Cảnh báo 1 ly trà sữa/ngày có thể gây gout

Trà sữa - vốn được biết đến với hàm lượng đường cao và những viên trân châu giàu calo - có thể góp phần gây bệnh gút.

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Victor Seah thuộc bệnh viện Parkway East (Singapore) cho biết: “Tôi ghi nhận mỗi tháng trung bình 4 - 5 bệnh nhân đến khám gout. Họ bảo bản thân thường xuyên uống trà sữa với số lượng và tần suất uống không rõ”.

Thông thường axit uric trong máu được thận lọc và thải ra ngoài qua nước tiểu. Nhưng khi nồng độ quá cao, axit uric sẽ tích tụ tạo thành nhiều tinh thể hình kim ở các khớp, lúc đầu gây ngứa ran rồi nhanh chóng thành cơn đau dữ dội.

Axit uric tích tụ trong khớp - Ảnh: Channel News Asia

Khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngón chân cái, đầu gối hoặc mắt cá chân. Nếu không kiểm soát kịp thời thì gout có thể gây biến dạng khớp, tổn thương sụn, viêm khớp, đau mãn tính, cứng khớp.

Axit uric đôi lúc còn lắng đọng trong da hoặc mô mềm tạo ra các cục u đau đớn, vết loét nhiễm trùng. Bệnh gout không kiểm soát cũng đem lại nguy cơ sỏi thận – thậm chí suy thận.

Mối liên hệ với trà sữa

Nguyên nhân phổ biến gây gout là ăn quá nhiều thịt đỏ, các loại hạt, hải sản và uống quá nhiều bia. Chuyên gia Jaclyn Reutens - nhà sáng lập Tổ chức tư vấn Thể thao và Dinh dưỡng Aptima - giải thích đồ ăn thức uống chứa một loại axit amin mang tên glutamate, khi bị tiêu hóa thì glutamate hình thành purin – chất tiếp tục phân hủy thành axit uric.

Đường fructose trong viên trân châu, đường, siro, mật ong, hương liệu trái cây, trái cây tươi, nước ép trái cây có thể làm tăng mức glutamante trong cơ thể. Theo chuyên gia Reutens: “Ly trà sữa trân châu cỡ trung bình đến lớn ước tính chứa 15g - 24g sucrose (đường), sẽ đem lại 7,5g - 21g fructose”.

Đặc biệt, ly trà sữa trân châu đường nâu có đến 92g sucrose. Giới hạn đường 1 ngày mà giới chức y tế Singapore khuyến cáo là 45g - 55g.

Đường trong trà sữa có thể làm tăng mức glutamante trong cơ thể - Ảnh: Channel News Asia

Tại tỉnh Quảng Đông từng có một “tín đồ” trà sữa 18 tuổi gánh chịu hậu quả nghiêm trọng: axit uric tích tụ ở ngón tay và bàn chân nhiều đến mức bác sĩ mô tả đây là trường hợp “hóa đá”.

“Khi được đưa đến bệnh viện, 4 khớp của bệnh nhân đều bị gout nên không thể tự đi lại”, bác sĩ khoa khớp Trịnh Thiếu Linh thuộc bệnh viện Nhân dân số 2 Quảng Đông kể lại.

Tình trạng của thanh niên trên là bài học cảnh báo cho những ai uống ít nhất 1 ly trà sữa mỗi ngày. Bác sĩ Seah nhắc nhở: “Mỗi người có nguy cơ mắc gout khác nhau”.

Một yếu tố cần chú ý khác là lượng nước uống. Theo chuyên gia Reutens: “Uống nhiều nước giúp pha loãng số tinh thể axit uric và thải chúng ra ngoài. Uống ít nhất 2 lít nước/ngày, sau khi uống trà sữa thì hãy nạp ngay 2 ly nước”.

Bác sĩ Seah cũng lưu ý nếu cảm thấy khớp ngứa ran và nghi ngờ đây là dấu hiệu gout, lập tức ngừng nạp thực phẩm giàu purin hay thức uống có cồn, đồng thời uống nhiều nước.

Chuyên gia Reutens khuyên rằng tốt nhất mỗi tuần chỉ nên uống 1 ly trà sữa, yêu cầu giảm đường hoặc giảm trân châu.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/canh-bao-1-ly-tra-sua-ngay-co-the-gay-gout-166895.html