Canh bạc lớn của Trump khi xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran
Ông Trump đang đánh cược rằng giới chức, người dân và nền kinh tế Iran, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, thậm chí cả lãnh đạo Triều Tiên, sẽ phản ứng theo cách mà ông mong muốn.
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump và hai trong số những đồng minh ông coi trọng nhất, Israel và Saudi Arabia, vấn đề của thỏa thuận hạt nhân Iran trước hết không phải là vũ khí. Đó là việc thỏa thuận đã hợp pháp hóa và bình thường hóa chính phủ Iran, tái mở cửa cho nước này tiếp cận nền kinh tế thế giới và kiếm tiền từ dầu mỏ, rồi dùng số tiền đó để tài trợ cho các cuộc phiêu lưu ở Syria và Iraq, chương trình tên lửa cũng như ủng hộ các nhóm khủng bố.
Giờ đây, với tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và sẽ tái áp đặt trừng phạt kinh tế với Iran cũng như các công ty trên toàn thế giới có quan hệ làm ăn với nước này, ông Trump đang bước vào một cuộc thử nghiệm quy mô lớn và nguy cơ cao, theo New York Times.
Wall Street Journal nhận định quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân là một canh bạc khổng lồ, thậm chí là lớn nhất, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đến nay. Chính xác hơn, động thái này đại diện cho một loạt ván bài: đánh cược rằng giới lãnh đạo Iran, nền kinh tế và người dân Iran, cũng như các đồng minh của Mỹ và thậm chí cả lãnh đạo Triều Tiên, sẽ phản ứng theo cách mà ông Trump hy vọng.
Đánh cược với Iran
Ông Trump và các đồng minh Trung Đông đang đánh cược rằng họ có thể cắt đứt xương sống kinh tế của Iran và từ đó "phá hủy chế độ", theo mô tả của một quan chức cấp cao châu Âu. Trên lý thuyết, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có thể cho phép Iran sản xuất nhiên liệu hạt nhân bao nhiêu tùy thích, như Iran từng làm cách đây 5 năm, khi cả thế giới lo sợ rằng nước này đang phát triển một quả bom nguyên tử.
Ông Trump dường như tin rằng Iran sẽ không phản ứng đơn giản bằng cách tái khởi động đầy đủ chương trình hạt nhân, quay trở lại với hàng trăm máy ly tâm mà họ vẫn sở hữu để làm giàu urani. Tuy nhiên, phe diều hâu ở Tehran có thể nắm bắt thời điểm để hồi sinh những hoạt động mà họ chưa bao giờ muốn dừng lại ngay từ đầu.
Ông Trump không nói ông muốn thay đổi chế độ tại Tehran, nhưng với cách đề cập của ông về chính phủ "giết người" ở Iran và tuyên bố rằng "tương lai của Iran thuộc về người dân nước này", ông đã tiến đến kêu gọi điều đó. Tuy nhiên, rủi ro là người Iran lại vây quanh chính phủ của họ vì chính phủ phải đối mặt với một mối đe dọa mới từ Mỹ.
Dù vậy, đội ngũ của ông Trump đã bác bỏ nguy cơ: Iran không có sức mạnh kinh tế để đối đầu Mỹ, Israel và Saudi Arabia. Và Iran biết bất kỳ động thái nào trong việc chế tạo vũ khí sẽ chỉ mang lại cho Israel và Mỹ lý do để tiến hành hành động quân sự.
Chính cách tiếp cận thực dụng thô bạo mà các đồng minh của Mỹ ở châu Âu từng cảnh báo này là một sai lầm lịch sử, điều có thể dẫn đến các cuộc đối đầu và có thể cả chiến tranh. Đây cũng là ví dụ rõ ràng về tình trạng "bên miệng hố chiến tranh" tại Trung Đông, trái ngược với những gì mà Tổng thống Barack Obama mong muốn khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào tháng 7/2015.
