Cảnh báo: Bệnh Whitmore khó chẩn đoán, tử vong nhanh lại dễ phát triển trong điều kiện mưa lũ
Gần đây, Whitmore – căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong nhanh, chưa có vaccine phòng bệnh đang ngày một gia tăng sau mưa lũ.
Tỷ lệ tử vong vì Whitmore lên tới 40%
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - thời tiết mưa lũ đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh Whitmore phát triển. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh và nhân viên y tế cần cảnh giác để chẩn đoán đúng, điều trị bệnh kịp thời.
Bệnh Whitmore còn gọi là bệnh Melioidosis, do trực khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, đồng ruộng và các vùng nước tù đọng, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp.
"Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người mắc Whitmore có thể tử vong. Tỷ lệ tử vong lên tới 40%" - ông Cường nói.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, như sốt với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng... Bệnh khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...) có nguy cơ cao mắc bệnh.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường thông tin về bệnh Whitmore (Video: D. Hải)
PGS. TS. Đỗ Duy cường cho hay: Bệnh Whitmore được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei và các thuốc điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo, đồng thời chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín.
Dễ chẩn đoán nhầm Whitmore sang bệnh khác
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân mắc Whitmore. Hiện, Trung tâm đang tiếp tục điều trị cho 3 trường hợp mắc bệnh này. 3 bệnh nhân mắc Whitmore đến từ Sơn La, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Cả 3 bệnh nhân này đều trên 50 tuổi và có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân bị áp xe phổi. Do có biểu hiện lâm sàng đa dạng nên bệnh Whitmore rất dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác khiến việc điều trị không hiệu quả.
Trước đó, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã phát đi cảnh báo về sự gia tăng đột biến của bệnh Whitmore do một loại vi khuẩn nguy hiểm được ghi nhận sau thời gian bão lũ liên tục xảy ra ở miền Trung.
Trong hơn 1 tháng qua Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận gần 30 bệnh nhân mắc Whitmore, trong khi 9 tháng đầu năm chỉ có 11 ca. Trong số này, 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, 50% bệnh nhân quê ở Thừa Thiên - Huế. Nhiều người nhập viện ở giai đoạn muộn, bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng,... Vì thế, quá trình điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao mà kết quả không khả quan.
Theo các bác sĩ, sự tăng đột biến số lượng ca Whitmore trong tháng 9, 10 và 11 tại Việt Nam tương đổng với những kết quả nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới. Số bệnh nhân mắc Whitmore thường liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với tình trạng mưa lũ hàng năm.