Cảnh báo chiêu trò lừa đảo từ các cuộc gọi 'câm'
Gần đây, nhiều người dùng điện thoại phản ánh về tình trạng thường xuyên nhận được cuộc gọi từ số lạ nhưng khi bắt máy thì không ai trả lời. Nguyên nhân có thể do lỗi kỹ thuật hoặc kẻ gian cố tình thực hiện cuộc gọi không lời nhằm khơi gợi sự tò mò, khiến khách hàng gọi lại.
CẢNH BÁO CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO TỪ CÁC CUỘC GỌI KHÔNG NÓI GÌ

Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng khách hàng nhận được nhiều cuộc gọi lạ giả danh, cuộc gọi không nói gì, không có âm thanh… gây phiền hà. Thậm chí còn có nhiều người dính bẫy lừa đảo cần cảnh giác.
Gần đây, nhiều người dùng điện thoại phản ánh về tình trạng thường xuyên nhận được cuộc gọi từ số lạ nhưng khi bắt máy thì không ai trả lời. Nguyên nhân có thể do lỗi kỹ thuật hoặc kẻ gian cố tình thực hiện cuộc gọi không lời nhằm khơi gợi sự tò mò, khiến khách hàng gọi lại. Khi đó có thể bị tính phí viễn thông cao bất thường.
Tình trạng trên thường được gọi là "cuộc gọi mồi", những cuộc gọi trong tích tắc rồi tắt máy, để người dùng thấy cuộc gọi nhỡ mà gọi lại, kết quả sẽ tốn rất nhiều tiền trong vài giây ngắn ngủi mà không nghe đối phương nói gì.
Hình thức lừa đảo này đã từng rất phổ biến tại Mỹ và các nước châu Âu từ thập kỷ trước và hiện đang quay trở lại, gây hoang mang cho khách hàng của các nhà mạng. Cách thức lừa đảo này đã từng được các trang báo trong nước cũng như quốc tế cảnh báo từ lâu.
Cụ thể, những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng một thiết bị để tự động thực hiện các cuộc gọi đến hàng triệu số điện thoại di động ngẫu nhiên trên toàn cầu. Đánh vào đúng thói quen rất bình thường từ trước đến nay của người dùng điện thoại, đó là việc gọi lại những cuộc gọi nhỡ. Trò này đã lừa được vô số người. Hầu hết các số điện thoại đều rất khó nhận diện, vì chúng hao hao như mã vùng điện thoại tại một số nơi ở Việt Nam.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo hiện nay các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội và Internet ngày càng tinh vi, không chỉ giới hạn trong môi trường trực tuyến mà còn mở rộng sang những cuộc gọi điện thoại với nhiều chiêu trò khó lường.
Người dân nếu nhận được cuộc gọi từ số điện thoại không phải là một số điện thoại cố định hay di động thông thường hoặc không liên quan đến một tổ chức hay đơn vị nào, cần tuyệt đối cảnh giác, không nghe và thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng lạ.
Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới mọi hình thức hoặc truy cập vào những đường dẫn do đối tượng không rõ danh tính gửi đến. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO GIẢ MẠO VIDEO, HÌNH ẢNH BẰNG CÔNG NGHỆ CAO TIẾP TỤC TÁI DIỄN

Mới đây, Bộ Công an đã gửi tin nhắn cảnh báo về việc xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng hình ảnh, video công khai của người dân để chỉnh sửa, cắt ghép, đe dọa tống tiền bằng các video giả mạo.
Công nghệ deepfake là một nhánh nổi bật của AI. Nhờ khả năng tái tạo âm thanh và hình ảnh của một người với độ chính xác cao, kẻ gian có thể giả mạo các nhà lãnh đạo trong các cuộc họp trực tuyến, hoặc dựng lên các video, cuộc gọi nhằm lừa đảo tài chính.
Hơn nữa, các chiêu trò này thường khai thác yếu tố tâm lý như sự khẩn cấp, sợ hãi hoặc quyền lực, khiến nạn nhân hành động vội vàng mà không kiểm tra kỹ tính xác thực. Deepfake không chỉ dừng lại ở các vụ lừa đảo đầu tư tài chính.
