Cảnh báo 2 sản phẩm hỗ trợ xương khớp chứa chất cấm làm tăng nguy cơ tim mạch
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra cảnh báo về 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên nang Gân Cốt Hoàn và Viên xương khớp Japan có chứa chất cấm Diclofenac.
Cụ thể, Cục An toàn Thực phẩm nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ xương khớp để giám sát.
Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Japan chứa chất cấm Diclofenac (4,85mg/g) còn Viên nang Gân Cốt Hoàn có chứa chất cấm Diclofenac (7,16mg/g).
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Japan có số lô SX: BX021901; Ngày SX: 06/2019; Hạn dùng: 06/2022; số XNCB: 48441/2017/ATTP-XNCB.
Thương nhân chịu trách nhiệm về chất lượng là Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Japan, có địa chỉ tại 52/1 ĐHT 10, P.Đông Hưng Thuận, Q 12, TPHCM.
Sản phẩm này được sản xuất tại chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Tâm Minh Anh, địa chỉ tại 52/1 Đông Hưng Thuận 10, P. Đông Hưng Thuận, Q 12, TPHCM.
Nơi lấy mẫu giám sát là Phòng chẩn trị Đông y Thanh Bình, 215 Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên nang Gân Cốt Hoàn vi phạm có LSX: 0006; NSX 20/06/2019; HSD: 19/06/2022; GP Bộ Y tế - 19778/2017/ATTP-XNCB.
Nơi lấy mẫu Viên nang Gân Cốt Hoàn để giám sát là Nhà thuốc Dũng Loan, 243 Lê Trung Đình, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện Cục An toàn Thực phẩm đang chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi (nơi lấy mẫu) và Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM (nơi có cơ sở sản xuất và công bố) xác minh, xử lý vụ việc.
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, Cục An toàn Thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm nói trên.
Theo Trung tâm Quốc gia về Thông tin Thuốc và Theo dõi Phản ứng có hại của thuốc, 2013, Ủy ban Đánh giá Nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA), diclofenac có thể tăng nguy cơ trên tim mạch, đặc biệt khi dùng thuốc với liều cao và điều trị dài ngày.
Diclofenac thường được sử dụng rất rộng rãi với tác dụng giảm đau chống viêm đặc biệt trong điều trị viêm khớp.
Thử nghiệm lâm sàng và các nghiên cứu dịch tễ đã chỉ ra sự tăng nguy cơ gặp các biến cố thuyên tắc động mạch (nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ) liên quan đến việc sử dụng diclofenac, đặc biệt khi dùng liều cao (150mg/ngày) và khi điều trị dài ngày.
Các đối tượng bệnh nhân có nguy cơ cao mắc biến cố tim mạch (tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc lá) đều phải thận trọng khi dùng diclofenac.
Ngày 30/6/2021, Bộ Y tế ban hành thông tư số 10/2021/TT-BYT về quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có diclofenac.