Canh bạc vaccine của Australia phản tác dụng?

Chiến lược mua vaccine không hợp lý đẩy Australia rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung, khiến tiến trình tiêm chủng ở nước này triển khai chậm chạp so với nhiều quốc gia khác.

Cách đây 8 tháng, khi đối mặt với báo chí trong phòng thí nghiệm ở ngoại ô phía đông Sydney, Thủ tướng Australia Scott Morrison dõng dạc tuyên bố: “Hôm nay là ngày mà chúng ta có thể mong đợi vào một năm 2021 tốt đẹp hơn”.

Nguyên nhân dẫn đến tuyên bố đầy lạc quan của ông Morrison xuất phát từ việc Australia ký một hợp đồng 10 triệu liều vaccine Pfizer và một thỏa thuận với Novavax.

Bước đi này đảm bảo Australia sẽ “đứng đầu thế giới” khi đại dịch Covid-19 bước sang giai đoạn mới.

Tuy nhiên, giờ đây, Australia đi sau các đồng minh hẳn 4 tháng trong quá trình tiếp nhận vaccine của Pfizer. Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada đều đã ký thỏa thuận với Pfizer vào tháng 7 và tháng 8/2020.

Australia không chỉ đi chậm một bước, mà đơn đặt hàng của nước này quá nhỏ. Đơn hàng của Pfizer chỉ cung cấp đủ cho 1/5 dân số Australia, chưa kể đến những liều vaccine phải hủy bỏ khi quá hạn.

Theo Guardian, tại thời điểm mà vaccine mRNA chứng minh hiệu quả vượt trội, đơn hàng 10 triệu liều vaccine Pfizer của Australia vào tháng 11/2020 là "quá ít" và "thiếu tính hợp lý".

Australia gần như là quốc gia đứng cuối bảng về tỷ lệ tiêm chủng nếu tính riêng trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sau cả Costa Rica và Latvia. Tính đến ngày 8/7, mới chỉ có 8,3% dân số - tương đương 2,09 triệu người - được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19 tại Australia.

Chủ quan và thiếu sáng suốt

John LaMattina, người từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của Pfizer, khẳng định ông đã quan sát chặt chẽ xu hướng sử dụng vaccine trên toàn cầu, bao gồm cả nỗ lực thu mua vaccine Covid-19 của Australia.

Ông cho rằng sự chậm trễ của Australia trong việc đảm bảo thỏa thuận với Pfizer - mặc dù chỉ là tình huống “không may” - là điều dễ hiểu, bởi sự thành công bước đầu trong việc kiểm soát Covid-19 của nước này.

Điều này cho phép Australia có thêm nhiều thời gian tìm nguồn cung vaccine hơn so với các quốc gia khác.

 Hợp đồng 10 triệu liều vaccine Pfizer vào tháng 11/2020 của Australia được đánh giá là "không hợp lý". Ảnh: Reuters.

Hợp đồng 10 triệu liều vaccine Pfizer vào tháng 11/2020 của Australia được đánh giá là "không hợp lý". Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, “khi vaccine mRNA chứng minh được hiệu quả tuyệt vời của nó, đơn hàng 10 triệu liều là không hợp lý”, ông LaMattina nói. “Mọi quốc gia nên ngay lập tức liên hệ với Pfizer và Moderna để đặt hàng”.

“Australia cần ngay lập tức triển khai đủ số vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ dân số trên 18 tuổi của họ. Giả sử đó là khoảng 20 triệu người, Australia sẽ cần chi 780 triệu USD”.

Thay vào đó, quốc gia này lại dựa vào kế hoạch sản xuất vaccine AstraZeneca và vaccine của Đại học Queensland. Cả hai đều mang lại tiềm năng sản xuất vaccine nội địa ở công ty công nghệ sinh học CSL, Melbourne.

Thời gian chứng minh những quyết định đó là thiếu sáng suốt. Vaccine UQ bị loại ngay từ “vòng gửi xe” bởi xu hướng tạo ra các kết quả dương tính giả với HIV sau khi tiêm. Điều này khiến chính phủ nhăm nhe kiếm tìm thêm nhiều hợp đồng từ Pfizer.

Vuột mất cơ hội

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Pfizer háo hức thực hiện thỏa thuận với Australia là từ giữa năm 2020. Ngày 30/6/2020, Pfizer gửi thư mời các quan chức Australia cùng thảo luận về vaccine mRNA, khi đó còn trong giai đoạn đang phát triển.

Một cuộc họp đột xuất được lên kế hoạch trong vòng hai tuần.

Ngày 10/7/2020, cuộc tranh luận dữ dội diễn ra. Trong phòng họp có vài giám đốc điều hành người Australia của Pfizer và đại diện phía chính phủ Australia, bao gồm Lisa Schofield - trợ lý của lãnh đạo Lực lượng Chuyên trách Chống Covid-19.

“Chúng tôi chỉ thảo luận về khả năng mua loại vaccine đang phát triển của Pfizer, và chỉ có vậy”, bà Schofield nói trong cuộc điều tra của Thượng viện Australia. “Không một con số nào được đưa ra bàn luận khi đó”.

Tuy nhiên, Norman Swan - người dẫn chương trình podcast Coronacast của đài ABC - lại dẫn một nguồn tin khác, cho rằng có một quan chức “hiếu chiến, cố gắng mặc cả và thậm chí yêu cầu tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ”. Cuộc họp tiếp tục nhưng không có thỏa thuận nào được thực hiện.

“Tháng 7/2020, Pfizer từng đề nghị cung cấp cho Australia một lượng vaccine đủ cho toàn bộ dân số. Nhưng Bộ Y tế không chấp nhận”, quyền Thủ hiến bang Victoria James Merlino đề cập lời đề nghị khổng lồ mà Pfizer đưa ra vào thời điểm diễn ra cuộc họp đầu tiên.