Nước cờ của ông Obama trong thỏa thuận đó, thành tựu tiêu biểu nhất về chính sách đối ngoại trong 8 năm cầm quyền của ông, rất dễ hiểu. Ông xem Iran có thể là một đồng minh tự nhiên hơn của Mỹ so với nhiều "hàng xóm" theo Hồi giáo Sunni xung quanh, với một lực lượng dân số trẻ, được giáo dục theo định hướng phương Tây cảm thấy chán ngán vì nền chính trị thần quyền già cỗi.
Với việc loại viễn cảnh về vũ khí hạt nhân khỏi bàn đàm phán, chính quyền Obama lập luận rằng Mỹ và Iran có thể đẩy lùi 3 thập kỷ thù địch và cùng hợp tác trong một số lĩnh vực, bắt đầu là việc đương đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Mọi chuyện đã không diễn ra theo hướng đó. Dù thỏa thuận thành công với việc đưa 97% nhiên liệu hạt nhân của Iran ra khỏi đất nước, thế lực thủ cựu và quân đội của nước này chùn bước trước ý tưởng hợp tác với phương Tây trong bất cứ lĩnh vực nào.
Trọng tâm trong tuyên bố ngày 8/5 của ông Trump là sự quy kết rằng ông Obama đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi đồng ý ký một thỏa thuận có đề ngày hết hạn. Lập luận của ông Trump là Iran không bao giờ có thể được phép tích lũy đủ nhiên liệu để chế tạo bom nguyên tử.
Do đó, khi các nước châu Âu nói cần tái đàm phán về việc này, ông Trump đã tỏ ra lừng khừng và thay vào đó quyết định rút khỏi thỏa thuận.
Đây là hành động điển hình cho tính cách của ông Trump, giống như ngày mà ông phá dỡ các tòa nhà ở New York để lấy chỗ cho các công trình to lớn hơn, tráng lệ hơn. Song trong trường hợp này, đây là chuyện phá vỡ cân bằng quyền lực toàn cầu và làm suy yếu một chính phủ mà ông Trump nói phải ra đi kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử.
Thế giới quay về năm 2012
Nhiều tháng trước khi việc ông Trump quyết tâm đắc cử trở nên rõ ràng, Iran đã tăng cường chi viện quân sự cho Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria; mở rộng ảnh hưởng ở Iraq và đẩy mạnh tài trợ cho các nhóm khủng bố. Và họ "đâm lao phải theo lao" trong việc triển khai các cuộc tấn công mạng nhằm vào phương Tây và Saudi Arabia, nắm lấy thứ vũ khí mà thỏa thuận hạt nhân không đề cập.
Rồi ông Trump xuất hiện, với tuyên bố thỏa thuận là "thảm họa" và cam kết sẽ hủy bỏ nó. Đó chính xác là điều mà giờ đây ông đã hoàn thành, nhưng với cái giá lớn.
Chỉ ít phút sau khi đưa ra thông báo, nói rằng Iran vi phạm thỏa thuận (dù các lãnh đạo tình báo Mỹ làm chứng ngược lại), ông Trump đã nhận về những lời chỉ trích nhức nhối từ Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ba nhà lãnh đạo này, những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Âu, cơ bản phản đối logic của ông Trump. Họ lưu ý rằng nghị quyết năm 2016 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về thỏa thuận hạt nhân Iran "vẫn là khuôn khổ pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc để giải quyết tranh chấp về chương trình hạt nhân của Iran".
Đó là ngôn ngữ ngoại giao lịch thiệp cho kết luận trần trụi rằng chính Mỹ, không phải Iran, mới là nước vi phạm thỏa thuận đầu tiên.
Giờ đây, thế giới đột nhiên quay trở về thời điểm năm 2012: trên con đường dẫn đến những cuộc đối đầu bất định mà "gần như không có dấu hiệu nào cho thấy một kế hoạch B", theo lời Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trong chuyến thăm Washington.
Canh bạc tiếp theo của ông Trump là đánh cược các đồng minh của Mỹ ở Pháp, Anh và Đức sẽ hợp tác với Mỹ để trừng phạt kinh tế mới thay vì nổi dậy và chuyển sang xây dựng quan hệ mới của riêng họ với Iran. Sự thách thức của châu Âu có thể làm giảm áp lực mà ông Trump đang cố gắng tạo ra và cuối cùng là cô lập Mỹ hơn là Iran.
