Căng thẳng thương mại đẩy dòng tiền vào vàng
Khép lại tuần giao dịch 18 - 24/5, giá vàng trong nước và thế giới ghi nhận tuần trồi sụt mạnh. Yếu tố chi phối chính trên thị trường vàng trong tuần qua là thông tin mở cửa trở lại của nhiều nền kinh tế lớn cũng như triển vọng khá lạc quan của một loại vaccine cho COVID-19.
Giá vàng có lúc vượt 49 triệu đồng/lượng
Mở đầu tuần giao dịch mới trong phiên 18/5 tại thị trường châu Á, giá vàng áp sát mức cao nhất kể từ tháng 10/2012 trước quan ngại về quan hệ Mỹ - Trung Quốc trở nên căng thẳng và số liệu kinh tế yếu của Mỹ đã củng cố nhu cầu đối với vàng. Giá vàng trong nước theo đó cũng nhanh chóng vọt qua mốc 49 triệu đồng/lượng.
Sang phiên giao dịch đêm 18/5, các thị trường chứng khoán trên thế giới tăng mạnh gây sức ép lên giá vàng. Giá vàng trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng này khi giảm tới 450.000 đồng/lượng trong sáng 19/5.
Phiên 19/5, giá vàng thế giới tăng trước triển vọng phục hồi không chắc chắn của các nền kinh tế, dù sự lạc quan về một loại vaccine tiềm năng chống lại dịch COVID-19 đã hạn chế đà tăng của giá vàng. Các biện pháp kích thích khổng lồ trên toàn cầu nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã hỗ trợ giá vàng, vì đây được xem là một kênh đầu tư phòng trừ rủi ro trước lạm phát và sự mất giá của đồng tiền. Giá vàng trong nước theo đó cũng tăng nhẹ trong phiên 20/5 và duy trì trên mốc 49 triệu đồng/lượng.
Chuỗi tăng giá của vàng dừng lại trong phiên 21/5, khi kim loại quý này giảm 1,5% do hoạt động bán ra chốt lời của giới đầu tư sau những phiên tăng giá gần đây. Việc một số người chuyển sang nắm giữ tiền mặt giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao cùng với tâm lý hoài nghi về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng tới giá vàng. Giá vàng trong nước theo đó cũng tuột khỏi mốc 49 triệu đồng/lượng ở những phiên cuối tuần.
Sáng nay (24/5), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,45 - 48,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào - bán ra ở mức 48,55 - 48,78 triệu đồng/lượng.
Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng trong nước đã điều chỉnh tăng giá vàng SJC khoảng 100 -180 nghìn đồng/lượng.
Nhiều yếu tố củng cố giá vàng
Giá vàng thế giới ghi nhận mức giảm 1,2% trong tuần qua theo dữ liệu của Factset.
Giới quan sát lưu ý rằng căng thẳng Mỹ-Trung leo thang cùng nỗi lo về đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán nhưng hỗ trợ đồng USD, vốn cũng được coi là một kênh “trú ẩn an toàn”.
Nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho biết trong quá khứ, căng thẳng thương mại “leo thang” đã giúp đồng USD hưởng lợi chủ yếu từ việc nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Nhưng ở hiện tại, tình hình căng thẳng gia tăng trên quy mô toàn cầu đã thúc đẩy dòng tiền đầu tư vào cả vàng lẫn đồng USD.
Chuyên gia này nhận định chính sự không chắc chắn về triển vọng nền kinh tế lẫn tình hình dịch bệnh có thể sẽ giúp củng cố giá vàng. Bà cũng lưu ý rằng kim loại quý này đang đối mặt với mức kháng cự kỹ thuật quanh mức 1.765 USD/ounce. Nhu cầu mua kim loại quý cũng tăng ở các trung tâm hàng đầu châu Á khi các nền kinh tế tại đây gỡ bỏ các lệnh hạn chế và phong tỏa.
Còn ông Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, nhận định cả vàng và bạc là những kim loại quý tiếp tục phản ứng tích cực đối với các gói kích thích, đặc biệt những nhận định gần đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể.
Giới đầu tư hứng khởi với biên bản cuộc họp gần nhất của Fed được công bố cho thấy, ngân hàng trung ương cam kết hành động phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi nó đang trên đà phục hồi. Đây chính là những điều mà ông Jerome Powell đã lên tiếng trong thời gian gần đây.