Canh bạc của các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu

Ông Ben van Beurden, cựu Giám đốc điều hành (CEO) của công ty dầu khí Shell cho rằng bất kể Shell đầu tư bao nhiêu vào năng lượng tái tạo thì cũng sẽ có ý kiến trái ngược:đầu tư quá nhiều hoặc quá ít.

Biểu tượng Tập đoàn năng lượng Shell tại một trạm xăng ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Tập đoàn năng lượng Shell tại một trạm xăng ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Tương tự như vậy, khi Shell tiến hành cắt giảm sản lượng dầu khí, các cổ đông sẽ chia thành hai phe khác nhau: hành động quá nhanh hoặc quá chậm.

Người kế nhiệm là ông Wael Sawan cho rằng việc đảm bảo mọi người đều hài lòng không phải là cách tốt nhất để điều hành một công ty đa quốc gia. Kể từ khi ông trở thành “thuyền trưởng” của Shell vào đầu năm ngoái, Shell đã giảm bớt đầu tư năng lượng tái tạo và tập trung nhiều vào dầu khí.

Trong khi đó, ông Murray Auchincloss, mới đảm nhận vị trí CEO của công ty dầu khí BP hồi cuối năm 2023, hiện đang đưa ra quan điểm tương tự. Không có gì ngạc nhiên khi cổ phiếu của BP đã sụt giảm đến mức trong những tháng gần đây thậm chí còn có dự đoán cho rằng công ty có thể trở thành mục tiêu được thâu tóm.

Trước tình hình trên, ông Anchincloss cho biết đang giảm tốc đầu tư vào các dự án lớn, carbon thấp, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, và ưu tiên đầu tư và thậm chí có thể mua các tài sản dầu khí mới, đặc biệt là ở Vịnh Mexico và các khu vực dầu đá phiến ở Mỹ.

Những lãnh đạo cũ của CEO Auchinloss là các ông van Beurden và Bernard Looney đều cho rằng các doanh nghiệp dầu mỏ khổng lồ là những công ty có điều kiện thuận lợi để điều hành và thậm chí có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Trong khi các công ty của Mỹ là ExxonMobil và Chevron vẫn tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch, dường như không quan tâm đến các mối lo ngại về khí hậu, thì Shell và BP đã đặt cược lớn vào năng lượng tái tạo.

Những người kế nhiệm của các lãnh đạo doanh nghiệp nói trên cho rằng các công ty mà họ hiện đang điều hành sẽ tốt hơn nếu tiếp tục duy trì hoạt động của mình. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn. Các công ty năng lượng khổng lồ phải bật đèn xanh cho các dự án địa chất cực kỳ phức tạp và điều này luôn là một canh bạc, trong khi vẫn phải quản lý chu kỳ hàng hóa, có thể chuyển từ tăng trưởng sang suy thoái chỉ trong chớp mắt.

Đồng thời, các doanh nghiệp này phải lưu tâm đến tình hình chính trị bất ổn ở những khu vực trên thế giới mà họ hoạt động và tình hình tài chính bất ổn ở những khu vực được cho là ổn định trên thế giới mà họ đặt trụ sở. Vì vậy, các doanh nghiệp dầu khí lớn (Big Oil) ở cả hai bờ Đại Tây Dương, thay vào đó đã quyết định tập trung vào việc khởi động các dự án dầu khí mới, cắt giảm chi phí và trả lại rất nhiều tiền cho các cổ đông. Các CEO của những doanh nghiệp trên đều đặt tiêu chí lợi nhuận lên hàng đầu và cho rằng một cách để ngăn các nhà đầu tư bán cổ phiếu của doanh nghiệp là trả cổ tức cho họ.

Một số vấn đề dẫn các CEO đi đến kết luận trên. Đầu tiên, tất nhiên là giá năng lượng tăng đột biến sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine (U-crai-na). Nhưng thị trường năng lượng tái tạo cũng đã chạm đáy. Lĩnh vực sản xuất điện gió đã có một thời gian khó khăn vào năm 2023 do lãi suất cao hơn, lạm phát chuỗi cung ứng và những thách thức về kỹ thuật. Còn lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn trong năm nay.

