất, tinh thần trong cuộc chạy đua vào lớp 10 căng thẳng này.
Bên cạnh đó, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi sát sao con về quá trình học tập. Từ những kết quả ở các kỳ thi trên lớp, kỳ thi khảo sát, chúng tôi sẽ cùng bàn bạc với con để đăng ký nguyện vọng phù hợp với khả năng của con nhất. Chúng tôi cũng phải thường xuyên theo dõi thông tin từ các trường mà con quan tâm để nắm được những tiêu chí riêng của từng trường, từ đó định hướng, hỗ trợ và đăng ký thi cho con… Áp lực của các phụ huynh trong kỳ thi vào lớp 10 cũng rất lớn khi kỳ thi dường như mỗi năm lại căng thẳng hơn".
Nhấn mạnh thêm về áp lực mà học sinh lớp 9 đang gặp phải hiện nay, ở vai trò phụ huynh, chị Hoàng Trà My cho biết: Ở thời điểm này, các con còn chịu áp lực từ bạn bè khi thấy các bạn đều đặt ra mục tiêu phải đỗ trường công lập tốt. Trong suy nghĩ của các con, đó là cái cánh cửa duy nhất để có thể có tương lai. Điều đó có thể do các con ảnh hưởng từ suy nghĩ, quan niệm của chính cha mẹ mình.
Ở góc độ giáo viên, cô giáo Trần Hằng (giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Thăng Long, Hà Nội) cho biết: Năm học 2023-2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội, số thí sinh tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS khoảng 135.000 em (tăng 5.000 em so với năm học trước) trong khi chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%. Như vậy, những năm gần đây, việc học sinh đỗ được vào lớp 10 công lập thực sự là cánh cửa hẹp. Điều đó gây ra không ít áp lực cho học sinh, cũng như phụ huynh và cả giáo viên. Những thầy cô dạy lớp 9 rất lo lắng, bởi bình quân cứ hai học sinh đi thi thì chỉ có một học sinh đạt được nguyện vọng. Số còn lại sẽ phải học ở các trường ngoài công lập, trường đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên…
Cô giáo Trần Hằng cho biết, áp lực có khi do chính các học sinh tự tạo ra cho mình, áp lực có thể đến từ việc bố mẹ kỳ vọng, giao nhiệm vụ và đưa ra mục tiêu hơi cao so với con. "Không ít học sinh áp lực vì là con cả trong gia đình nên phải gương mẫu, vì nhiều gia đình quan niệm 'đầu có xuôi, đuôi mới lọt'. Hay có những bạn ngay từ đầu năm đã đặt ra mục tiêu cho mình và phải phấn đấu suốt hành trình. Thế nên, hình ảnh dễ thấy là các con cứ học xong ở trường là vội vàng đến lớp học thêm. Nhiều con có khi ăn vội cái bánh mì để kịp tới lớp học thêm buổi tối. Nhìn các con mệt mỏi như vậy, tôi thấy rất tội và thương".
Theo sát hành trình học tập của học sinh, hiểu rõ áp lực của học sinh, theo cô giáo Trần Hằng, ở thời điểm này, bố mẹ rất quan trọng trong việc giúp con giảm áp lực.
"Có nhiều học sinh chịu sự kỳ vọng rất lớn từ bố mẹ. Ví dụ, con phải đỗ vào trường công lập, bởi kinh tế nhà mình không thể lo cho con học trường dân lập. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh không sẵn sàng cho con học trường nghề dù sức học của con chỉ đạt ở mức đó. Rất tuyệt vời nếu con đỗ được đúng nguyện vọng của mình nhưng với những con có lực học không tốt, cha mẹ cần hiểu khả năng của con để tìm một ngôi trường phù hợp cho con, tránh việc quá sức khiến con căng thẳng, áp lực. Nhiều học sinh lớp 9 ở trong lớp hiện nay thường nằm rạp ra bàn, rất uể oải, mệt mỏi vì đi học cả ngày, đi học thêm buổi tối vài ca, thức khuya làm bài… Các em gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Áp lực học tập, thi cử đang đè nặng lên đôi vai của những đứa trẻ mới 15 tuổi và nếu không có người chia sẻ, đồng hành thì đôi khi nó lại trở thành bi kịch", cô Hằng cho hay.