Tuy nhiên, bà Schofield khẳng định Pfizer không đưa ra bất cứ lời đề nghị “chi tiết” nào cho chính phủ Australia. Chính phủ cũng khẳng định 10 triệu liều là tất cả những gì Pfizer cung cấp cho Australia trong thỏa thuận ký vào tháng 11/2020.

Pfizer xác nhận trong cuộc điều tra của Thượng viện Australia rằng họ là người đề xuất con số 10 triệu.

 Tiến trình tiêm chủng tại Australia diễn ra khá chậm so với nhiều nước phát triển khác trên thế giới. Ảnh: AP.

Tiến trình tiêm chủng tại Australia diễn ra khá chậm so với nhiều nước phát triển khác trên thế giới. Ảnh: AP.

Chính phủ Australia phủ nhận thất bại trong quá trình thu mua vaccine, đồng thời đảm bảo họ ký kết đủ 5 thỏa thuận mua 195 triệu liều vaccine Covid-19.

Dù sự thật nằm ở đâu, rõ ràng là vào thời điểm đó, Pfizer không hề ngần ngại thực hiện các giao dịch, theo Guardian.

Chỉ riêng trong tháng 7/2020, hãng dược đã đạt được thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều cho Mỹ, 120 triệu cho Nhật Bản và 30 triệu cho Anh.

Nguồn tin khác từ Reuters còn cho hay Pfizer cũng thỏa thuận cung cấp 500 triệu liều vaccine cho Liên minh châu Âu vào thời điểm đó, tuy nhiên đã thất bại.

Australia tăng gấp đôi số lượng đơn đặt hàng Pfizer vào tháng 2. Tuy nhiên, nhu cầu vaccine toàn cầu trong giai đoạn này tăng lên 2 tỷ liều vaccine, so với con số 1,3 tỷ vào tháng 11/2020.

Bước đi của Australia quá muộn màng.

“Đấu trường sinh tử”

Ngày 5/7, Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk bày tỏ sự tức giận với khối lượng vaccine được cấp cho bang mỗi tuần, chỉ khoảng 65.000 liều Pfizer, ít nhất cho đến tháng 10.

Bà Palaszczuk quy trách nhiệm cho chính quyền Thủ tướng Scott Morrison và kêu gọi người dân Queensland hãy kiên nhẫn. "Chúng tôi đang chờ nguồn cấp vaccine để đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho mọi người", bà Palaszczuk trấn an người dân.

“Cho đến khi có đủ vaccine và bác sĩ ở tuyến đầu để tiêm chủng, người dân ở bang New South Wales sẽ phải tiếp tục đối diện với 'đấu trường sinh tử'", Brad Hazzard, Giám đốc sở Y tế New South Wales, đưa ra đánh giá thẳng thắn về sự thất bại trong quá trình cung cấp vaccine.

Bộ trưởng Tài chính Australia Simon Birmingham hôm 1/7 tuyên bố nước này gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn cung, bởi "các công ty dược phẩm ưu tiên những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao".

Điều này khiến các quốc gia như Australia và New Zealand "đứng cuối bảng" ưu tiên nhận tiếp nhận vaccine.

Theo số liệu mới nhất, toàn quốc đã sử dụng 3,2 triệu liều Pfizer và 5 triệu liều AstraZeneca.

Khoảng 16,6 triệu liều khác đã được Cục Quản lý Dược phẩm “cho phép phân phối”.

Trong số này, 12,3 triệu phân phối đến các phòng khám, 620.000 liều AstraZeneca gửi đến Timor Leste và các quốc gia tại Thái Bình Dương, 2,3 triệu liều AstraZeneca dùng cho kế hoạch chủng ngừa liều vaccine thứ hai.

Lô vaccine Pfizer đầu tiên đến Australia vào tháng 2. Ảnh: West Australian.

Lô vaccine Pfizer đầu tiên đến Australia vào tháng 2. Ảnh: West Australian.

Trong ba tuần qua, trung bình mỗi tuần Australia tiếp nhận thêm khoảng một triệu liều vaccine mới. Theo kế hoạch, vào tháng 7 và tháng 8, nước này có thể nhận thêm khoảng 2,85 triệu liều vaccine của hai hãng dược mỗi tuần.

Hôm 9/7, Thủ tướng Scott Morrison cho biết nguồn cung của Pfizer sẽ tăng hơn gấp ba lần trong những tháng tới, từ 1,7 triệu liều trong tháng 6 lên 4,5 triệu liều vào tháng 8.

Sau tuyên bố của Thủ tướng Morrison, Pfizer cho biết không có sự thay đổi nào đối với 40 triệu liều vaccine mà hãng cung cấp cho Australia.

Cho đến cuối tháng 10, Bộ trưởng Y tế Stephen Duckett cho biết sẽ có khoảng 2 triệu liều Pfizer và 500.000 liều Moderna cung cấp mỗi tuần. “Như vậy là quá đủ để phân bổ cho dân số của Australia”, ông nói.

Ông Duckett cho rằng bước tiếp theo Australia phải khắc phục là các vấn đề hậu cần gây tồn động vaccine, thiết lập thêm trung tâm tiêm chủng đại trà, và giải quyết tình trạng do dự vaccine ở một số bộ phận người dân.

“Chính phủ cần chuẩn bị mọi phương án cho chương trình tiêm chủng hiệu quả khi vaccine bắt đầu được đưa vào sử dụng đại trà”, ông nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-bac-vaccine-cua-australia-phan-tac-dung-post1237249.html