Căng thẳng Trung Quốc-Australia: Sau thịt bò và lúa mạch, mặt hàng nào sẽ chịu đòn 'trả đũa'?
Bên cạnh lúa mạch bị ảnh hưởng với mức thuế 80,5% và thịt bò bị dừng xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, Australia lo ngại rằng, một số lĩnh vực khác của quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nếu căng thẳng giữa hai quốc gia tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh lúa mạch, len thô của Australia là mặt hàng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)
Căng thẳng leo thang
Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia đã đi xuống trong những năm gần đây. Australia cáo buộc Trung Quốc “can thiệp” vào các hệ thống giáo dục, truyền thông và chính phủ của Australia khiến quốc gia này đưa ra luật chống can thiệp nước ngoài vào năm 2018.
Tương tự Mỹ, Australia đã cấm Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng lưới 5G tại nước này. Canberra cũng quan ngại việc Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.
Thời gian gần đây, căng thẳng thương mại giữa Australia và Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn mới khi Australia dẫn đầu chiến dịch kêu gọi mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Tuần trước, Bắc Kinh đã tuyên bố dừng nhập khẩu thịt từ 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Australia là Kilcoy Pastoral, JBS's Beef City, Dinmore Plants và Northern Cooperative Meat vì lý do “kỹ thuật”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết, việc dừng nhập khẩu thịt bò chỉ “nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng Trung Quốc”, song ông Zhao Lijian cũng chỉ trích việc Australia theo đuổi cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc.
Ngày 18/5, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp 80,5% đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia, bắt đầu từ ngày 19/5. Bắc Kinh cáo buộc hành động bán phá giá của Australia gây thiệt hại nghiêm trọng với nền công nghiệp nội địa của Trung Quốc.
Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud cho rằng, không có chiến tranh thương mại với Trung Quốc và khẳng định, quá trình điều tra của Trung Quốc đã diễn ra một cách khách quan.
Mặt hàng nào sẽ bị “tấn công”?
Tuy nhiên, quyết định của Trung Quốc về việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu lúa mạch của Australia đã cho thấy mức độ phụ thuộc của một số ngành của quốc gia này vào nhu cầu của Trung Quốc. Dựa vào điểm yếu này, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu “tấn công” nhiều mặt hàng xuất khẩu của Australia, nếu căng thẳng giữa hai quốc gia không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo hãng tin Bloomberg, giới chức Trung Quốc đã soạn danh sách các mặt hàng tiềm năng có thể trở thành mục tiêu để Bắc Kinh thực thi các biện pháp như kiểm tra chất lượng chặt chẽ hơn, điều tra hoặc áp thuế chống bán phá giá, bổ sung các bước hoặc trì hoãn thủ tục thông quan hay sử dụng truyền thông nhà nước để kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay.
Các mặt hàng xuất khẩu của xứ sở Kangaroo có nguy cơ nằm trong mục tiêu tấn công của Trung Quốc gồm rượu, hải sản, yến mạch, hoa quả và bơ sữa. Những loại hàng hóa có thể sẽ phải đối mặt với các rào cản phi thuế quan bổ sung như thắt chặt kiểm tra chất lượng, thăm dò chống bán phá giá, đánh thuế hoặc trì hoãn thông quan.
Bộ Nông nghiệp Australia cũng cho hay, các nhà sản xuất len của quốc gia này đã xuất khẩu khoảng 3,16 tỷ USD sản phẩm len chưa được xử lý (len thô) sang Trung Quốc trong năm 2018-2019. Điều này cho thấy, ngành len Australia phụ thuộc tương đối lớn vào Trung Quốc.
Chủ tịch công ty len Wool Producers Australia Ed Storey cho biết, công ty có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà nhập khẩu Trung Quốc và tự tin rằng ngành công nghiệp này sẽ không bị đưa vào mục tiêu tấn công bởi các hạn chế thương mại của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Will Rayner, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Rural Bank’s khẳng định, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu len thô từ Australia nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Vì vậy, bất kỳ mức thuế nào cũng sẽ có tác động ngay lập tức đối với hàng xuất khẩu len của nước này.
“Lúa mạch và len là hai ngành xuất khẩu đặc biệt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Mối lo ngại này chỉ thực sự chấm dứt cho đến khi căng thẳng giữa hai quốc gia này tạm lắng hoặc Australia tìm kiếm được một thị trường mới”, ông Will Rayner nhấn mạnh.
Theo Richard McGregor, một thành viên cao cấp tại Viện Lowy, có rất ít hy vọng mối quan hệ của Australia và Trung Quốc trở nên tốt hơn trong tương lai gần.
“Một điều khá rõ ràng là mối quan hệ giữa hai quốc đã trở nên tồi tệ. Australia đã cảnh báo các doanh nghiệp nên đa dạng hóa quan hệ kinh tế để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng vậy”, ông McGregor nói.
Theo ông McGregor, len, quặng sắt, giáo dục và du lịch có thể là những ngành tiếp theo mà Trung Quốc có thể "tấn công".
Weihuan Zhou, giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales (Australia) thì nhận thấy, các quyết định hạn chế thương mại và áp thuế quan của Trung Quốc có thể sẽ ưu tiên đảm bảo các nhà sản xuất trong nước vẫn có thể cung cấp các sản phẩm mà người dân nước này cần.
Như vậy, rượu, len và sữa là các mặt hàng mà Trung Quốc có thể là những mặt hàng được nhắm đến sau thịt bò và lúa mạch.