Một ví dụ khác là các vụ lừa đảo tình cảm (AI romantic scams), trong đó deepfake được sử dụng để tạo ra các nhân vật hư cấu, tương tác với nạn nhân thông qua các cuộc gọi video.
Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền để giải quyết các tình huống khẩn cấp, chi phí đi lại, hoặc các khoản vay.
Gần đây, một nhóm hơn hai chục người liên quan đến các vụ lừa đảo kiểu này đã bị bắt sau khi chiếm đoạt 46 triệu USD từ các nạn nhân tại Singapore, Ấn Độ…
Giọng nói giả mạo (voice fakes) cũng đã được sử dụng trong các vụ lừa đảo nhắm vào cá nhân, cũng như trong các cuộc tấn công nhằm vào các ngân hàng sử dụng hệ thống xác thực bằng giọng nói.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dùng cần phải cảnh giác với lời khuyên đầu tư từ người nổi tiếng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Hãy quan sát kỹ những biểu cảm khuôn mặt không tự nhiên trong các video. Nếu một khoản đầu tư nghe có vẻ quá hấp dẫn, thì rất có thể đó là một chiêu trò lừa đảo.
Ngoài ra, người dùng cần hạn chế đăng tải nội dung liên quan đến thông tin cá nhân lên mạng xã hội để tránh trường hợp bị các đối tượng xấu đánh cắp thông tin như hình ảnh, video hoặc giọng nó, đồng thời đặt chế độ tài khoản ở chế độ riêng tư để bảo vệ thông tin cá nhân.
Người dùng cũng nên cảnh giác với các tin nhắn, email hoặc cuộc gọi không xác định, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản hoặc làm theo yêu cầu của họ. Bên cạnh đó, cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường trong hình ảnh, video hoặc giọng nói cũng có thể giúp bạn nhận diện các trò lừa đảo.
CẢNH BÁO LỪA ĐẢO BÁN PIN XE MÁY ĐIỆN ĐỂ CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức xảy ra ngày 11/12/2024 tại thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Theo đó, đối tượng lừa đảo được xác định Đỗ Thị Thu Hiền, sinh năm 2000, thường trú ở thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương làm nhân viên bán xe máy điện và pin xe máy điện tại Đại lý Vinfast địa chỉ 485 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội từ cuối năm 2022, đến 30/10/2023 thì đại lý đóng cửa nên Hiền nghỉ việc.
Quá trình làm nhân viên bán xe máy điện Hiền quen biết nhiều khách hàng, sau khi nghỉ việc, khách hàng vẫn liên hệ với Hiền để mua và thuê pin xe máy điện.
Do nghỉ việc không có tiền tiêu xài cá nhân nên Hiền nảy sinh ý định lừa bán pin xe máy điện của hãng Vinfast cho người khác để lấy tiền. Hiền đã sử dụng 1 con dấu giả theo mẫu dấu của đại lý Vinfast nhưng lấy địa chỉ tại thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội và tự làm mẫu biên bản bàn giao pin theo mẫu của đại lý bán xe máy điện Vinfast rồi dùng con dấu giả đóng vào biên bản. Sau đó, Hiền dùng biên bản đó giao dịch bán pin xe máy điện cho người khác và chiếm đoạt tiền.
Hình thức lừa đảo bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng xã hội đã không còn quá xa lạ. Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là tạo lập các trang mạng xã hội giả mạo, đăng tải thông tin, hình ảnh về sản phẩm và rao bán với giá thấp hơn nhiều giá thị trường. Các trang Facebook cá nhân của các đối tượng lừa đảo thường không có thông tin cá nhân minh bạch.
Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo còn tham gia vào các hội nhóm, liên tục đăng bài quảng cáo sản phẩm để thu hút sự quan tâm của người dùng. Nhiều đối tượng còn làm giả những giấy tờ liên quan đến chứng nhận hàng thật, con dấu của các công ty, doanh nghiệp lớn để tăng uy tín và tạo sự tin tưởng cho người mua. Khi có nạn nhân tiếp cận và đồng ý mua, đối tượng sẽ yêu cầu đặt cọc và sau đó chiếm đoạt tiền, chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, người dân cần xác minh danh tính đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản. Nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng.
