Cảnh báo: chỉ bảy quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn WHO về chất lượng không khí
Thế giới đang cận kề với 'án tử' do suy giảm chất lượng không khí.
Một báo cáo mới đây cho thấy chỉ có bảy quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc tế, trong khi đó, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở nhiều nơi, do hoạt động phục hồi kinh tế và cháy rừng.
Cụ thể, trong số 134 quốc gia và khu vực được khảo sát, chỉ có bảy quốc gia, gồm Úc, Estonia, Phần Lan, Grenada, Iceland, Mauritius và New Zealand, đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về PM2.5 – những hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bẳng 2,5 micro mét, có thể gây ra vô số vấn đề sức khỏe và thậm chí là tử vong - do ô tô, xe tải vả khu công nghiệp thải ra.
Trong khi đó, hầu hết các quốc gia không đáp ứng được tiêu chuẩn này – theo báo cáo của IQAir, một tổ chức chất lượng không khí của Thụy Sĩ thu thập dữ liệu từ hơn 30.000 trạm quan sát trên toàn cầu.
Hiện, nhiều khu vực đang có mức độ ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Báo cáo của IQAir cho thấy quốc gia ô nhiễm nhất thế giới hiện nay là Pakistan, với nồng độ PM2.5 cao hơn 14 lần so với tiêu chuẩn của WHO. Tiếp theo đó là Ấn Độ, Tajikistan và Burkina Faso.
Thậm chí, ngay cả những quốc gia lớn đã đạt được tiến bộ trong hạn chế ô nhiễm không khí vẫn đang bị đe dọa. Từng được xem là nước có chất lượng không khí trong lành nhất trong số các quốc gia phương Tây, Canada hiện đang bị bao vây bởi lượng PM2.5 dày đặc, phần lớn đến từ các vụ cháy rừng quy mô lớn.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, công cuộc cải thiện chất lượng không khí đã trở nên phức tạp hơn vào năm ngoái, do hoạt động phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, khi các báo cáo cho thấy mức PM2.5 đã tăng lên 6,5%.
“Thật không may, mọi thứ đã đi ngược với mục tiêu đề ra. Dù đã nhận thức rõ ràng về tác động của ô nhiễm không khí, việc quen sống trong môi trường suy giảm chất lượng không khí đã làm chậm tốc độ phản ứng của chúng ta trước những thách thức đang đặt ra” – Glory Dolphin Hammes, giám đốc điều hành IQAir khu vực Bắc Mỹ chia sẻ.
Ô nhiễm không khí đã khiến bảy triệu người thiệt mạng/năm trên toàn thế giới – nhiều hơn cả bệnh AIDS và bệnh sốt rét cộng lại. Hậu quả này đang được cảm nhận rõ ràng nhất tại các nước phát triển phụ thuộc vào nhiên liệu bẩn - khi đốt sẽ thải ra nhiều khí độc hại - để sưởi ấm, thắp sáng và nấu ăn.
Báo cáo thường niên lần thứ sáu của IQAir cho thấy khu vực ô nhiễm nhất thế giới vào năm ngoái là Begusarai ở Ấn Độ. Tuy nhiên, phần lớn các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi, đang thiếu các phép đo chất lượng không khí đáng tin cậy.
Ngay cả khi WHO đã hạ tiêu chuẩn về mức PM2.5 an toàn vào năm 2021 xuống còn 2 microgam/m3, nhiều quốc gia, kể cả những nước châu Âu đã cải thiện chất lượng không khí đáng kể trong 20 năm qua, vẫn không thể đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, ngay cả khi đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, con người vẫn khó có thể nắm bắt được những nguy cơ khủng khiếp đến từ ô nhiễm không khí. Nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ công bố vào tháng trước cho thấy không có mức PM2.5 an toàn, thậm chí mức phơi nhiễm các hạt nhỏ nhất cũng có thể làm tăng tỷ lệ nhập viện do các bệnh tim và hen suyễn.