Căng thẳng thương mại phủ bóng Hội nghị Cấp cao ASEAN
Hội nghị Cấp cao ASEAN khai mạc tại thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 2-11 trong bối cảnh khu vực này đang chịu tác động không nhỏ của các cuộc tranh cãi thương mại, trong đó có thương chiến Mỹ - Trung.
Theo hãng tin Reuters, thương mại là một trong những nội dung được thảo luận chính tại hội nghị này, cũng như các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 2 đến 4-11. Đáng chú ý, Mỹ hiện là một đối tác thương mại quan trọng của khu vực nhưng sự vắng mặt của Tổng thống Donald Trump tại hội nghị trong năm thứ hai liên tiếp đã làm dấy lên nỗi lo về các cam kết của Washington.
Theo nội dung một bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về những căng thẳng thương mại leo thang, lập trường bảo hộ và chống toàn cầu hóa. Nỗi lo này có thể hiểu được trong bối cảnh các nước Đông Nam Á năm nay dự kiến tăng trưởng chậm nhất trong vòng 5 năm qua.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao đầu tư và kinh doanh ASEAN ở Bangkok hôm 2-11, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết và có tiếng nói chung trong các cuộc tranh chấp thương mại để tránh bị bắt nạt. "ASEAN là một thị trường lớn với thế giới. Chúng tôi không muốn tham gia một cuộc chiến tranh thương mại" - ông Mahathir khẳng định. Trong khi đó, ông Arin Jira, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN, nhấn mạnh khu vực này muốn hòa bình đối với kinh tế thế giới giữa lúc các cuộc thương chiến đang gây tác động tiêu cực.
Bên cạnh nỗi lo trên, các nước ASEAN hy vọng đạt tiến triển về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm 1/3 nền kinh tế toàn cầu. Các cuộc thảo luận về RCEP - gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand - bắt đầu diễn ra từ năm 2012 và tăng tốc trong thời gian xảy ra thương chiến Mỹ - Trung do nỗi lo về tăng trưởng kinh tế và an ninh khu vực. Dù vậy, RCEP vẫn còn một số trở ngại cần vượt qua để về đích, trong đó nổi bật là việc Ấn Độ không muốn mở cửa thị trường. Theo đài CNBC, nỗi lo của New Delhi là một thỏa thuận thương mại như RCEP có thể không có lợi cho các nhà sản xuất trong nước bởi họ phải cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ hơn đến từ những thị trường khác, nhất là Trung Quốc.
Nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao ASEAN hy vọng các cuộc đàm phán về RCEP sẽ được hoàn tất trong năm nay nhưng một cuộc họp báo về những tiến triển đạt được liên quan đến tiến trình này đã bị hủy hôm 1-11 mà không rõ lý do. Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez sau đó cho biết các cuộc đàm phán về một thỏa thuận RCEP sẽ không hoàn tất cho đến tháng 2-2020 vì một nước lớn chưa sẵn sàng nhưng không cho biết thêm chi tiết. Dù vậy, hy vọng về những kết quả đột phá vẫn còn khi các nhà lãnh đạo 16 nước tham gia RCEP dự kiến nhóm họp tại Bangkok ngày 4-11.