Đặc biệt, người dân không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; cần cẩn trọng và xác minh kỹ các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính. Không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ những nguồn không rõ ràng.
CẢNH GIÁC VỚI CUỘC GỌI MẠO DANH SỞ CỨU HỎA

Mới đây, Sở Cứu hỏa thành phố Calgary (Canada) cho biết họ đã bị giả mạo bởi các đối tượng lừa đảo, chủ động tiếp cận người dân thông qua hình thức gọi điện thoại nhằm mục đích chiếm đoạt thông tin và tài sản.
Các đối tượng lừa đảo gọi điện đến cho người dân, tự xưng là nhân viên thuộc Sở Cứu Hỏa thành phố và ngỏ ý muốn được cung cấp dịch vụ bảo dưỡng định kỳ lò khí gas (thiết bị sử dụng khí gas để sưởi ấm).
Bên cạnh việc giới thiệu và mời chào dịch vụ, các đối tượng cũng cung cấp cho người dân những thông tin về tác hại và hậu quả nghiêm trọng nếu các thiết bị sử dụng khí gas không được kiểm tra và bảo dưỡng trong một thời gian dài.
Để tiến hành đăng ký và sử dụng gói dịch vụ, các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp các thông tin như họ tên, địa chỉ nhà, thông tin ngân hàng,... sau đó thống nhất với người dân về lịch hẹn kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị tại nhà.
Phía Sở Cứu hỏa cũng cho biết với số lượng vụ tai nạn xảy ra do rò rỉ khí gas ngày một gia tăng, người dân sẽ không ngần ngại cung cấp thông tin nhằm sử dụng dịch vụ mà các đối tượng lừa đảo cung cấp.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được cuộc gọi với nội dung tương tự như trên.
Cảnh giác với những cuộc gọi yêu cầu thanh toán thông qua thẻ cào, các ứng dụng trực tuyến hoặc ví điện tử. Cẩn trọng xác thực thông tin thông qua các trang tin uy tín hoặc cổng thông tin chính thống.
Tuyệt đối không cả tin làm theo hướng dẫn, không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác minh được danh tính của đối tượng. Khi nhận thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO THÔNG QUA TÍNH NĂNG HỢP NHẤT CUỘC GỌI

Mới đây, Tập đoàn Hệ thống Thanh toán Quốc gia Ấn Độ (NPCI) đã đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo mới hết sức tinh vi, nhắm vào tâm lý cả tin của người dùng để thực hiện hành vi đánh cắp mã OTP nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch trực tuyến.
Kẻ lừa đảo chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua hình thức gọi điện trực tiếp. Ban đầu, các đối tượng cho biết mình có được số điện thoại của nạn nhân thông qua một người bạn.
Được biết, danh tính của người này đã được các đối tượng nắm bắt thông qua danh sách bạn bè trên các tài khoản mạng xã hội của nạn nhân. Sau đó, đối tượng viện ra lý do như bàn chuyện công việc, yêu cầu nạn nhân cho phép người bạn kia tham gia vào cuộc gọi thông qua tính năng hợp nhất cuộc gọi (merge call).
Thực chất, số điện thoại của người bạn kia là cuộc gọi đến từ ngân hàng nhằm cung cấp mã OTP cho giao dịch mà đối tượng đang thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng của nạn nhân đã bị đánh cắp từ trước. Khi tham gia cuộc gọi hợp nhất, các đối tượng đã có thể lấy mã OTP một cách hợp lệ, phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.
Trước diễn biến của thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được những cuộc gọi đến từ đối tượng lạ. Cẩn trọng xác minh danh tính người gọi thông qua bạn bè, người thân.
Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không cung cấp thông tin quan trọng hoặc thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng đáng ngờ. Người dân cũng được khuyến cáo sử dụng các ứng dụng phát hiện cuộc gọi lừa đảo như nTrust, Truecaller hay Calls Blacklist để sớm phát hiện hành vi lừa đảo.
Khi phát hiện thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo sự việc cho cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm phục vụ cho quá trình điều tra và ngăn chặn các đối tượng lừa đảo.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/canh-bao-chieu-tro-lua-dao-tu-cac-cuoc-goi-cam-post861380.html