Quy định về kê đơn thuốc áp dụng từ 1/7 người dân cần biết
Trong đơn thuốc, phải ghi rõ các mục, số định danh cá nhân, nơi cư trú, trẻ dưới 72 tháng phải ghi rõ số tháng tuổi, cân nặng… Nội dung đơn thuốc quy định ghi theo tên chung quốc tế (nếu thuốc có 1 hoạt chất) hoặc ghi theo tên thương mại nếu thuốc có nhiều hoạt chất…
Ngày 30/6/2025, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tư 26/2025/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hình thức tổ chức là bệnh viện phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức kê đơn thuốc điện tử trước ngày 1/10/2025.
Theo Thông tư này, một số yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc năm 2025 được quy định cụ thể. Điều 6 Thông tư 26/2025/TT-BYT yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc như sau:
- Ghi đầy đủ, rõ ràng và chính xác các mục trong đơn thuốc hoặc trong hồ sơ bệnh án của người bệnh.
- Ghi thông tin về số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân hoặc số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh (nếu có).
- Ghi thông tin về nơi cư trú của người bệnh.
- Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, cân nặng của trẻ; họ và tên người đưa trẻ đến khám bệnh, chữa bệnh.

Trong đơn thuốc, phải ghi rõ các mục, số định danh cá nhân, nơi cư trú, trẻ dưới 72 tháng phải ghi rõ số tháng tuổi, cân nặng…
- Kê đơn thuốc theo quy định như sau:
Thuốc có một hoạt chất:
Theo tên chung quốc tế (INN, generic). Ví dụ: thuốc có hoạt chất là paracetamol, hàm lượng 500mg thì ghi tên thuốc như sau: paracetamol 500mg.
Theo tên chung quốc tế + (tên thương mại). Ví dụ: thuốc có hoạt chất là paracetamol, hàm lượng 500mg, tên thương mại là A thì ghi tên thuốc như sau: paracetamol (A) 500mg.
Thuốc có nhiều hoạt chất hoặc sinh phẩm y tế thì ghi theo tên thương mại.
- Ghi tên thuốc, nồng độ hoặc hàm lượng, số lượng hoặc thể tích, liều dùng gồm số lượng sử dụng mỗi lần và số lần sử dụng trong ngày, đường dùng, thời điểm dùng của mỗi loại thuốc, số ngày sử dụng thuốc. Nếu đơn thuốc có thuốc độc phải ghi thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác.
- Cách ghi số lượng thuốc: Trường hợp số lượng thuốc chỉ có một chữ số (nhỏ hơn 10) thì ghi số 0 phía trước; Đối với thuốc gây nghiện phải ghi bằng số theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 6 Thông tư 26/2025/TT-BYT và ghi bằng chữ sau khi ghi số.
- Số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc: Kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 8 Điều 6 Thông tư 26/2025/TT-BYT và các Điều 7, 8 và 9 Thông tư 26/2025/TT-BYT .




Có 252 bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày tại Thông tư 26/2025/TT-BYT.
Tại Thông tư này, có 252 bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày như các bệnh: Viêm gan virus B mạn tính, ung thư vú, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, ung thư tuyến giáp, đái tháo đường, nhược cơ, viêm giác mạc, nhiễm trùng, ký sinh trùng, tăng huyết áp, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ, một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì...
Đối với bệnh thuộc Danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày.
- Trường hợp cần sửa chữa, điều chỉnh thuốc trong đơn, người kê đơn thực hiện kê đơn thuốc mới thay thế đơn thuốc cũ.

Kê đơn thuốc cho người bệnh ngoại trú và người sau khi kết thúc điều trị nội trú
Căn cứ Điều 5 Thông tư 26/2025/TT-BYT quy định có 2 trường hợp kê đơn thuốc như sau:
Đối với người bệnh khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh điều trị ngoại trú:
Trường hợp người bệnh không có hồ sơ bệnh án ngoại trú, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh kê đơn thuốc theo quy định tại Thông tư 26/2025/TT-BYT;
Trường hợp người bệnh có hồ sơ bệnh án ngoại trú, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chỉ định điều trị vào hồ sơ bệnh án ngoại trú đồng thời kê đơn thuốc cho người bệnh bảo đảm phù hợp với nội dung chỉ định thuốc trong hồ sơ bệnh án ngoại trú.
Đối với người bệnh ngay sau khi kết thúc việc điều trị nội trú:
Trường hợp tiên lượng người bệnh cần tiếp tục sử dụng thuốc từ 1 đến đủ 7 ngày sau khi ra viện thì người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chỉ định điều trị tiếp và ghi vào hồ sơ bệnh án nội trú đồng thời kê đơn thuốc cho người bệnh bảo đảm phù hợp với nội dung chỉ định thuốc trong hồ sơ bệnh án nội trú;
Trường hợp tiên lượng người bệnh cần tiếp tục điều trị trên 7 ngày sau khi ra viện thì căn cứ tình trạng của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quyết định kê đơn thuốc ngoại trú hoặc lập hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú hoặc chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp để tiếp tục điều trị. Số ngày sử dụng của mỗi thuốc được kê trong đơn thuốc hoặc chỉ định trong hồ sơ bệnh án ngoại trú theo quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư 26/2025/TT-BYT.