Cảnh báo chiêu trò huy động vốn đa cấp trái phép
Gần đây trên nhiều tỉnh, thành cả nước tiếp tục tái diễn hoạt động của những hội, nhóm trên các mạng xã hội để huy động vốn, bằng phương thức lấy của người sau trả cho người trước. Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo các chiêu trò đa cấp mới đang âm thầm lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân với nhiều biến tướng nguy hại, hệ lụy khó lường.
Nở rộ huy động vốn đa cấp online
Theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, số người tham gia bán hàng đa cấp ngày càng giảm. Đến hết tháng 8, cả nước chỉ còn 21 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp. Có thể nhận thấy, vấn nạn đa cấp thời gian qua không còn nóng như trước. Thế nhưng, hoạt động bán hàng đa cấp không phép và hiện tượng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái phép online đang có xu hướng gia tăng.
Một số phần mềm (app) có dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua internet mà Bộ Công an cảnh báo cho thấy, các chiêu trò đa cấp mới lại đang âm thầm lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân với nhiều biến tướng nguy hại, hệ lụy khó lường. Khác với các mô hình bán hàng đa cấp truyền thống trước đây, các “ông trùm” hệ thống đang lấn sân sang khai thác nền tảng thương mại điện tử, công nghệ 4.0 để trực tiếp huy động vốn theo kiểu đa cấp, trả thưởng cao nhằm đánh vào lòng tham của người tham gia.
Được giới thiệu là “kinh doanh mạng”, “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh thời đại 4.0”, “doanh nhân muốn kết nối toàn cầu”, “sân chơi của những bạn trẻ khởi nghiệp”..., các mô hình, dự án này được lan truyền trên mạng xã hội, thu hút đông đảo người tham gia. Trong khi đó, đầu tư vào các mô hình mới này quá rủi ro vì khoản tiền đầu tư của người tham gia không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, mà chỉ thể hiện trên tài khoản ảo ở các website, trong khi hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, chủ dự án không ở Việt Nam, dẫn đến rủi ro cho những người tham gia.
Mới đây, Bộ Công an cảnh báo, phần mềm MyAladdinz (hay còn gọi là App MyAladdinz) hoạt động mang nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng internet. Bộ Công an khuyến cáo, hiện tại, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào.
Phần mềm MyAladdinz do một nhóm đối tượng có tên “Success Resources” xây dựng và phát triển như một sàn thương mại điện tử tích điểm cho người tham gia, các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (chưa được cấp phép) để huy động vốn và tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Người dân, nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động của MyAladdinz. Do đó, cần nâng cao cảnh giác trước các loại hình hoạt động tương tự; cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tự mình quyết định tham gia đầu tư, tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Ngoài MyAladdinz, cơ quan công an cũng đã nhận được đơn trình báo của nhiều người dân về việc họ bị rủ rê tham gia đầu tư vào hệ thống MFCClub (MBI), BBI Mall, BBONUS, MyAladdinz, Vitae… làm thiệt hại hàng tỷ đồng.
Có thể xử lý hình sự
Theo Bộ Công Thương, hiện nay có nhiều DN hoạt động kinh doanh với mô hình trả thưởng dựa trên mô hình đa cấp với một số hình thức như mua bán tiền điện tử, kinh doanh dịch vụ giáo dục hoặc kêu gọi đầu tư các dự án. Các hình thức này là hình thức bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro. Do đó, người dân cần thận trọng, tránh tham gia vào những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này để hạn chế rủi ro. Tháng 10/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng đã có thông tin cảnh báo đến người dân về hiện tượng rất nhiều mô hình, dự án kinh doanh được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng” hay “kinh doanh thời đại 4.0”… trên nền tảng mạng xã hội không đúng quy định pháp luật.
Trao đổi về loại hình huy động vốn đa cấp online trái phép, luật sư Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH CHD LAW cho rằng, sự phát triển của công nghệ số trong thời đại 4.0 đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều tập đoàn, DN phát triển không ngừng gia tăng lợi nhuận, thị trường. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự phát triển của công nghệ số để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hoạt động đa cấp và huy động vốn trái phép.
Nếu như trước đây, các DN kinh doanh đa cấp gắn liền với việc bán các mặt hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe thì thời gian gần đây, hoạt động đa cấp đã bị biến tướng, không có hàng hóa như phương thức truyền thống nữa, thay vào đó là các gói đầu tư. Người tham gia bỏ tiền mở tài khoản ảo và mua các gói đầu tư trên website do các đối tượng lập ra với những lời hứa hẹn có cánh sẽ được hưởng lãi suất rất cao, thời gian thu hồi vốn nhanh. Đồng thời, người chơi còn được hưởng hoa hồng khi giới thiệu những người khác tham gia vào hệ thống, mà thực chất là lấy tiền của người sau trả cho người trước...
Hoạt động huy động vốn trái phép theo hình thức đa cấp này ngày càng diễn biến phức tạp và liên tục biến tướng, thay đổi chiêu thức để dụ dỗ người chơi và qua mặt các cơ quan chức năng. Điều đáng lo ngại là mặc dù cơ quan chức năng, báo, đài liên tục phanh phui, cảnh báo các chiêu thức nhưng số lượng người tham gia các loại hình này vẫn không ngừng gia tăng, quy mô các vụ việc bị phát giác vụ sau cao hơi rất nhiều lần các vụ việc trước. Hệ quả để lại là tiền đầu tư của người dân bị chiếm đoạt, tình hình trật tự an ninh xã hội bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động huy động vốn thông qua các kênh được pháp luật thừa nhận, cho phép hoạt động bị ảnh hưởng rất lớn.
“Theo quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh đa cấp chưa được cấp phép hoặc kinh doanh theo hình thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100 - 200 triệu đồng, hoặc có thể bị xử lý hình sự mà mức phạt lên tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam, quy định tại Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017” - luật sư Nguyễn Văn Hùng thông tin.
"Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa cho phép tiền ảo là tiền hợp pháp. Nếu không may có rủi ro xảy ra, các bên giao dịch đều có thể phải chịu thiệt thòi. Trong khi đó, các hoạt động đầu tư, giao dịch, huy động vốn bằng tiền ảo đã và đang diễn ra tại Việt Nam; và nhận thức của người dân về tiền ảo, bản chất của nó chưa thật sự đầy đủ.
Để tránh rủi ro cho các nhà đầu tư, Việt Nam cần nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo và đây cũng là giải pháp mà chúng ta chủ động hội nhập cũng như ứng phó với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh." - Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/canh-bao-chieu-tro-huy-dong-von-da-cap-trai-phep-402298.html