'Cảng thông minh' Quy Nhơn, xứng tầm cửa ngõ biển

Cảng Quy Nhơn (Bình Định) phát huy vai trò cửa ngõ biển nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thiết bị, ứng dụng công nghệ hiện đại hóa, tự động hóa...

Giảm thời gian, tiết kiệm chi phí

Sáng sớm, cầu cảng Quy Nhơn nhộn nhịp. Chiếc cẩu QC liên tục đưa thùng dăm gỗ của Công ty CP Nguyệt Anh (Quy Nhơn, Bình Định) lên khoang tàu UNI FORTUNE.

Chưa đầy 55 tiếng đồng hồ, tàu UNI FORTUNE đã được xếp xong 36.000 tấn dăm gỗ tươi cho Chủ hàng và hoàn tất thủ tục rời Cảng, trực chỉ đến cảng Weifang (Trung Quốc) sau hành trình 7 ngày trên biển.

Cảng Quy Nhơn đầu tư hạ tầng, thiết bị nâng cao năng suất hoạt động, giảm thời gian làm hàng, tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng

Cảng Quy Nhơn đầu tư hạ tầng, thiết bị nâng cao năng suất hoạt động, giảm thời gian làm hàng, tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng

Ông Lâm Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Nguyệt Anh, toàn bộ quy trình đăng ký, lên lịch, theo dõi quá trình xếp dỡ hàng hóa đều bằng điện tử, rất nhanh chóng, thuận lợi. Đặc biệt, với các thiết bị chuyên dụng, tối ưu, Cảng giảm hơn 36 tiếng đồng hồ so với trước đây khi tiếp nhận, làm hàng cho tàu và khối lượng hàng hóa tương tự, mang lại giá trị lớn cho khách hàng.

Trung bình mỗi tháng, Công ty Nguyệt Anh có 2-3 tàu làm hàng tại cảng Quy Nhơn để xuất sang Trung Quốc.

Theo ông Lê Duy Dương, Phó Tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn, mô hình cảng biển điện tử E-port được Cảng Quy Nhơn triển khai từ đầu năm 2022, giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu tàu, hàng hóa thực tế 24/7, đảm bảo tính trung thực và tiết kiệm chi phí, giảm thời gian, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.

Bên cạnh đó, cảng tăng cường hàng loạt thiết bị, công nghệ hiện đại trong quá trình tiếp nhận tàu, làm hàng. Điểu hình cẩu QC không chỉ làm hàng container mà còn làm cả thùng dăm gỗ, tole cuộn,… Thay vì dùng dầu DO, chiếc cẩu chuyển sang năng lượng điện vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường, tăng năng suất xếp dỡ (với khả năng cẩu cùng lúc 2 thùng dăm gỗ), giải phóng tàu nhanh.

Những năm qua, Cảng Quy Nhơn không ngừng mở rộng dịch vụ, cung cấp dịch vụ khai thác vận tải biển, tăng kết nối cho doanh nghiệp. Từ tháng 6/2020, Cảng Quy Nhơn đã thực hiện được tuyến vận tải biển trực tiếp đầu tiên - từ Cảng Quy Nhơn đi trực tiếp tới các nước Đông Bắc Á - nhằm khơi thông luồng hàng xuất khẩu từ các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam, Nam Lào (qua Cửa khẩu Bờ Y), Đông Bắc Campuchia (qua Cửa khẩu Lệ Thanh) sang khu vực Đông Bắc Á. Đồng thời, Hãng tàu SITC (CMV) kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Cảng Quy Nhơn với các cảng lớn tại Trung Quốc như Thanh Đảo, Đại Liên, Thượng Hải, Ningbo và chuyển tiếp kết nối đến Incheon, Pusan (Hàn Quốc) và Tokyo, Yokohama (Nhật Bản). Góp phần tạo tiền đề cho sự tăng trưởng hàng container thông qua cảng...

Diện mạo mới Cảng Quy Nhơn nơi cửa ngõ biển của cả khu vực

Diện mạo mới Cảng Quy Nhơn nơi cửa ngõ biển của cả khu vực

Đầu tư hạ tầng, kết nối chuỗi logistics

Ghi nhận PV, hiện các công tác triển khai bến số 1 Cảng Quy Nhơn được tập trung cao độ để đẩy tiến độ thi công hiện trường ngay từ đầu tháng 5/2022 tới. Theo đó, cảng Quy Nhơn hoàn thành mở rộng bến số 1 ra phía khu nước trước bến hiện tại thêm 35m, kéo tổng chiều dài bến sau khi nâng cấp lên 490m, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2023, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp 50.000DWT và tàu container 30.000DWT đầy tải.

Đặc biệt, cầu cảng có tổng vốn đầu tư 550 tỷ đồng này chính thức khởi động loạt dự án đầu tư, mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch của Bộ GTVT, Quy hoạch 1/500 mở rộng cảng Quy Nhơn đến năm 2030 của UBND tỉnh Bình Định và chiến lược đầu tư của Cảng Quy Nhơn. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, ngoài đầu tư bến số 1, cảng triển khai dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn thêm 3,8ha. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), cảng tiếp tục mở rộng về phía thượng lưu đầm Thị Nại, và triển khai dự án trọng điểm bến số 6.

Ngoài ra, Cảng Quy Nhơn đang thực hiện xin chủ trương đầu tư cảng cạn (ICD) tại Tuy Phước - Bình Định, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của cảng trong thời gian tới.

