'Canh bạc' thúc đẩy thanh toán chạm của Alipay

Bấy lâu nay mã QR giữ vị trí số một trong hệ sinh thái thanh toán di động tại Trung Quốc. Nhưng nền tảng Alipay đang cố gắng thay đổi hiện trạng bằng cách tung ra tính năng thanh toán chạm Tap!

Thay vì quét mã, Tap! sử dụng công nghệ giao tiếp trường gần (NFC) cho phép người mua hàng chỉ cần đặt điện thoại cá nhân sát thiết bị đọc là có thể trả tiền. Dù công nghệ này khá phổ biến ở nhiều thị trường nước ngoài, tuy nhiên đa số nỗ lực triển khai phương thức thanh toán ngoài mã QR (từ NFC đến nhận dạng khuôn mặt) tại Trung Quốc trong quá khứ đều thất bại. Số liệu năm 2023 của Hiệp hội Thanh toán Trung Quốc cho thấy QR vẫn giữ thế thống trị với 93% thanh toán di động trên toàn quốc.

QR giữ thế thống trị trong hệ sinh thái không tiền mặt tại Trung Quốc - Ảnh: VCG

QR giữ thế thống trị trong hệ sinh thái không tiền mặt tại Trung Quốc - Ảnh: VCG

Để thay đổi hiện trạng, Alipay tung ra Tap! vào tháng 7.2024. Thời gian qua chứng kiến nền tảng không tiếc tiền triển khai chiến dịch quảng cáo quy mô lớn, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật kèm trợ cấp cửa hàng triển khai tính năng mới, đồng thời tung ra hàng loạt giảm giá cho người mua hàng.

Đến tháng 11 Tap! đã có mặt ở hơn 1.000 trung tâm thương mại trên địa bàn 50 thành phố. Trang Late Post cho biết Alipay lập nên đội ngũ 1.000 nhân viên phụ trách lắp đặt 1 triệu thiết bị đầu cuối để sử dụng tính năng thanh toán chạm trong vòng chưa đầy nửa năm.

Theo thành viên nhóm phụ trách triển khai Tap! Zhang Zhan, công ty không chỉ cung cấp cảm biến NFC cho đơn vị bán hàng hợp tác mà còn thực thi chính sách trợ cấp 1 Nhân dân tệ/giao dịch cho thu ngân giúp quảng cáo dịch vụ (mức tối đa 300 tệ/ngày).

Thượng Hải là một trong số thành phố đầu tiên triển khai Tap!. Chủ tiệm tạp hóa Shan Luhui nhận thấy tính năng mới giúp khách trả tiền nhanh hơn và cũng rất thu hút vì đưa ra ưu đãi ngẫu nhiên.

Nhưng có một nhược điểm lớn là thời gian chuyển tiền. Với QR, tiền được chuyển về tài khoản của Shan ngay sau mỗi giao dịch, còn với Tap! phải đợi qua đêm. Tình trạng này ảnh hưởng đến hoạt động nhập hàng và thanh toán tiền thuê nhà, nếu vẫn tiếp tục như vậy bà sẽ cân nhắc không dùng tính năng mới nữa.

Tap! được phổ biến rất nhanh - Ảnh: VCG

Tap! được phổ biến rất nhanh - Ảnh: VCG

Phía người mua hàng thì lo ngại về sự tiện lợi, độ tin cậy cùng bảo mật. Luật sư Zhu Yu thấy rất ấn tượng vì Tap! rất đơn giản đồng thời lại giúp cô tiết kiệm 84 tệ khi dùng lần đầu. Tuy nhiên nữ luật sư này sợ xảy ra gian lận hay làm lộ dữ liệu cá nhân vì hệ thống không đòi hỏi mật khẩu.

Người trả tiền muốn dùng Tap! phải mở khóa điện thoại, do đó trên lý thuyết thiết bị vẫn nằm trong tay chủ sở hữu. Ngoài ra ta hoàn toàn có thể thiết lập chế độ chỉ thanh toán không mật khẩu với giao dịch nhỏ, giao dịch lớn vẫn phải được phê duyệt cách thủ công.

Nhà nghiên cứu Liu Yuanju (Viện Tài chính - Luật Thượng Hải) cho biết NFC an toàn hơn QR. Kẻ gian dễ dàng lấy tiền bằng cách hoán đổi QR của mình với QR của cửa hàng, còn dữ liệu chia sẻ qua NFC đều được mã hóa.

Tập đoàn Ant Group (đơn vị mẹ của Alipay) nói rằng Tap! dù sử dụng NFC nhưng lại là biến thể của phương thức thanh toán bằng QR, vì tính năng mới biến điện thoại thành thiết bị đọc chip NFC và giao dịch vẫn hoàn tất qua ứng dụng. Nguyên lý này khác với phương thức thanh toán NFC nước ngoài như Apple Pay hay Samsung Pay (hoạt động như trình giả lập thẻ, dữ liệu thẻ ngân hàng của khách được lưu trữ trực tiếp trong chip NFC điện thoại).

Ông Liu hy vọng NFC và QR sẽ bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh: “Ví dụ khi trả tiển gửi xe thì QR thuận tiện hơn vì có thể quét mã từ xa, còn NFC chỉ hoạt động khi điện thoại gần thiết bị đọc. Hiện tại người dân vẫn cần thời gian nâng cấp điện thoại, nhiều mẫu điện thoại cũ không có chip NFC”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/canh-bac-thuc-day-thanh-toan-cham-cua-alipay-227929.html