Cảnh báo cháy, nổ từ việc bảo dưỡng, sử dụng thiết bị máy lạnh không đúng cách
Việc xảy ra vụ nổ cục nóng điều hòa tại tại Khu vui chơi Sóc Nhím, thuộc Khu đô thị Nam Đầm Vạc, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc khiến 2 người thương vong vào chiều ngày 20-4, lại một lần nữa gióng hồi chuông cảnh tỉnh về chấp hành quy định an toàn lao động nói chung và an toàn phòng chống, cháy nổ nói riêng.
Thao tác sai một li, đi ngàn dặm
Theo tài liệu điều tra, trước khi xảy ra vụ tai nạn lao động thương tâm, chủ nhà là chị Đặng Thị P gọi thợ đến sửa chữa điều hòa ở Khu vui chơi Sóc Nhím. Trong quá trình bơm, sửa chữa phần cục nóng của điều hòa trần nhà thì bị xảy ra tai nạn phát nổ.
Hậu quả, khiến anh Khuất Quang H (SN 1995), trú tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc là thợ sửa chữa điều hòa bị thương, được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. Anh Phùng Trọng B (SN 1983), cũng trú tại huyện Vĩnh Tường cùng làm việc sửa chữa điều hòa trên nóc nhà đã bị thương và đang điều trị tại cơ sở y tế.
Đây không phải là tai nạn hy hữu trong lao động, đặc biệt là đối với thợ sửa chữa máy lạnh luôn phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm thường là ở trên cao. Cách đây chưa lâu, người dân hoảng sợ sau khi xem clip của camera nhà hang xóm ghi lại tại một nhà dân khi một anh thợ lắp đặt, bảo dưỡng cục nóng điều hòa ở độ cao tầng 4 ngoài ngôi nhà. Khi người này đang loay hoay để bảo dưỡng thì bất ngờ tuột dây đai an toàn rơi tự do xuống mặt đất, nhưng may thay người này đã chỉ bị thương nhẹ.
An toàn lao động là trên hết không phải là “slogan” thông thường mà nó là cụm từ tuyệt đối phải thực hiện đối với bất cứ trong trường hợp nào chứ không phải riêng ở trên cao. Cùng với an toàn, còn phải là sự hiểu biết nhất định về kỹ thuật chuyên môn đối với từng thiết bị máy móc, môi trường làm việc chứ không chỉ riêng là tay quen.
Đối với thợ điện lạnh việc hiểu cơ bản nguyên lý điện gas thì còn đòi hỏi người thợ có kỹ năng leo trèo và thắt buộc dây an toàn. Đây không chỉ là bắt buộc an toàn cho cá nhân người thực hiện lắp đặt bảo dưỡng và còn đảm bảo an toàn cho chính gia chủ thuê thợ. Qua tìm hiểu, hiện nay vào những ngày đầu hè nắng nóng bắt đầu xuất hiện, do đó nhu cầu bảo dưỡng thiết bị máy lạnh phải xếp lịch thứ tự của người thợ. Vì lý do này đã dẫn đến không phải thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa nào cũng có trình độ, tay nghề và hiểu biết đúng về cụm từ an toàn nhưng vẫn nhận bảo dưỡng như “đúng rồi”. Từ đây đã dẫn đến hệ luy nhẹ thì gây bực mình cho gia chủ vì sau khi sửa chữa, bảo dưỡng lại không mát, nặng là máy hỏng thậm chí gây cháy cục nóng… cho đến việc có thể gây hậu quả khôn lường như vụ nổ đã xảy ra ở Vĩnh Phúc vừa qua.
