Cảnh báo bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở trẻ nhỏ, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời. Bệnh do virus viêm não Nhật Bản gây ra, lây truyền qua muỗi Culex – loài muỗi hoạt động mạnh vào lúc chập tối và có mật độ cao ở vùng đồng bằng, trung du. Virus được truyền từ các vật chủ trung gian như lợn, chim, ngựa sang người thông qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh.

Trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt trong độ tuổi từ 2 - 8, là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Mùa cao điểm thường rơi vào giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Mặc dù Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã bao phủ phần lớn trẻ em, vẫn còn nhiều trường hợp mắc bệnh do chưa tiêm đủ mũi hoặc không tiêm nhắc lại đúng lịch. Nhiều phụ huynh nhầm tưởng chỉ cần tiêm đủ 3 mũi đầu là đủ miễn dịch, trong khi thực tế cần tiêm nhắc lại 3 - 5 năm một lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi.

Bệnh thường khởi phát với triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, kèm theo các dấu hiệu nhiễm virus như mệt mỏi, ớn lạnh. Trong các trường hợp nặng, trẻ có thể xuất hiện co giật, kích động, mất ý thức, nói nhảm, liệt tay chân hoặc hôn mê. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh gây tử vong hoặc để lại các di chứng nghiêm trọng như liệt, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tâm thần, giảm khả năng học tập và lao động.

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine đúng và đủ liều. Trẻ cần tiêm mũi 1 khi đủ 12 tháng tuổi, mũi 2 sau đó 1 - 2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm. Việc tiêm nhắc lại định kỳ 3 - 5 năm sau đó là rất quan trọng để duy trì miễn dịch lâu dài. Ngoài ra, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt như cho trẻ nằm màn, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh nước tù đọng, đồng thời nâng cao sức đề kháng của trẻ qua chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, đặc biệt là các dấu hiệu thần kinh như co giật, lơ mơ, nói nhảm, cần đưa đến cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Viêm não Nhật Bản là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả, nhưng lại có thể để lại hậu quả nặng nề nếu chủ quan hoặc phát hiện muộn.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm (Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/canh-bao-benh-viem-nao-nhat-ban-10311201.html