Cảnh báo 'ẩn họa' thuốc lá nơi học đường
Theo chuyên gia pháp lý, thuốc lá không chỉ gây nên những căn bệnh nguy hiểm mà còn hủy hoại nhân cách học đường.
Dễ bị hủy hoại cả tương lai
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thanh Nga cho biết, thuốc lá độc hại tới sức khỏe nhưng từ việc mua/bán thuốc lá của học sinh, sinh viên đến việc tình trạng học sinh hút thuốc từ khi độ tuổi còn rất nhỏ đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại các thành, thị lớn.
Kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019 cho biết, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.
Theo điều tra tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, Tổ chức Campain for Tobacco Free Kids, trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m quanh mỗi trường học.
Cũng theo Tiến sĩ Nga, độ tuổi học sinh khi cơ thể đang phát triển, các bộ phận cơ thể dễ bị các chất độc tàn phá nhanh chóng. Khi thể trạng của các em chưa phát triển toàn diện, cơ thể không đủ kháng thể để chống lại những tác nhân độc hại từ khói thuốc lá...
Theo cô Trần Thị Tín Ái – Hiệu trưởng trường THCS Đại Đồng (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, thuốc lá không chỉ tác động đến cơ thể, sức khỏe các em mà còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần và trí lực của các học sinh.
Độ tuổi mới lớn là độ tuổi dễ bị cám dỗ và sa đà, nếu dấn thân vào thuốc lá các em sẽ dễ bị hủy hoại cả tương lai. Trong khói thuốc lá có chất nicotin gây nghiện, nó tác động trực tiếp đến hệ thần kinh còn non nớt của các em.
Vì vậy, từ nhiều năm nay, nhà trường đã thực hiện quyết liệt cũng như thực hiện mọi biện pháp để ngăn ngừa, bài trừ khói thuốc ra khỏi trường học.
Tại các khu vực trong phạm vi nhà trường, các biển báo, nội quy có nội dung nghiêm cấm hút thuốc cũng được bố trí. Trong các buổi chào cờ, các chương trình, sự kiện, nhà trường tổ chức cũng đề cập, nhắc nhở tác hại của việc hút thuốc lá cho các em học sinh biết và hiểu rõ. Từ đó, không chỉ giúp các em ý thức được việc tránh xa thuốc lá mà còn là thế hệ tuyên truyền, nhắc nhở cho chính những người thân, người xung quanh mình nói không với thuốc lá.
Cùng với đó, tại các buổi họp giao ban, ban giám hiệu nhà trường cũng quán triệt, chỉ đạo đến tất cả các cán bộ, giáo viên của nhà trường về vấn đề này. Theo đó, nhà trường đề nghị tất cả cán bộ, giáo viên không hút thuốc lá để làm gương cho học sinh, sinh viên. Phương pháp giáo dục tốt nhất chính là làm gương cho các em học sinh noi theo, cô Tín Ái nói.
Pháp luật quy định như thế nào?
Theo Luật sư Phạm Thị Nguyệt Tú - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chưa nói đến quy định của pháp luật thì thuốc lá hiện đang là một loại hàng hóa có giá bán không hề thấp và nhiều loại khác nhau.
Để có thuốc lá sử dụng, các em học sinh sẽ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Điều này trái ngược lại với thực trạng đang tuổi ăn, tuổi mặc, mọi thứ đều được phụ huynh lo thì lấy đâu tiền để hút thuốc.
Vì vậy, việc mua bán, sử dụng thuốc lá của học sinh cũng có thể là ngọn nguồn của những lời nói dối và thậm chí là hành vi trái pháp luật của các em. Thuốc lá không chỉ gây nên những căn bệnh nguy hiểm mà còn hủy hoại nhân cách học đường.
Hiện nay, pháp luật nước ta cũng đã có chế tài liên quan đến việc mua bán, sử dụng thuốc lá của học sinh, sinh viên. Theo đó, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 có quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9, có nêu rõ, không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; không sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá.
“Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.
Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.
Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.
Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.”
Trường hợp vi phạm, cá nhân, tổ chức thực hiện có thể bị xử phạt hành chính lên đến 40.000.000 đồng theo điều 29 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Các cơ quan chức năng cần quản lý, áp dụng pháp luật quyết liệt, hiệu quả hơn. Việc thực thi pháp luật cần được triển khai song song cùng với việc giáo dục, tuyên truyền trong nhà trường chính là chìa khóa để ngăn chặn khói thuốc đi làm trường học, Luật sư Nguyệt Tú nói.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/canh-bao-an-hoa-thuoc-la-noi-hoc-duong-5LYn0B2nR.html