Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Để phòng ngừa bệnh uốn ván sơ sinh, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vaccine cho trẻ và mẹ.
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi nào vợ tôi cần tiêm vaccine uốn ván?
Bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai
Trẻ em 3-28 ngày tuổi có khả năng bị uốn ván sơ sinh khi dụng cụ cắt rốn không đảm bảo vô trùng, tay người đỡ đẻ không vô khuẩn, băng gạc không vô trùng, vi trùng xâm nhập qua vết cắt rốn hoặc sau khi sinh. Ngoài ra, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn sẽ dễ bị nhiễm nha bào uốn ván.
Để phòng ngừa bệnh uốn ván sơ sinh, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vaccine cho trẻ và mẹ. Vaccine uốn ván được bào chế từ độc tố của vi khuẩn đã mất tính độc, không phải làm từ vi khuẩn sống nên rất an toàn cho cả mẹ và con.
Sau khi tiêm vaccine uốn ván cho thai phụ, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ cho trẻ không bị mắc uốn ván sơ sinh. Đồng thời, kháng thể này cũng bảo vệ cho mẹ trong quá trình sinh đẻ không bị mắc uốn ván.
Phụ nữ có thai được tiêm 2 liều vaccine uốn ván, cách nhau tối thiểu một tháng, liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh một tháng. Những lần có thai sau, người mẹ cần tiêm nhắc lại một liều uốn ván trước khi sinh một tháng.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh cần được tiêm 3 liều uốn ván, liều 2 cách liều 1 tối thiểu một tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.
Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng có hiệu quả để ngăn ngừa bệnh uốn ván sơ sinh như khi sinh con cần tới cơ sở y tế, nơi có phòng đẻ sạch với dụng cụ đỡ đẻ tiệt trùng, tránh được nhiễm khuẩn gây bệnh cho mẹ và con. Sau sinh, người lớn cần chăm sóc rốn cho trẻ đảm bảo vệ sinh.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khi-nao-thai-phu-can-tiem-vaccine-uon-van-post1467935.html