'Canh bạc' của Ấn Độ với nước Anh hậu Brexit

Việc Ấn Độ mời Thủ tướng Anh Boris Johnson làm khách chính trong Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/1/2021) cho thấy 'sự hội tụ kinh tế và chiến lược ngày càng sâu sắc' giữa hai nước.

Ngoại trưởng Anh Raab chào xã giao Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 16/12. (Nguồn: Twitter)

Ngoại trưởng Anh Raab chào xã giao Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 16/12. (Nguồn: Twitter)

Ấn Độ đã mời Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm Ấn Độ và làm khách mời chính trong Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ vào tháng 1 tới.

Thủ tướng Boris Johnson chính thức nhận lời, đồng thời cử Ngoại trưởng Dominic Raab sang Ấn Độ để chuẩn bị chương trình nghị sự cho chuyến thăm quan trọng sắp tới.

Chuyến thăm dự kiến diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), dù có hoặc không có thỏa thuận, cho thấy "nhiều dấu hiệu tích cực" góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác thực sự giữa hai nước.

Hội tụ lợi ích chiến lược

Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ Ấn Độ-Anh vẫn duy trì ở bậc trung. Dư luận New Delhi gần đây nói chung đã thể hiện sự không hài lòng khi truyền thông nước này có nhiều bài viết lên tiếng chỉ trích Anh.

Nguyên nhân là London không phản đối động thái của Trung Quốc khi đưa vấn đề Kashmir vào chương trình nghị sự chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sau khi Ấn Độ quyết định xóa bỏ Điều 370 của Hiến pháp về quy chế đặc biệt của Kashmir.

Gần đây, Ấn Độ đã mua máy bay Rafale của Pháp thay vì máy bay chiến đấu Typhoon của Anh.

Trong bối cảnh này, chuyến thăm của Thủ tướng Johnson là điều kiện và cơ hội để "cài đặt lại" quan hệ song phương. Chuyến thăm được tổ chức khi Ấn Độ đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động kinh tế nhằm khắc phục hệ quả của cuộc khủng hoảng do Covid-19, đồng thời thúc đẩy hợp tác nhằm định hình chuỗi cung ứng mới và trật tự kinh tế thế giới trong thời kỳ hậu đại dịch.

Ở chiều ngược lại, Anh trong quá trình rời khỏi EU cũng rất muốn củng cố mối quan hệ kinh tế với đất nước hơn 1,3 tỷ dân với GDP gần 3.000 tỷ USD, xếp thứ 5 trên thế giới.

Về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, dù khó đạt được trong ngắn hạn song cả hai đều đang nỗ lực và có động lực để tăng cường quan hệ kinh tế bằng cách tìm hướng loại bỏ các rào cản và cùng phối hợp xây dựng quan hệ đối tác thương mại, mở đường cho hiệp định thương mại tự do.

Hai bên cũng đang nỗ lực tối đa hóa tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, gồm cả các quy định về dữ liệu và khả năng tương tác.

"Chúng tôi nhất trí làm việc hướng tới một bước nhảy vọt đáng kể trong hợp tác giữa hai bên trong tất cả các lĩnh vực-thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh, biến đổi khí hậu và chống Covid-19”. (Thủ tướng Narendra Modi nói về cuộc điện đàm với Thủ tướng Boris Johnson ngày 27/11)

Cùng một đích - giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Việc không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được Trung Quốc hậu thuẫn và hiện đang đối mặt với nhiều bất ổn, Ấn Độ sẽ cần những động lực mới trong việc tìm các giải pháp hợp lý nhằm tạo việc làm, tận dụng tốt hơn các thành tựu và ưu thế kinh tế của Anh nói riêng và châu Âu nói chung.

Hiệp định thương mại tự do với các cường quốc không chỉ là "liều thuốc chữa bách bệnh" cho nền kinh tế “ốm yếu” của Ấn Độ mà còn giúp nước này tìm giải pháp thay thế trong nỗ lực tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Theo báo cáo đánh giá chính sách về đối ngoại, an ninh-quốc phòng và phát triển Anh năm 2021, London phải điều chỉnh chiến lược nhằm tập trung hơn cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với mục đích tăng cường sự hiện diện trong khu vực và tăng cường hợp tác với các cường quốc như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - cùng với EU và Mỹ - để chống lại Trung Quốc.

Thỏa thuận hợp tác hậu cần quốc phòng Ấn Độ-Anh mà hai nước ký trước đó (Ấn Độ đã ký thỏa thuận hậu cần quốc phòng với Pháp và Mỹ) sẽ hoạt động như một công cụ hỗ trợ nhằm thúc đẩy đối thoại về các vấn đề khác như công nghệ kỹ thuật số, biến đổi khí hậu và phát triển vaccine.

Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu nguyên liệu thô hàng đầu cho ngành dược phẩm và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hàng loạt vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới.

Cùng với đó, một số hoạt động của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng Anh trong cuộc bầu cử năm 2019 cũng được xem là động cơ thúc đẩy chuyến thăm Ấn Độ của ông Johnson, góp phần thúc đẩy quan hệ chiến lược, khai thác tiềm năng thực sự của mỗi nước.

Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ được tổ chức hằng năm vào tháng Giêng tại thủ đô New Delhi, khách chính của buổi lễ năm 2020 là Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Thủ tướng Anh Boris Johnson là nhà lãnh đạo thứ 6 của nước Anh được Ấn Độ mời làm khách chính của Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ, nhà lãnh đạo nước Anh gần đây nhất có vinh dự này là Thủ tướng John Major năm 1993.

(theo Hindustan Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/canh-bac-cua-an-do-voi-nuoc-anh-hau-brexit-131959.html