Cảnh báo dịch chồng dịch
Khi số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng thì cùng lúc dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng vào mùa cao điểm
Tại Khoa Nhiễm B - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM) ngày 26-5, bà L.N.B (60 tuổi, ở quận 11) đang vất vả chăm sóc cháu ngoại gần 3 tuổi đang điều trị tích cực bệnh tay chân miệng. "Sáng bé đi học bình thường, trưa cô giáo gọi điện thông báo gia đình đón về do bị sốt. Đến đêm, bé sốt cao không hạ phải đi cấp cứu" - bà B. nói.
Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết vào mùa
Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bé mắc bệnh tay chân miệng, dù thời điểm nhập viện vẫn chưa xuất hiện rõ các dấu hiệu đặc trưng. Sau 2-3 ngày nằm viện, bé mới bắt đầu nổi ban và loét miệng - những triệu chứng điển hình của bệnh. "Trường hợp này là lời nhắc nhở đến các bậc phụ huynh khi trẻ sốt cao, đặc biệt là có tiền sử co giật, cần đưa đến cơ sở y tế sớm" - BS chuyên khoa II Lê Thị Mỹ Linh, Trưởng Khoa Nhiễm B - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, lưu ý.
ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết số ca bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh gấp 2-3 lần trong khoảng 3-4 tuần gần đây, cả nội trú và ngoại trú. "Chúng tôi xây dựng 3 kế hoạch dự phòng mỗi năm gồm bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và sởi ngay từ đầu năm; phân bổ khu điều trị, tăng thêm số giường bệnh và bảo đảm cơ số thuốc, dịch truyền đầy đủ" - BS Qui thông tin.

Bệnh nhi điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM). Ảnh: HẢI YẾN
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trong tuần thứ 20 (từ ngày 12 đến 18-5), thành phố ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng vọt, trong khi sốt xuất huyết và sởi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận gần 7.700 ca mắc sốt xuất huyết, 6.711 ca tay chân miệng (tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái, số nhập viện cũng tăng 15%, chưa có ca tử vong).
Theo ThS-BS Phan Thị Ngọc Uyên, Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật - Viện Pasteur TP HCM, dữ liệu từ hệ thống giám sát quốc gia và các phòng xét nghiệm cho thấy bệnh tay chân miệng khu vực phía Nam vẫn đang là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với số ca mắc chiếm tới 60%-80% toàn quốc và chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Từ năm 2017 đến 2022, bệnh này lưu hành quanh năm, đặc biệt tăng mạnh vào mùa mưa. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9-10, tuy nhiên hiện nay xu hướng sớm hơn, xuất hiện tầm tháng 4-5. 19 tuần đầu năm 2025, khu vực phía Nam đã ghi nhận khoảng 14.600 ca mắc, chưa có ca tử vong. Dù tổng ca mắc đang tăng, song số ca nặng độ 2B, 3, 4 không ghi nhận xu hướng tăng, một tín hiệu tương đối tích cực.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19, trong đó có nhiều trẻ em. Đại diện bệnh viện cho biết đã thiết lập khu cách ly riêng cho từng bệnh nhằm tránh lây nhiễm chéo, đồng thời tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và phân luồng ngay từ khâu tiếp nhận để bảo đảm an toàn. Các chuyên gia cảnh báo thời tiết nắng nóng, ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là tay chân miệng và sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm.
Triển khai chiến dịch cao điểm để phòng, chống
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC), trong tuần gần đây nhất, từ ngày 16 đến 23-5, Hà Nội ghi nhận 155 ca mắc COVID-19. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố có tổng cộng 192 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong nào. Số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trong 2 tuần gần đây và dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới.
Bộ Y tế cảnh báo dù COVID-19 không còn ở mức khẩn cấp, vẫn có nguy cơ diễn biến nặng ở người cao tuổi, người bệnh nền và người chưa tiêm đủ vắc-xin. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 650 trường hợp mắc COVID-19 tại 39 tỉnh, thành, không có tử vong. Hiện dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 đang có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Đặc biệt, cao điểm du lịch hè sắp tới với nhu cầu di chuyển cao của người dân sẽ làm tăng nguy cơ lây lan.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền, ngành y tế và các đơn vị liên quan triển khai chiến dịch cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh tiềm ẩn trong mùa mưa lũ, ngập úng từ tháng 6 đến tháng 7. Bên cạnh đó, bộ cũng yêu cầu duy trì trực 24/7 các đội cơ động chống dịch để hỗ trợ tuyến dưới trong công tác giám sát và xử lý kịp thời các ổ dịch. Các địa phương cần tăng cường giám sát dựa trên sự kiện nhằm phát hiện sớm và cung cấp thông tin kịp thời về những dấu hiệu bất thường liên quan đến COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy các biến thể mới của COVID-19 gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn, tuy nhiên người dân vẫn cần chủ động phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang nơi đông người và thường xuyên rửa tay, sát khuẩn.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường tiếp nhận và điều trị, hạn chế tối đa tử vong; đồng thời bảo đảm tư vấn, cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời cho bệnh nhân. Các đơn vị cần xây dựng phương án phân tuyến điều trị hợp lý, hỗ trợ tuyến dưới để tránh tình trạng quá tải. Cơ sở y tế cần chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men, vật tư và thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch, đặc biệt tại những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Đội cơ động phải được bố trí tại các điểm nóng, sẵn sàng triển khai xử lý ngay khi dịch bệnh xuất hiện. "Hiện nay đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu chúng ta không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần loại bỏ, đậy kín và giám sát các vật dụng chứa nước nhằm diệt lăng quăng, phòng bệnh sốt xuất huyết. Gia đình và nhà trường cần chú ý thường xuyên rửa tay cho trẻ nhỏ để ngăn ngừa bệnh tay chân miệng. Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác; không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh. Nếu trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Ngoài ra, mỗi người nên đeo khẩu trang nơi công cộng và hạn chế tụ tập đông người nhằm phòng ngừa COVID-19. Sau các đợt mưa bão, các địa phương cần tổ chức vệ sinh môi trường để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Thêm "lá chắn" phòng dịch
Sau 3 năm triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc), nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP HCM vừa công bố kết quả rất khả quan đối với một loại vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây ra - một trong những tác nhân nguy hiểm nhất hiện nay. Thử nghiệm được tiến hành trên 3.993 trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi tại Việt Nam và Đài Loan, trong đó có gần 30% trẻ tại Việt Nam. Kết quả cho thấy vắc-xin EV71 đã đạt hiệu lực bảo vệ lên tới 99,21% (với mức tin cậy trên 94%).
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-bao-dich-chong-dich-196250526212031998.htm