Cảnh báo Crimea có thể hứng chịu thảm họa động đất như ở Thổ Nhĩ Kỳ
Nhà địa chấn học hàng đầu nước Nga Aleksandr Gorshkov cảnh báo bán đảo Crimea có thể hứng chịu trận động đất tương tự như ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-2.
Thế giới bàng hoàng khi chứng kiến thảm họa động đất vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Theo kênh CNN, số người chết trong trận động đất kinh hoàng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 7.726. Trong một thông báo cập nhật, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay nói rằng ít nhất 5.894 người đã chết và 34.810 người bị thương ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Syria, ít nhất 1.832 người chết và 3.849 người bị thương đã được báo cáo.
Nhà địa chấn học hàng đầu nước Nga Aleksandr Gorshkov cảnh báo bán đảo Crimea có thể hứng chịu trận động đất tương tự như vừa mới xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.
"Crimea thuộc vành đai Alpine-Himalaya, cùng cấu trúc với Thổ Nhĩ Kỳ" - nhà địa chấn học Aleksandr Gorshkov nói với hãng tin Nga RIA Novosti hôm 7-2 - "Về mặt lý thuyết, thảm họa như ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra trên bán đảo Crimea" .
Bán đảo Crimea được sáp nhập vào lãnh thổ Nga sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014. Lần cuối cùng khu vực này hứng chịu một trận động đất lớn cách đây gần 100 năm trước.
Trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử ở trên bán đảo Crimea là vào năm 1927. Mặc dù số người chết không khủng khiếp như tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6-2 nhưng nhiều tòa nhà tại bán đảo Crimea khi đó đã bị san bằng.
Kể từ đó, đã có một số trận động đất nhỏ ở bán đảo Crimea nhưng không gây thiệt hại đáng kể, trong đó có hai trận vào tháng 1-2021 có cường độ dưới 3 độ richter.
Có nhiều nguyên nhân khiến trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây thiệt hại cực lớn về người và của, bao gồm thời gian xảy ra, vị trí, đường đứt gãy tương đối yên tĩnh và kết cấu yếu của các tòa nhà bị sập.
Trận động đất gây ra sự tàn phá khủng khiếp một phần vì sức mạnh của nó — đây là trận động đất mạnh nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939. Hơn nữa, trận động đất mạnh này đã tấn công vào khu vực đông dân cư.
Một lý do khác là nó xảy ra lúc 04 giờ 17 phút sáng (giờ địa phương) khi nhiều người còn đang say giấc và nhanh chóng bị chôn vùi khi nhà cửa sập xuống. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết xấu, không thể kịp thời giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt.
Theo Roger Musson, tác giả của cuốn sách "Triệu trận động đất": "Nhà cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng không được xây dựng phù hợp với một khu vực dễ bị động đất lớn".
Martin Mai, giáo sư địa vật lý tại Trường ĐH King Abdullah (Ả Rập Saudi), nhận định tương tự: "Các tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ thường xây bằng gạch, không có cốt thép. Khung bê tông cũng thiếu tính linh hoạt và khó chống chọi với rung lắc mạnh".
Một số nhân chứng cho biết những tòa nhà được xây dựng theo quy chuẩn chống động đất vẫn đứng vững, trong khi nhiều căn nhà xung quanh sụp đổ, thậm chí bốc cháy.