Căng thẳng với Pakistan, Ấn Độ bất ngờ hủy quy chế tự trị cho vùng Kashmir
New Delhi hôm nay, 5/8, quyết định bãi bỏ điều khoản trao quyền tự trị cho vùng Kashmir trong nỗ lực hợp nhất toàn bộ khu vực này với phần còn lại của lãnh thổ Ấn Độ.
Phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah cho biết chính phủ liên bang sẽ loại bỏ Điều 370 – một điều khoản trong hiến pháp cho phép trao quyền tự trị cho Kashmir và Jammu.
“Toàn bộ hiến pháp sẽ được áp dụng cho 2 khu vực này”, Bộ trưởng Shah nói.
Quyết định của chính phủ được Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind phê chuẩn ngay sau đó.
Bằng việc Điều 370 bị hủy bỏ, người bên ngoài bang Kashmir và Jammu giờ đây có thể đến khu vực này mua đất, làm việc trong các cơ quan công quyền, và tham gia vào chương trình học bổng do chính quyền khu vực này tài trợ.
Trước đó, đảng cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã thúc đẩy việc chấm dứt tình trạng đặc biệt của Kashmir, vì cho rằng quy định này cản trở sự hòa nhập của Kashmir với phần còn lại ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, các lãnh đạo của khu vực Kashmir đã cảnh báo động thái bãi bỏ Điều 370 có thể sẽ khiến tình trạng bất ổn lan rộng.
Động thái mới nhất của New Delhi được đưa ra chỉ vài giờ sau khi nhà chức trách áp dụng các biện pháp siết chặt an ninh tại khu vực Kashmir.
Đường dây điện thoại và Internet đã bị cắt đứt. Các lãnh đạo khu vực sáng nay viết trên Twitter rằng họ đang bị quản thúc tại gia.
New Delhi cũng đã triển khai hàng ngàn binh sĩ tới biên giới Pakistan để tăng cường an ninh.
Căng thẳng tại Kashmir đã gia tăng nhanh chóng từ thứ Sáu, 2/8, khi các quan chức Ấn Độ đưa ra cảnh báo về âm mưu tấn công của các nhóm chiến binh Pakistan.
Pakistan bác bỏ cáo buộc này. Nhưng tình trạng bất ổn đã khiến hàng ngàn khách du lịch, người hành hương và công nhân Ấn Độ rời khỏi khu vực Kashmir vào cuối tuần.
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan, Mehmood Qureshi, tuyên bố rằng hành động của New Delhi vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc về tình trạng của Kashmir.
Từ năm 1947, Kashmir là vùng lãnh thổ được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý.
Hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ khu vực. Bất chấp thỏa thuận về tuân thủ lệnh ngừng bắn đạt được năm 2003, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.