Nguyên nhân nào dẫn đến cháy, nổ máy lạnh
Theo chuyên gia Cảnh sát PCCC và CNCH thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ máy lạnh. Như đường dây kém chất lượng, máy lâu ngày không được bảo dưỡng hoặc bảo dưỡng sai quy cách, nhưng tựu trung vẫn là xuất phát từ ý thức con người. Điển hình vụ cháy cục nóng điều hòa xảy ra tại chung cư Linh Đàm, quận Hoàng Mai cuối năm 2022 do chủ nhà phơi quần áo phía trên cục nóng dẫn đến việc rơi đồ xuống cánh quạt cuốn vào trong khi sử dụng không hề hay biết dẫn đến kẹt cánh quạt và gây chập cháy dẫn đến cháy lan, cháy lớn vào căn phòng. Ngoài ra, những năm trước đây, trong mùa nắng nóng cũng đã xảy nhiều vụ cháy cục lạnh điều hòa dẫn đến cháy nhà. Nguyên nhân do không được vệ sinh màng lọc bụi bít kín lỗ thông gió, tạo khí và hoạt động quá tải dẫn đến cháy, nổ.
Trở lại vụ việc cục nóng máy điều hòa phát nổ ở Vĩnh Phúc vừa qua khiến nhiều người thắc mắc về nguyên nhân nổ và cách phòng tránh.
Câu hỏi điều gì gây nổ cục nóng máy điều hòa tại vụ việc cụ thể ở Vĩnh Phúc phải chờ kết luận từ cơ quan chức năng giám định mới xác định chính xác nguyên nhân.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông Đào Văn Tư 50 tuổi, thợ chuyên sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa, máy lạnh tại quân Long Biên, Hà Nội đặt ra tình huống cụ thể như sau. Nổ lớn có thể xảy ra ở tình huống khi thợ hàn bình chứa gas mặc dù đã xả hết gas nhưng không tạo lỗ hở, đồng thời cho nước lã vào trong để tránh phát nổ. Nếu việc này không làm, khí tồn trong bình vẫn còn ở dạng bịt kín mỏ hàn nhiệt độ lên đến vài trăm độ C khiến chênh lệnh áp suất gây nổ như bom.
Trường hợp khác, do trong cụm dàn nóng có máy nén và có dầu bên trong dàn trao đổi nhiệt. Dầu gặp nhiệt độ cao ở mỏ hàn sẽ xảy ra phản ứng cháy đột ngật và làm tăng áp suất tức tốc trong cụm dàn nóng cũng có thể gây nổ như vụ nổ vừa xảy ra.
“Nguyên nhân nữa có thể do nghẹt cáp trong hệ thống dùng gas R32. Toàn bộ lượng gas bị nhốt lại trong cụm dàn nóng và máy nén chạy quá tải, không có thiết bị bảo vệ gây cháy động cơ, phát sinh nguồn nhiệt làm cho gas R32 bắt lửa và cháy”- ông Đào Văn Tư phân tích.
Để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc xuất phát từ nổ cục nóng điều hòa, nhiều kỹ sư điện lạnh cũng cho rằng, hiện nay nhiều trung tâm sửa chữa máy lạnh thông thường hay thuê nhân công lao động đi theo học việc sau đó giao tự làm. Do chỉ tay quen mà không hiểu nguyên lý, kỹ thuật, quy trình đảm bảo an toàn, trong khi đó thiếu sự giám sát nên khi thi công, bảo dưỡng dễ dẫn tới sai sót thậm trí gây hậu quả khôn lường trong an toàn lao động.
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội: “Hàng năm, số vụ cháy do điện chiếm gần 70% các vụ cháy. Do đó, kế hoạch tuyên truyền an toàn cháy, nổ được lực lượng cứu hỏa triển khai liên tục, riêng vào mùa hè lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có chuyên đề “cao điểm PCCC mùa nắng nóng” trong đó tập trung, tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp sử dụng thiết bị điện. Để an toàn cho người dân, CBCS Cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn luôn tận tâm, trách nhiệm “đi từng ngõ gõ từng nhà” để tuyên truyền, tập huấn, trang bị kỹ năng, khuyến cáo bảo dưỡng, bảo trì đúng quy định thiết bị điện, đặc biệt là máy lạnh. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng điện hãy tắt thiết bị điện khi ra khỏi nhà”.