Ngoài cảng, dự án xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT với tổng mức đầu tư hơn 420 tỷ đồng được Bộ GTVT phê duyệt, đang tập trung các bước triển khai. Dự án hoàn thành sẽ giúp đồng bộ với kết cấu hạ tầng cầu - bến và phương tiện, công nghệ đã có tại cảng, phát huy vai trò cảng cửa ngõ khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) kiêm Chủ tịch HĐQT Cảng Quy Nhơn, cảng đang tập trung triển khai các cam kết đầu tư, mở rộng nâng cao hiệu quả hoạt động cảng. Riêng như bến số 1 góp phần nâng công suất xếp dỡ, nâng sản lượng hàng hóa qua cảng lên 15 triệu tấn/năm vào năm 2025.

Tuyến QL19 mới kết nối từ cảng Quy Nhơn đến QL1 lên khu vực Tây Nguyên....

Tuyến QL19 mới kết nối từ cảng Quy Nhơn đến QL1 lên khu vực Tây Nguyên....

Ông Phan Tuấn Linh, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn nhấn mạnh 3 chiến lược, (1) Phát triển cảng nước sâu, cùng với hạ tầng cảng biển hiện đại; (2) Xây dựng chuỗi dịch vụ Logistics kết nối cảng, với trọng tâm phát triển đội tàu container; (3) Xây dựng hệ thống quản trị nguồn nhân lực hiệu quả… đang là mục tiêu cốt lõi của Cảng.

Do sự mất cân bảng nguồn hàng nhập - xuất, để giải quyết khó khăn cho chủ hàng, chủ tàu, ngày 15/3 mới đây, tuyến dịch vụ ven biển của Cảng Quy Nhơn đã đưa vào khai thác, vận chuyển được gần 300 Teus, chủ yếu là container chuyển rỗng từ Vũng Tàu về Quy Nhơn phục vụ nhu cầu đóng hàng xuất khẩu của các Doanh nghiệp tại Bình Định. Theo lãnh đạo Cảng Quy Nhơn, thực tế nhiều thời điểm xảy ra tình trạng thiếu vỏ container đóng hàng xuất khẩu, Cảng chủ động tìm hiểu nhu cầu chủ hàng, làm việc các hàng tàu nội địa để kết nối nhu cầu chuyển container rỗng về Quy Nhơn. Điều này góp phần khắc phục tình trạng thiếu vỏ container đóng hàng, tăng tính chủ động, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của hãng tàu quốc tế, tiết giảm chi phí logistics và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng xuất nhập khẩu. Từ đó, đảm bảo ổn định và phát triển nguồn hàng container thông qua Cảng Quy Nhơn năm 2022 và các năm tiếp theo.

Hàng loạt giải pháp đồng bộ, linh hoạt, ứng dụng công nghệ tạo sức bật phát triển vững mạnh cho Cảng những năm qua và thời gian tới. Thống kê năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn đạt 11,37 triệu tấn, đạt 103% cùng kỳ năm 2020, 111% kế hoạch năm 2021. Tổng doanh thu 1.331,4 tỷ đồng, đạt 156% và lợi nhuận 413,4 tỷ đổng đạt 282% so với cùng kỳ năm 2020. Quý I/2022, sản lượng đạt hàng hóa qua cảng 2,75 triệu tấn, doanh thu ước đạt 235 tỷ đồng.

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH NGUYỄN TỰ CÔNG HOÀNG:

Cảng Quy Nhơn là đầu mối quan trọng trên trục hành lang Ðông Tây, là cửa ngõ ra Biển Ðông của tiểu vùng sông Mê kông (gồm Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia) thông qua Quốc lộ 18B (Lào) nối với Quốc lộ 19 (Việt Nam). Bình Định xác định rõ vai trò cảng là một trong những thành tố phát triển 5 trụ cột tăng trưởng chính đó là: Công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics (bao gồm cảng biển và cảng hàng không)… Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Bình Định trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất - nhập khẩu, công nghiệp chế tạo, chế biến khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thời gian qua, tỉnh tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông kết nối, tăng cường năng lực thông thương ra vào cảng. Bên cạnh đó, cảng Quy Nhơn triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được duyệt, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao trong lĩnh vực vận tải thông qua cảng biển, phát huy tiềm năng thế mạnh của mình. Đáng kể, cảng Quy Nhơn là một trong những điển hình vượt khó đạt được kết quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh các năm 2019 - 2021, Cảng luôn có bước phát triển toàn diện, vững chắc và có những đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cảng Quy Nhơn là đầu mối quan trọng trên trục hành lang Ðông Tây, là cửa ngõ ra Biển Ðông của tiểu vùng sông Mê kông (gồm Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia) thông qua Quốc lộ 18B (Lào) nối với Quốc lộ 19 (Việt Nam). Bình Định xác định rõ vai trò cảng là một trong những thành tố phát triển 5 trụ cột tăng trưởng chính đó là: Công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics (bao gồm cảng biển và cảng hàng không)… Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Bình Định trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất - nhập khẩu, công nghiệp chế tạo, chế biến khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thời gian qua, tỉnh tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông kết nối, tăng cường năng lực thông thương ra vào cảng. Bên cạnh đó, cảng Quy Nhơn triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được duyệt, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao trong lĩnh vực vận tải thông qua cảng biển, phát huy tiềm năng thế mạnh của mình. Đáng kể, cảng Quy Nhơn là một trong những điển hình vượt khó đạt được kết quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh các năm 2019 - 2021, Cảng luôn có bước phát triển toàn diện, vững chắc và có những đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngân Hà

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cang-thong-minh-quy-nhon-xung-tam-cua-ngo-bien-d551706.html