Ông Trump cũng đang đánh cược rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người mà ông sẽ gặp trong vài tuần tới, sẽ rút ra được bài học mà vị tổng thống muốn. Đó là: một thỏa thuận kiểu Iran để trì hoãn hơn là loại bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ không được coi là đủ. Song nguy cơ là Triều Tiên sẽ rút ra một bài học khác: không thể tin Mỹ sẽ tuân thủ thỏa thuận mà lãnh đạo của họ đã ký kết.
Trên tất cả, quyết định của ông Trump đại diện cho một canh bạc rằng căng thẳng gia tăng hiện có với Iran sẽ không leo thang thành xung đột - với Mỹ, với Israel hoặc với Saudi Arabia.
"Trường hợp xấu nhất là Iran khởi động lại một số hoạt động hạt nhân tiêu biểu, và Israel hoặc Mỹ xác định điều đó là không thể chấp nhận được, sử dụng lực lượng quân sự và Iran phản ứng theo nhiều cách tại khu vực hoặc trên toàn thế giới với tất cả công cụ của họ", Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Đối ngoại, bình luận. Những công cụ này bao gồm khủng bố và chiến tranh mạng.
Bên miệng hố chiến tranh
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận, bất kể có hay không có kế hoạch, đều tốt với Saudi. Họ xem thỏa thuận này là một sự xao nhãng nguy hiểm đối với vấn đề có thực là cuộc đối đầu với Iran tại khu vực. Saudi tin rằng vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng cách thay đổi lãnh đạo tại Iran.
Saudi có đồng minh là John R. Bolton, cố vấn an ninh quốc gia mới của tổng thống Mỹ, người đã nói rõ rằng ông có chung quan điểm với Riyadh trước khi nhậm chức. Theo ông Bolton, thỏa thuận của ông Obama cho thấy "sự đối xử hoàn toàn không thỏa đáng với nhánh quân sự trong tham vọng của Iran".
Sự đối đầu giữa Saudi và Iran đã gia tăng trong những tháng qua khi thái tử kế vị Mohammed bin Salman nhiều lần nói lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, là "Hitler mới".
"Nhiều nước trên thế giới và ở châu Âu không nhận ra Hitler nguy hiểm thế nào đến khi mọi chuyện xảy ra", thái tử Mohammed nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với đài CBS. "Tôi không muốn nhìn thấy chuyện tương tự diễn ra tại Trung Đông".
Trong phát biểu hồi tháng 3 tại Viện Brookings, Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir quả quyết rằng Iran là "vấn đề lớn nhất mà chúng tôi đang đối mặt tại khu vực". Ông cáo buộc Iran can thiệp nội bộ láng giềng, chống lưng cho các nhóm vũ trang tại Syria, Iraq, Lebanon, Yemen và nhiều nơi khác, cũng như cung cấp tên lửa để lực lượng nổi dậy người Yemen tấn công Saudi.
Thậm chí nếu những trói buộc về vũ khí hạt nhân được siết chặt và tăng cường, "bản thân thỏa thuận không thể giải quyết được vấn đề Iran", ông Jubeir nói. "Iran phải chịu trách nhiệm".
Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, quan chức Bộ Ngoại giao dưới thời Obama, cho rằng sự phản đối của Saudi Arabia, Israel và các nước khác tại khu vực, đối với thỏa thuận hạt nhân chủ yếu là vì tác động của nó đến chính sách và chính trị Mỹ.
"Họ tin rằng họ đang ở trong một cuộc xung đột hữu hình với Iran và vũ khí hạt nhân là một phần nhỏ trong cuộc xung đột đó", nhưng lại là thứ ảnh hưởng nhiều nhất đến ý kiến công chúng tại Mỹ, ông Shapiro nói.
"Nếu thỏa thuận mở đường cho quan hệ tốt đẹp hơn giữa Mỹ và Iran, đó sẽ là thảm họa cho Saudi", ông nói. "Họ cần đảm bảo rằng động cơ để Mỹ gây áp lực với Iran vẫn sẽ tiếp tục thậm chí sau chính quyền này".
