Cảnh báo các loại hình thời tiết nguy hiểm ở Trung Bộ và trên Biển Đông

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 sẽ xuất hiện liên tiếp các loại hình thời tiết nguy hiểm trên Biển Đông và đất liền khu vực Trung Bộ.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 sẽ xuất hiện liên tiếp các loại hình thời tiết nguy hiểm trên Biển Đông và đất liền khu vực Trung Bộ.

Trên Biển Đông có khả năng xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới/bão. Sau đó áp thấp nhiệt đới/bão có xu hướng kết hợp với không khí lạnh liên tục được bổ sung cho nên có khả năng cao xảy ra một đợt mưa to đến rất to kèm theo các nguy cơ rất lớn về lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở Trung Bộ.

Từ hôm nay 28-10 đến ngày 29-10, mực nước các sông, suối khu vực Bắc Bộ dao động với biên độ từ 0,5 đến 1,0 m. Sạt lở đất có nguy cơ xảy ra cục bộ tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Từ ngày 29-10 đến 1-11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa.

Ở phía bắc, bộ phận không khí lạnh đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều hôm nay 28-10, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Trên biển, ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét: Cấp 1. Từ đêm nay 28-10 đến khoảng ngày 31-10: Ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét về đêm và sáng sớm (nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng là 17oC ở vùng núi, vùng núi cao dưới 10oC); ngày trời nắng với nhiệt độ cao nhất là 28oC.

Mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang lên. Đến ngày 30-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 2,10 m; tại Châu Đốc ở mức 2,15 m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 đến báo động 3, sông Sài Gòn lên trên báo động 3 từ 0,2 đến 0,25 m. Cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh.

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh. Qua đó, đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện tại và trong tương lai. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 25-10-2008 với phạm vi quy hoạch chưa bao phủ toàn bộ địa bàn thành phố và hiện không còn phù hợp thực tế, tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như quy hoạch phát triển chung.

Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai miền nam, trên địa bàn ấp Thượng, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp vừa xảy ra sạt lở bờ sông Tiền với chiều dài 35 m, ăn sâu vào bờ khoảng 7,0 m, làm sập một lò sấy lúa. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức cắm biển cảnh báo, huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả.

Tại tỉnh Thanh Hóa, tính đến giữa tháng 10 đã có 4.854 hộ dân, tại 1.172 thôn, 355 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong diện được hỗ trợ tiêu hủy lợn do mắc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), với tổng kinh phí quyết toán gần 108,6 tỷ đồng. Hiện, các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp để xử lý hồ sơ hỗ trợ các hộ dân có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh.

Theo thống kê, đến nay TP Vinh (Nghệ An) đã có 16 trong tổng số 25 phường, xã xuất hiện DTLCP với 93 khối xóm, 477 hộ có lợn chết, phải tiêu hủy 3.616 con. Sau khi mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, TP Vinh bị ngập nặng cho nên việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Hiện, lực lượng chức năng TP Vinh đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đang xảy ra bệnh lở mồm long móng trên gia súc. Trước tình hình nêu trên, UBND thị xã Hồng Lĩnh yêu cầu các cấp, các ngành, UBND các phường, xã, nhất là phường Đậu Liêu tuyên truyền cho người dân biết về tình hình dịch bệnh, tổ chức vệ sinh phun hóa chất, tiêu độc, khử trùng; tạm ngừng giết mổ gia súc tại vùng đang xảy ra dịch.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42046902-canh-bao-cac-loai-hinh-thoi-tiet-nguy-hiem-o-trung-bo-va-tren-bien-dong.html