Cảnh báo bệnh dại vào mùa nắng nóng
Bệnh dại có xu hướng gia tăng trong mùa nắng nóng, đặc biệt vào các tháng mùa hè khi nhiệt độ cao hơn mức trung bình sẽ khiến các động vật, nhất là chó mèo dễ bị căng thẳng và hay đi ra ngoài để tìm kiếm thức ăn và nước uống.
Thời tiết nắng nóng khiến các động vật, nhất là chó mèo dễ bị căng thẳng và hay đi ra ngoài để tìm kiếm thức ăn và nước uống, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh dại giữa các loài vật. Bên cạnh đó con người khi tham gia các hoạt động ngoài trời có xu hướng tiếp xúc động vật nhiều hơn. Đặc biệt trẻ em khi nô đùa ở những nơi có vật nuôi thả rông sẽ làm tăng nguy cơ bị con vật tấn công và lây nhiễm bệnh dại.
Không được chủ quan với vật nuôi
Bệnh dại là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay, với tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối nếu không được điều trị kịp thời. Thế nhưng thực tế cho thấy nhiều người dân vẫn còn rất chủ quan, cho rằng bị chó mèo nhà cắn thì không sao, dẫn đến hậu quả thương tâm.
Mới đây 2 trường hợp bị chó nhà cắn phải tiêm vaccine dại đã được các bác sĩ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương theo dõi đặc biệt và điều trị vết thương.
Trong đó bệnh nhân nữ 45 tuổi ở Hà Nội bị chó nhà cắn vào tay, thú cưng này nặng khoảng 5 - 6 kg nhưng đã chết sau khi cắn chủ nuôi. Sau khi bị thú cưng cắn, nữ bệnh nhân lập tức đến cơ sở y tế gần nhà để xử trí và tiêm vaccine. Tuy nhiên do có tiền sử lupus ban đỏ (bệnh tự miễn gây rối loạn miễn dịch) nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để theo dõi sát quá trình tiêm, phòng ngừa sốc phản vệ hoặc biến chứng.

Bệnh dại là bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây ra.
Một trường hợp khác là bé gái 5 tuổi ở Hà Nội bị chó nhà nuôi nặng hơn 20 kg tấn công vào vùng đầu, mặt, khu vực gần hệ thần kinh trung ương, điều này sẽ làm tăng nguy cơ lan truyền virus nếu con vật mang mầm bệnh dại.
Bé gái nhập viện trong tình trạng có hơn 10 vết thương, trong đó một vết sâu in rõ dấu răng chó. Tại bệnh viện các bác sĩ đã xử trí cấp cứu, khâu hở khoảng 10 mũi để dẫn lưu dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Sau đó bé gái được theo dõi và tiếp tục phác đồ tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại.
Không may mắn như 2 trường hợp trên, sau hơn 1 tháng bị chó lạ cắn nhưng không tiêm vaccine, huyết thanh phòng bệnh dại, nam thanh niên ở Hòa Bình đã phát bệnh dại rồi tử vong.
Nạn nhân là anh V.V.V. (28 tuổi, ở xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình). Theo lời kể của người nhà anh V. ngày 15/2/2025 bệnh nhân bị một con chó đi qua công trường (ở xã Bảo Hiệu) cắn vào giữa ngón bàn tay trái, vết thương nông, có chảy máu.
Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân tự xử lý vết thương, không đi khám, không tiêm vaccine, huyết thanh phòng bệnh dại.
Con chó cắn anh V. là con chó lạ, nặng khoảng 6kg, không rõ nguồn gốc, sau khi cắn bệnh nhân thì con chó đã chạy lên đồi rồi mất tích.
Đến ngày 27/3/2025 anh V. có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, người mệt mỏi, khó thở nhẹ, tiết nhiều nước bọt khạc nhổ.
Hôm sau anh V. được gia đình đưa đến bệnh xá cụm kho 23 (quân đội) khám và điều trị nhưng không đỡ.
Ngày 29/3/2025 anh V. được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Đồng Tâm rồi Trung tâm Y tế huyện Lạc Thủy trong tình trạng kích thích, tâm trạng thay đổi liên tục, sốt cao 39,5 độ C, rét run, vã mồ hôi, nôn, thi thoảng nhai hàm nghiến răng.
Sau khi thăm khám và theo dõi bệnh nhân thì kíp trực đã hội chẩn và chuyển bệnh nhân lên Viện Y học Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây bệnh nhân được xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp RT- PCR có kết quả 2 lần dương tính với virus dại. Đến ngày 3/4/2025 anh V. tử vong.

Cần tiêm phòng đầy đủ cho 100% chó, mèo nuôi để phòng chống bệnh dại.
Cần chủ động phòng ngừa bệnh dại
Bệnh dại có tỷ lệ tử vong 100% khi khởi phát. Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật, thường thấy ở chó, mèo. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào lượng virus, vị trí và độ nặng của vết thương, do đó ngắn thì vài ngày, dài có khi lên khoảng vài năm. Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho 100% chó, mèo nuôi và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone - Iodine (nếu có). Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Ngoài ra, người dân nên tiêm phòng bệnh dại càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cào, cắn. Không nên chủ quan cho rằng vật nuôi không mang bệnh, hoặc do không thấy dấu hiệu bệnh ở vật nuôi mà bỏ qua vaccine. Chó, mèo có tỷ lệ lưu hành virus cao. Nếu chờ cho các con vật trên xuất hiện dấu hiệu của bệnh dại hoặc chết đi mới tiêm vaccine thì có thể đã quá muộn. Nếu động vật không mắc bệnh, việc tiêm vaccine vẫn có hiệu quả bảo vệ dự phòng. Những người thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo hoặc có nguy cơ cao bị cắn như bác sĩ thú y, nhân viên chăn nuôi, nhân viên kiểm lâm, khách du lịch… nên tiêm vaccine phòng dại trước phơi nhiễm.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-benh-dai-vao-mua-nang-nong-169250709231426038.htm