Israel là câu chuyện phức tạp hơn.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gây sức ép để ông Trump từ bỏ thỏa thuận mà nhà lãnh đạo Israel vốn luôn phản đối. Song quân đội và cố vấn tình báo của ông Netanyahu cho rằng Israel an toàn hơn nhiều với một Iran bị chặn đường phát triển bom nguyên tử.
"Những người gánh vác trách nhiệm về sự sống còn và an ninh của Israel đã nắm rất rõ", Graham Allison, giáo sư Harvard với nhiều năm nghiên cứu về phổ biến vũ khí hạt nhân, cho hay.
"Điều này khả năng lớn sẽ dẫn đến một kết quả tồi tệ hơn nhiều không chỉ cho Mỹ mà cho cả Israel", ông Allison phân tích, vì thỏa thuận hiện tại đã đưa chương hạt nhân Iran lùi lại một thập kỷ "và áp đặt lên Iran cơ chế giám sát chặt chẽ nhất trước nay".
Tuy nhiên ông Netanyahu là người cầm cương Israel, và hồi tuần trước ông đã thuyết phục Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Bằng cách công bố các tài liệu của Iran, được đánh cắp từ Tehran hồi tháng 1, ông Netanyahu chứng minh những gì mà tình báo phương Tây đã biết đến lâu nay: Một thập kỷ trước, thậm chí là sớm hơn, Iran đã ra sức phát triển đầu đạn hạt nhân.
Với ông Netanyahu, đây là bằng chứng cho thấy Iran không bao giờ có thể tin được và nước này đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với những tuyên bố không thành thật, vờ như chưa từng có chương trình vũ khí. Với ông Trump và đồng minh, phát hiện của Israel không cho thấy nhiều điều về năng lực hạt nhân của Iran nhưng lại cho thấy rõ ràng sự gian trá của họ.
Với những bằng chứng rằng Iran giữ thiết kế bom nguyên tử để đảm bảo cho tương lai, phát hiện nói trên cho thấy nước này không từ bỏ tham vọng. Như đánh giá của Dennis Ross, từng là nhà đàm phán về Trung Đông, ai đó cần giải quyết phát hiện của Israel "để nó không cho Iran khả năng quay trở lại nhanh chóng nơi họ từng rời bỏ trong quá trình phát triển vũ khí".
Iran có nhiều lựa chọn
Với quyết định của mình, ông Trump đang đánh cược rằng lập trường cứng rắn của ông về Iran sẽ thuyết phục những nước khác trong khu vực tin rằng Mỹ sẽ kiên quyết không để cho Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống nói điều đó sẽ giúp đảm bảo những nước khác trong khu vực không chạy đua để có được vũ khí hạt nhân của riêng họ hay tìm cách đánh bại Iran nếu làm vậy.
Tất nhiên, rủi ro ở đây là điều ngược lại có thể xảy ra. Iran có thể phản ứng với một loạt hoạt động hạt nhân mới, ông Haass lưu ý, khiến Saudi Arabia và những nước khác có thể rút khỏi Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân Toàn cầu và bắt đầu cuộc diễu hành của riêng họ hướng đến vũ khí hạt nhân.
Sau động thái của ông Trump, "quả bóng giờ đây thực tế đã được ở phần sân Iran và quyết định cuộc khủng hoảng này phát triển ra sao", Suzanne Maloney, một chuyên gia về Iran tại Viện Brookings, cho biết. "Tôi nghĩ rằng cách tiếp cận ngắn hạn khả dĩ sẽ tìm cách tối đa hóa bất cứ sự phục hồi ngoại giao và kinh tế nào mà châu Âu đưa ra".
Tuy nhiên, bà nói thêm: "Tehran có rất nhiều lựa chọn để chứng minh rằng đòn bẩy của nó trên mặt đất trong các cuộc xung đột ở Yemen, Syria, Iraq và các nơi khác tại khu vực ít ra là cũng ghê gớm như đòn bẩy kinh tế của Mỹ".