Cảnh báo đáng sợ về biến đổi khí hậu
Năm 2020 đang trên đường trở thành năm nóng thứ 2 từng được ghi nhận và thậm chí có thể vượt kỷ lục năm nóng nhất 2016. Theo Liên Hiệp Quốc, các thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu khiến thế giới thiệt hại 150 tỉ USD vào năm ngoái.
Theo báo cáo mới nhất được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc công bố hôm 2-12, 6 năm vừa qua (từ 2015 đến 2020) đều thuộc số những năm nóng nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1850.
Dữ liệu của WMO cho thấy 2020 là một năm chứng kiến nhiều đợt nắng nóng, nạn hạn hán, cháy rừng và bão lớn. Đáng chú ý, theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, năm nay cũng ghi nhận những mức nhiệt độ cực đoan mới trên đất liền, trên biển và đặc biệt là ở Bắc Cực. "Thật không may, 2020 lại là một năm đặc biệt đối với khí hậu của chúng ta" - ông Taalas đánh giá, đồng thời thúc giục các nước nỗ lực nhiều hơn nữa để hạn chế khí thải.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhận định báo cáo trên cho thấy "chúng ta đang tiến gần thảm họa khí hậu". Phát biểu tại Trường ĐH Columbia (Mỹ) hôm 2-12, ông Guterres cho rằng khí nhà kính do con người thải ra là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói trên và các chính sách hiện vẫn chưa đủ mạnh để đối phó thách thức này. "Con người đang gây chiến với thiên nhiên. Đây là hành động tự sát" - ông Guterres nhấn mạnh.
Cũng theo nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, các thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu khiến thế giới thiệt hại 150 tỉ USD vào năm ngoái. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm không khí và nước đang khiến 9 triệu người tử vong hằng năm.
Nhân dịp này, ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, cam kết đạt mức phát thải bằng 0 và tài trợ cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiệp định Paris kêu gọi hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) trong khi các nước theo đuổi mục tiêu hạn chế mức tăng dưới 1,5 độ C. Theo ông Taalas, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2020 được dự đoán sẽ cao hơn khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cảnh báo trên của ông Guterres càng có cơ sở khi một báo cáo mới của tạp chí y khoa Lancet cho biết biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Theo báo cáo được công bố hôm 3-12, nắng nóng cực đoan đã cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người từ 65 tuổi trở lên trong năm 2018.
Ngoài ra, nhiệt độ cao hơn cũng khiến điều kiện lao động ngoài trời thêm khó khăn. Theo thống kê, thế giới đã mất 302 tỉ giờ làm do nắng nóng cực đoan trong năm 2019, so với 199 tỉ giờ năm 2000. Chưa hết, nắng nóng và hạn hán làm gia tăng nguy cơ con người đối mặt các đám cháy rừng.
Theo thống kê, số người bị thương hoặc thiệt mạng do cháy rừng đã gia tăng tại 128 nước kể từ những năm đầu thế kỷ XXI. Ngoài ra, mực nước biển dâng có thể đe dọa khiến 565 triệu người rời bỏ nhà cửa vào năm 2100, từ đó khiến họ đối mặt một loạt vấn đề sức khỏe.