'Canh bạc rủi ro' của ông Sunak

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã bất ngờ tuyên bố tổ chức bầu cử quốc hội vào ngày 4/7 tới đây, sớm hơn khoảng nửa năm so với kế hoạch ban đầu (dự kiến vào tháng 1/2025). 'Canh bạc rủi ro cao' là nhận định của nhiều nhà bình luận cũng như một số thành viên đảng Bảo thủ của ông Sunak.

Rủi ro cao cho đảng Bảo thủ

Phát biểu trước toàn quốc bên ngoài số 10 Phố Downing, ông Sunak cho biết đây là “thời điểm để nước Anh lựa chọn tương lai của mình” và ông tuyên bố đảng Bảo thủ có thể được tin tưởng để lãnh đạo đất nước trong thời điểm bất ổn toàn cầu.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố bầu cử sớm.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố bầu cử sớm.

Giới quan sát đặt vấn đề: Tại sao nước Anh lại tổ chức bầu cử vào thời điểm này? Cụ thể hơn, tại sao Thủ tướng Sunak lại kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mà gần như chắc chắn ông sẽ thất bại? Trong nhiều tháng, các cuộc thăm dò đã xếp đảng Bảo thủ của ông Sunak tụt phía sau so với Công đảng đối lập và theo tình hình hiện tại, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer không chỉ giành được quyền lực mà còn có đa số phiếu lớn trong quốc hội. Đã có những lời cảnh báo từ những thành viên cấp cao trong đảng Bảo thủ, lo ngại rằng đảng Bảo thủ hiện đang kém Công đảng 20 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò, có thể phải đối mặt với việc bị “đánh gục” trong cuộc bầu cử.

Một cách giải thích đã được Thủ tướng Sunak đưa ra trong vài tuần gần đây rằng “có bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang được cải thiện”. Trong bài phát biểu bên ngoài số 10 Phố Downing, ông Sunak cho biết chính phủ đã “đạt được 2 cột mốc quan trọng” là giảm lạm phát và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các nước G7 khác.

Thực ra, lời giải rất đơn giản: rất khó có thời điểm nào tốt hơn. Hầu hết mọi thứ ông Sunak đã thử dường như đều phản tác dụng và sự ủng hộ của công chúng dành cho ông sẽ còn trở nên tồi tệ hơn vào cuối năm nay. Hiện tại có lẽ ông Sunak đã có cơ sở ổn định nhất để khởi động chiến dịch tranh cử. Như một cố vấn của ông Sunak nói: “Khi thủ tướng nhậm chức phải đối mặt với một loạt thách thức: lạm phát, kinh tế không tăng trưởng, di cư. Và, ông ấy coi việc giải quyết những vấn đề đó là nhiệm vụ chính của mình. Ông ấy đã đạt được tiến bộ thực sự và đáng kể về điều đó. Vào hôm 21/5, IMF đã nâng cấp dự báo tăng trưởng của chúng tôi, chúng tôi thấy lạm phát trở lại mức bình thường và tình trạng di cư đã giảm do cải cách của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi có nền tảng vững chắc để nói rằng mọi thứ đang đi đúng hướng”.

Ngay trong ngày đầu tiên vận động tranh cử hôm 23/5, ông Sunak đã thông báo bãi bỏ các chính sách hàng đầu về trục xuất những người xin tị nạn đến Rwanda và cấm hút thuốc đối với những người trẻ tuổi trong ngày đầu tiên của chiến dịch bầu cử. Các bộ trưởng xác nhận rằng những điều luật quan trọng mà các nghị sĩ dự kiến gấp rút thông qua trước khi quốc hội đình chỉ có khả năng sẽ bị hủy bỏ, bao gồm cả chính sách trục xuất người tị nạn đến Rwanda. Việc Thủ tướng Sunak thừa nhận rằng những người vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ sẽ không bị đưa đến Rwanda trước ngày 4/7 đã khiến thành phần cánh hữu trong đảng Bảo thủ thất vọng; nhiều người trong số họ cũng không hài lòng về việc ông Sunak tổ chức bầu cử sớm.

Đây chỉ là 2 ví dụ gần đây cho thấy mọi thứ dường như không ổn đối với ông Sunak. Nhưng, vấn đề tai hại nhất xung quanh ông chính là cảm giác chung rằng ông mang dáng vẻ của một người “bại trận” và đảng của ông có quá ít niềm tin vào ông.

Cơ hội cho Công đảng?

Trái ngược với thế khó của ông Sunak, lãnh đạo Công đảng Starmer lại đang tràn đầy niềm tin vào một thắng lợi khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 4/7 tới. Với tỉ lệ thăm dò cử tri bỏ xa đảng Bảo thủ, người ta đang trông đợi một sự trở lại quyền lực của Công đảng sau 14 năm.

Và, trong “canh bạc” đó, ông Starmer được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Anh sau khi ông làm một cuộc “lột xác” cho Công đảng kể từ thất bại lịch sử của cuộc bầu cử gần 5 năm trước. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, lãnh đạo Công đảng cho biết cuộc bầu cử đã mang đến cho cử tri cơ hội tạo nên sự thay đổi. “Tương lai của đất nước nằm trong tay các bạn. Vào ngày 4/7, các bạn có quyền lựa chọn và cùng nhau chúng ta có thể ngăn chặn sự hỗn loạn, chúng ta có thể lật sang trang mới, chúng ta có thể bắt đầu xây dựng lại nước Anh và thay đổi đất nước của mình”, ông Starmer hô hào.

Ông Starmer nói rằng, Công đảng sẽ mang lại sự ổn định về kinh tế và chính trị trong chính phủ cũng như “một nền chính trị tác động nhẹ nhàng hơn đến cuộc sống của chúng ta”, với một kế hoạch dài hạn và được tài trợ đầy đủ để xây dựng lại nước Anh.

Giới quan sát đang hào hứng theo dõi xem ông Keir Starmer sẽ nỗ lực giành quyền lực cho Công đảng sau 14 năm ở thế đối lập, khi chính phủ nằm trong tay của đảng Bảo thủ. Tất nhiên là mọi khả năng đều có thể xảy ra cho đến trước giờ phòng phiếu đóng cửa và kết quả kiểm phiếu được công bố. Có khả năng các cuộc thăm dò đang “đánh lừa” dư luận và có khả năng chiến dịch của đảng Bảo thủ sẽ thành công. Các hãng thăm dò dư luận đang biến các vấn đề tranh luận về các chính sách kinh tế, xã hội thành vấn đề cá nhân, đặt ra cho cử tri Anh một sự lựa chọn giữa lãnh đạo Công đảng Starmer và Thủ tướng Sunak. Những người bảo thủ cho rằng ông Starmer không đáng tin cậy về vấn đề an ninh quốc gia, là một kẻ “cơ hội trơ trẽn”, không có nguyên tắc và không có kế hoạch.

Tất cả sẽ có được câu trả lời xác đáng nhất sau ngày 4/7, khi cử tri Anh thể hiện sự lựa chọn tương lai của mình bằng lá phiếu.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/canh-bac-rui-ro-cua-ong-sunak-i732666/