Nhu cầu dầu cũng duy trì tốt hơn nhiều so với kỳ vọng của hầu hết mọi người. Thị trường tập trung nhiều vào doanh số bán xe điện, nhưng điều này phần nào khiến mọi người quên là hiện nay có nhiều xe chạy bằng động cơ đốt trong trên đường hơn bao giờ hết.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nhu cầu xăng thế giới đã đạt đỉnh vào năm 2019. Nhưng con số này đã bị vượt qua vào năm ngoái và năm 2024 có vẻ như sẽ ghi nhận một mức cao kỷ lục mới. Tương tự như vậy, dù rằng hiện có nhiều máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn đang hoạt động song các hành khách cũng sử dụng dịch vụ vận tải hàng không nhiều hơn với khoảng cách di chuyển xa hơn.

Tất cả những điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp dầu khí lớn không thể kiếm tiền từ năng lượng tái tạo. Một công ty dường như đang thực hiện quá trình chuyển đổi tốt là TotalEnergies (Pháp). Bí quyết của công ty này là đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu hóa thạch và sử dụng số tiền thu được để thực hiện kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo.

Điều đó có vẻ như là một chiến lược hiển nhiên nhưng thực tế lại khá hiếm hoi. Hầu hết các CEO của những doanh nghiệp năng lượng dường như cho rằng chỉ có thể tập trung sản xuất năng lượng tái tạo hoặc năng lượng hóa thạch chứ không thể sản xuất cả hai. Họ đã mô phỏng chiến lược của mình theo công ty dầu khí Dong (Đan Mạch) - đã chuyển hoàn toàn sang sản xuất năng lượng tái tạo, đổi tên thành Ørsted và chứng kiến giá cổ phiếu của công ty tăng hơn năm lần trong giai đoạn 2016-2021.

Tuy vậy, quy mô hoạt động của Dong tương đối nhỏ (và giá cổ phiếu của công ty này đã giảm trở lại). TotalEnergies là mô hình tốt hơn nhiều để BP và Shell áp dụng (và để các cơ quan quản lý khuyến khích áp dụng rộng rãi). Năm ngoái, lợi nhuận trên vốn đầu tư trung bình của công ty năng lượng Pháp đạt 20% - tốt hơn bất kỳ công ty nào cùng ngành. Trong một thập kỷ kể từ khi ông Patrick Pouyanné nắm quyền điều hành TotalEnergies, tổng lợi nhuận của doanh nghiệp này (bao gồm cả cổ tức) đã ngang bằng với Exxon và Chevron và gấp đôi so với BP và Shell.

Ông Pouyanné rõ ràng đã hoàn thành tốt công việc điều hành doanh nghiệp. Dưới sự dẫn dắt của ông, TotalEnergies đã tránh được các dự án tốn kém không thành công và không lãng phí tiền vào các thương vụ mua lại. Khi giá năng lượng lao dốc trong giai đoạn đại dịch COVID-19, TotalEnergies là công ty dầu khí châu Âu duy nhất không cắt giảm cổ tức.

Một lãnh đạo cấp cao trong ngành năng lượng đưa ra một nhận định đáng chú ý là ngoài việc là CEO của

TotalEnergies, ông Pouyanné còn là chủ tịch của công ty này. Tất nhiên, đó không phải là cách thức quản trị doanh nghiệp tốt nhất. Nhưng những người khác trong ngành tin rằng điều đó có thể đã giúp ông Pouyanné đứng vững trước áp lực từ hội đồng quản trị để chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp và chứng minh được TotalEnergies có thể vừa sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch.

Anh Quân/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/canh-bac-cua-cac-doanh-nghiep-dau-khi-hang-dau/340048.html