Cảng vụ đầu tiên 'điện tử hóa' biên lai thu phí
Việc áp dụng biên lai thu phí, lệ phí điện tử của Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh giúp công tác quản lý ngày càng hiệu quả.
Ngoài ra, áp dụng biên lai thu phí, lệ phí điện tử còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thêm thời gian, chi phí trong quá trình làm thủ tục.
Tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải (CVHH) TP Hồ Chí Minh cho biết, đã có chủ trương đẩy mạnh khoa học công nghệ, nâng cao cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải tạo bước đi quan trọng để triển khai dịch vụ công cấp độ 4 đối với thủ tục cho tàu biển vào, rời các cảng biển. CVHH TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong nước thực hiện biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử và đã chính thức áp dụng biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử kể từ ngày 01/10/2019.
“
Đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính hướng tới thủ tục điện tử cấp độ 4 đối với thủ tục tàu biển vào, rời cảng, CVHH TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam cho phép thí điểm triển khai thủ tục điện tử cấp độ 4 đối với một nhóm đối tượng tàu biển. Để chuẩn bị cho việc này, cảng vụ đã đề xuất Cục Hàng hải Việt Nam cho phép triển khai thanh toán điện tử với hình thức đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người làm thủ tục. Đây là bước rất quan trọng trong việc triển khai thủ tục điện tử cấp độ 4, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội và mong muốn của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc CVHH TP Hồ Chí Minh
”
“Trung bình một năm, CVHH TP Hồ Chí Minh sử dụng khoảng 60.000 biên lai giấy. Công tác thống kê, báo cáo gặp nhiều khó khăn do số lượng biên lai lớn, phát sinh nhiều bất cập trong quá trình theo dõi, lưu trữ phục vụ công tác thanh kiểm tra. Vì vậy, việc triển khai biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử trong hơn một năm qua đã giúp cơ quan quản lý giảm chi phí in ấn, thời gian phát hành; giảm chi phí và thời gian cho đại lý tàu biển, người làm thủ tục vận chuyển do được gửi bằng phương thức điện tử qua email; không sợ mất mát hay thất lạc, dễ bảo quản và công khai minh bạch”, ông Nam nói và cho biết, biên lai điện tử là bước đệm nền tảng để tiến tới thanh toán điện tử và triển khai thủ tục điện tử cấp độ 4.
Theo ông Dương Chánh Thi, Chi nhánh Công ty CP Đại lý hàng hải Việt Nam - Đại lý Thương mại và Dịch vụ hàng hải VITAMAS, đại lý tàu biển cho các Hãng tàu YANG MING, ONE, CKL, NAMSUNG, TAICANG, nhờ quá trình triển khai thí điểm hóa đơn điện tử của CVHH TP Hồ Chí Minh, hiện tại, các đại lý, doanh nghiệp, chủ tàu có thể “ngồi ở nhà nhận biên lai điện tử” mà không cần phải lên cảng vụ để lấy và ký nhận biên lai giấy như trước, không sợ mất mát hay thất lạc giấy tờ, dễ bảo quản, thông tin được công khai minh bạch.
“Không chỉ doanh nghiệp, thuyền trưởng trong nước cảm thấy thuận lợi mà các thuyền trưởng, chủ tàu nước ngoài cũng vô cùng ngạc nhiên trước sự cải cách, “điện tử hóa” thủ tục nhanh chóng tại khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh”, ông Thi nói.
Ông Nguyễn Văn Kiều Hưng, Công ty TNHH Giao nhận hàng hải Cát Tường, đại lý tàu biển cho Hãng tàu WAN HAI LINES và INTERASIA cho biết, trước đây, việc chờ phát hành hóa đơn khi đến cảng vụ làm thủ tục có khi kéo dài cả buổi.
“Một năm trở lại đây, thời gian chờ đợi rút ngắn khá nhiều. Sau khi báo hoàn thành thủ tục, đại lý chỉ cần liên hệ với kế toán để xuất hóa đơn điện tử. Việc nỗ lực áp dụng công nghệ trong thủ tục hành chính của CVHH TP Hồ Chí Minh giúp doanh nghiệp chủ động hơn”, ông Hưng chia sẻ.
Đề xuất đồng bộ trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia
Giám đốc CVHH TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Nam cho biết, từ những kết quả tích cực đạt được sau thời gian cảng vụ triển khai biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử, các doanh nghiệp đang kiến nghị hình thức điện tử này sẽ được tích hợp trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia, khi đại lý khai thông tin, kế toán cảng vụ có thể chép thông tin và xuất hóa đơn, không cần đại lý phải liên hệ lại một lần nữa.
“Triển khai Thông tư số 18/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT, CVHH TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận quản lý các bến cảng biển thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang trên sông Soài Rạp. Ngay khi tiếp nhận, cảng vụ đã triển khai phần mềm thủ tục mới nâng cấp của cảng vụ cho đại diện cảng vụ hàng hải tại Long An, trong đó có triển khai biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử, đảm bảo việc thống nhất và đồng bộ trong việc kết nối của các Đại diện, Trạm với Trụ sở Cảng vụ và của Cảng vụ với Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Đồng thời, đảm bảo việc giải quyết thủ tục cho tàu biển vào, rời cảng được triển khai qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia và cấp biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử cho toàn bộ tàu thuyền vào, rời khu vực trên”, ông Nam thông tin.